Theo tính toán từ số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 12/2021, nhập khẩu sắt thép các loại đạt 909.625 tấn với kim ngạch 1,03 tỷ USD, tăng 10% về lượng, tăng 12,2% kim ngạch so với tháng trước đó.
Sắt thép các loại nhập khẩu vào Việt Nam nhiều nhất có xuất xứ từ thi trường Trung Quốc, chiếm 40,3% trong tổng lượng và chiếm 38% trong tổng kim ngạch nhập khẩu sản phẩm này của cả nước với 5 triệu tấn, trị giá 4,38 tỷ USD, tăng cả lượng, kim ngạch và giá so với năm 2020.
Nhật Bản là thị trường lớn thứ hai, ở mức 1,9 triệu tấn, trị giá 1,73 tỷ USD, giảm 22,8% về lượng, nhưng tăng 23,8% về kim ngạch so với năm 2020.
Đứng thứ ba là thị trường Hàn Quốc với 1,5 triệu tấn, trị giá 1,59 tỷ USD, giảm 16,5% về lượng, tăng 24,4% kim ngạch so với 2020.
Ở chiều ngược lại, Việt Nam xuất khẩu hơn 14 triệu tấn sắt thép trong năm 2021 với kim ngạch 12,7 tỷ USD. Như vậy trong năm 2021, ngành thép xuất siêu 1,18 tỷ USD.
Theo đánh giá của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), xuất khẩu năm nay được dự báo sẽ gặp khó hơn so với 2021.
Những thay đổi trong chính sách thương mại có thể ảnh hưởng đến biên lợi nhuận và sản lượng hàng xuất khẩu trong thời gian tới. Sản lượng xuất khẩu sang EU tăng mạnh có thể dẫn đến việc áp dụng hạn ngạch bắt đầu từ tháng 7/2022 đối với một số sản phẩm của Việt Nam.
Bên cạnh đó, Mỹ sẽ dỡ bỏ mức thuế 25% hiện có đối với các sản phẩm thép EU cho mức hạn ngạch thuế quan là 3,3 triệu tấn (tương đương 12% khối lượng nhập khẩu của Mỹ), hiệu lực từ 1/1.
Trước tình hình trên, theo VDSC, các nhà sản xuất Việt Nam có thể tăng sản lượng xuất khẩu sang ASEAN khi nhu cầu từ châu Âu - Bắc Mỹ giảm. Tuy nhiên, biên gộp sẽ thấp hơn so với năm 2021.