Cuộc sống đối với Tô Thị Hồng Nhung (SN 1989, Hà Nội, nghệ nhân hoa giấy) trước đây cứ trôi đi đúng theo quỹ đạo đã được vạch sẵn qua bao thế hệ: tốt nghiệp cao học, gặp được người mình yêu, kết hôn rồi sinh con, cũng nhọc nhằn trải qua đủ thứ nghề chân tay trước khi tìm được một công việc văn phòng ổn định, đủ để nuôi con và trả nợ tiền mua nhà. Ngày qua ngày, chị chạy theo guồng quay của công việc, gia đình, con cái. Nhìn lại thấy mình đã ngoài 30 tuổi mà vẫn chưa làm được gì đáng tự hào.
Nhiều khi chị tự hỏi, nếu mình chạy theo lối mòn này đến tuổi nghỉ hưu, rồi cố gắng hưởng thụ nốt mấy năm cuối đời trước khi biến mất khỏi thế giới, tất cả sẽ chỉ như một cuốn sách mà hồi kết đã được viết trước. Một cuốn sách bình thường chìm nghỉm giữa vô vàn cuốn sách tương tự. Và sự tồn tại của mình thực sự có ý nghĩa gì không?
Với quan điểm về sự "thay đổi để hạnh phúc", Nhung cho biết, bản thân chị vẫn chưa đủ trải nghiệm để chắc rằng cái đích mình hướng đến là tốt nhất.
Câu hỏi ấy được đặt ra nhưng chưa kịp trả lời một cách nghiêm túc thì đã bị bao nhiêu những lo toan thường nhật cuốn đi. Kỳ vọng và đam mê thời con gái chỉ còn là một ký ức nhạt nhòa rơi vào lãng quên.
Rồi một ngày nọ, chị tình cờ đọc được một cuốn sách hay, về chủ đề "Thả tự do cho những khả năng tiềm ẩn". Cuốn sách như đánh thức chị dậy sau một giấc ngủ dài. Từ thuở ấu thơ, chị đã luôn mê mẩn những công việc thủ công đòi hỏi sự khéo léo của mười ngón tay. Chị luôn là người tặng những món quà tự làm cho gia đình và bạn bè, nhưng không một ai từng nhìn nhận nó như một nghề nghiệp thực sự.
Chị không muốn sau này phải day dứt hai chữ "giá như". Sau một đêm thức trắng chị đã viết đơn xin thôi việc. Đồng nghiệp, gia đình, bạn bè đều ngỡ ngàng trước quyết định của chị. Cũng có những lo lắng, hoài nghi, nhưng khi biết lần này chị thực sự nghiêm túc và quyết tâm, mọi người đều ủng hộ và chúc chị may mắn.
"Tôi xa Việt Nam đã 9 năm và đang sống ở Pháp. Gia đình tôi ở Việt Nam vẫn thương yêu và chỉ mong tôi bình an là đủ, với bố mẹ thì hòa nhập được với cuộc sống phương Tây đã là một thành tựu rồi. Thế nhưng tôi muốn thay đổi, muốn sống với đam mê của mình, cho đến bây giờ tôi thấy bản thân thật may mắn", chị Nhung chia sẻ.
Vậy là, từ một nhân viên văn phòng làm việc 9 tiếng một ngày với 2 màn hình máy tính rộng, giờ đây, chị trở thành một nghệ nhân hoa giấy. Tất nhiên là thu nhập không thể ổn định như trước nhưng chị thấy hạnh phúc khi được là chính mình.
Con đường chị đi không hề dễ dàng, nghề của chị chưa được phổ biến, chưa được công nhận, chẳng có trường lớp nào đào tạo kiến thức về thực vật học hay kĩ năng làm hoa giấy, nên chị đều phải tự thân vận động. Cũng chính vì thế, trên hành trình của mình, chị đã gặp được nhiều con người đáng quý, để chị cảm nhận mình không cô đơn trong cộng đồng ngành nghề thủ công, những người bán sản phẩm, bán luôn cả tâm huyết.
Mục tiêu trong tương lai của chị là có nhiều người biết đến sản phẩm của mình. Để một ngày nào đó, chị sẽ tự hào giới thiệu một thương hiệu "Made in France" nhưng được làm từ bàn tay và khối óc của người Việt.
Với quan điểm về sự "thay đổi để hạnh phúc", Nhung cho biết, bản thân chị vẫn chưa đủ trải nghiệm để chắc rằng cái đích mình hướng đến là tốt nhất. Nhưng với cá nhân chị, cái gốc của việc thay đổi phải là ở trong nội tại của từng người, sau thời gian ấp ủ đến thời điểm đủ chín muồi và gặp được xúc tác cần thiết, "cách mạng" sẽ diễn ra.
Chị muốn nói rằng, sau thay đổi, mọi thứ không phải màu hồng, mà ngược lại chông gai còn nhiều hơn lúc ban đầu. Nhưng sau này, bạn sẽ có câu chuyện để kể và con cái bạn sẽ trở thành người dũng cảm, dám nghĩ dám làm giống bạn. Nếu bạn chưa thực sự sẵn sàng thì đừng nóng vội, hãy lắng nghe bản thân và trả lời được câu hỏi bạn thật sự muốn gì.