Việt Nam - Campuchia: Sẽ ký hiệp định về cửa khẩu biên giới trên đất liền

Thế Dũng |

Ngày 22-12, sau chuyến thăm cấp Nhà nước của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tới Vương quốc Campuchia, hai bên đã ra tuyên bố chung.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tặng quà bà con kiều bào tại Campuchia ngày 22-12

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tặng quà bà con kiều bào tại Campuchia ngày 22-12

Theo tuyên bố chung, Việt NamCampuchia đánh giá cao ý nghĩa trọng đại của chuyến thăm cấp Nhà nước đầu tiên của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tới Vương quốc Campuchia trên cương vị Chủ tịch nước, đồng thời cũng là sự kiện mở màn cho "Năm Hữu nghị Việt Nam - Campuchia, Campuchia - Việt Nam 2022".

Cùng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phối hợp ứng phó với những tác động về y tế, kinh tế và xã hội của đại dịch Covid-19, hai bên sẽ thúc đẩy trao đổi tiến tới công nhận lẫn nhau về hộ chiếu vắc-xin/giấy chứng nhận tiêm chủng Covid-19, tạo thuận lợi đi lại cho công dân hai nước, thúc đẩy sớm mở lại đường bay thẳng giữa hai nước một cách an toàn.

Việt Nam - Campuchia khẳng định cam kết tôn trọng và thực hiện đầy đủ các hiệp ước về hoạch định và phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền và các hiệp định, thỏa thuận liên quan đến biên giới giữa hai nước.

Hai bên khen ngợi những nỗ lực của Ủy ban liên hợp Phân giới cắm mốc trên đất liền Việt Nam - Campuchia, Campuchia - Việt Nam đã hoàn thành khoảng 84% khối lượng công tác phân giới cắm mốc trên đất liền giữa hai nước; thúc đẩy Ủy ban liên hợp Biên giới Việt Nam - Campuchia, Campuchia - Việt Nam tìm giải pháp mà hai bên có thể chấp nhận được để giải quyết khoảng 16% đường biên giới trên đất liền chưa hoàn thành phân giới cắm mốc.

Hai bên nhất trí về sự cần thiết phải ký kết hiệp định về cửa khẩu biên giới trên đất liền trong tương lai gần để thay thế các điều khoản trong Hiệp định về quy chế biên giới năm 1983 liên quan đến quản lý các cửa khẩu; đưa cửa khẩu quốc tế Meun Chey - Tân Nam vào danh mục các cặp cửa khẩu cho phép quá cảnh theo Hiệp định quá cảnh hàng hóa giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Campuchia, ký năm 2013.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cảm ơn Quốc vương, Thủ tướng và các nhà lãnh đạo của Campuchia đã luôn quan tâm, hỗ trợ và không phân biệt đối xử đối với người gốc Việt đang sinh sống tại Campuchia trong những năm qua…

Nhân dịp này, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã trân trọng mời Quốc vương Norodom Sihamoni, Hoàng Thái hậu Norodom Monineth Sihanouk và các vị lãnh đạo cấp cao Campuchia thăm Việt Nam. Quốc vương Norodom Sihamoni, Hoàng Thái hậu Norodom Monineath Sihanouk và các vị lãnh đạo cấp Campuchia đã cảm ơn và vui vẻ nhận lời.

Trả lời báo chí về kết quả chuyến thăm cấp Nhà nước tới Vương quốc Campuchia của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng cho biết chuyến thăm thành công tốt đẹp. Chuyến thăm chỉ diễn ra trong hơn một ngày nhưng có chương trình rất phong phú, thực chất gồm 16 hoạt động của Chủ tịch nước và các hoạt động của lãnh đạo một số bộ, ngành tham gia đoàn.

"Trong tất cả tiếp xúc, trao đổi với lãnh đạo Campuchia, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đều đề nghị bạn tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện cho cộng đồng kiều bào nâng cao địa vị pháp lý và ổn định cuộc sống, doanh nghiệp Việt Nam đầu tư, kinh doanh thuận lợi tại Campuchia" - ông Nguyễn Quốc Dũng nhấn mạnh.

Trong ngày 22-12, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng đã đến thăm Đại Tăng thống Samdech Preah Agga Maha Sangha Rajadhipati Tep Vong và Đại Tăng thống Samdech Preah Abhisiri Maha Shangharajah Dhipati Bour Kry.

Tiếp đó, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm, nói chuyện với cán bộ nhân viên đại sứ quán, đại diện doanh nghiệp và cộng đồng người Việt Nam tại Vương quốc Campuchia.

Cùng ngày, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã gặp mặt doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Khmer gốc Việt tại Campuchia. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho biết đã đề nghị Thủ tướng Hun Sen sớm giải quyết những kiến nghị của doanh nghiệp Việt Nam như việc thu phí 5G, các thủ tục qua biên giới, quan tâm tạo điều kiện hợp tác nói chung và doanh nghiệp Việt Nam…

Chủ tịch nước đề nghị các bộ, ngành trong nước cần tập trung tháo gỡ về vấn đề lãi suất ngân hàng, tính toán giảm lãi suất, hỗ trợ vốn vay, đầu tư khu vực biên giới... Về bảo hộ đầu tư, bảo hộ tài sản giữa hai nước còn nhiều vấn đề, Chủ tịch nước giao Bộ Tư pháp nghiên cứu, soạn thảo để xây dựng chính sách làm sao rõ nét hơn, xứng tầm với vị trí và tiềm năng trong đầu tư.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại