Lời giới thiệu:
Ngược dòng lịch sử, chúng tôi xin được khắc họa lại chân dung của một "Thanh niên Hà Nội". Người không trực tiếp cầm súng trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước, nhưng buộc người ta phải nhớ tới ông như một huyền thoại "dội bom" của một thời sấm rền đất Bắc.
Ông được Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu mến thưởng kẹo, còn người dân thì thưởng ông nước mắm. Giờ đây, người đàn ông đó đã là tỷ phú, nhưng viên kẹo của Bác, chai nước mắm của dân và một đôi giày cũ vẫn là những phần thưởng đáng lắm, đáng nhất của một đời con người…
Người đàn ông đó là Trần Hùng - chân sút huyền thoại của Thanh niên Hà Nội, Xi Măng Hải Phòng và ĐT Miền Bắc Việt Nam. Ông có biệt danh Hùng Xồm, sinh năm 1942 ở Hải Phòng.
Ông được cha, cựu cầu thủ Cotonkin Trần Đức Chi huấn luyện cơ bản từ năm 8 tuổi. Năm 1979, ông treo giày giải nghệ nên thế hệ trẻ ngày nay không ai được xem ông thi đấu và cũng chẳng mấy người biết ông hoặc biết rất mơ hồ.
Vậy nên, để có thể khắc họa lại chân dung của một huyền thoại mà Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu mến, thưởng kẹo, người dân thưởng mắm vì quá xuất sắc một cách chân thực nhất, chúng tôi đã tìm đến những cuốn băng, hình tư liệu của những BLV kỳ cựu như ông Vũ Quang Huy, đến những ký giả thể thao thời chiến như nhà báo Nguyễn Lưu, đến những cựu danh thủ cùng thời Trần Hùng như các ông Vũ Mạnh Hải và Nguyễn Sỹ Hiển.
Gerd Mueller của Việt Nam
Thời nào cũng vậy, bóng đá tuy là môn thể thao tập thể nhưng cá nhân kiệt xuất luôn được người ta chú ý đặc biệt. Trần Hùng thành tài ở Hải Phòng, đầu quân cho đội Thanh Niên Hà Nội, đến năm 1968, đội bóng này giải thể và ông trở lại đất Cảng đầu quân cho Xi Măng Hải Phòng.
Ngoại trừ đội tuyển quốc gia miền Bắc, Thanh Niên Hà Nội và Xi Măng Hải Phòng không phải những đội bóng mạnh. Nhưng cá nhân Trần Hùng lại tỏ ra quá mạnh với bất cứ hàng thủ trứ danh nào.
Ông Nguyễn Sỹ Hiển - cựu trung vệ Thể Công nói: "Trần Hùng ra sân thì không chỉ hậu vệ, mà mọi ánh mắt của khán giả từ các khán đài đều dồn vào anh, vì anh là ngôi sao rất nguy hiểm. Người ta luôn chờ đợi những khoảnh khắc chạm bóng không thể lẫn vào ai của Trần Hùng".
Hậu vệ kèm chặt, khán giả để ý và dĩ nhiên, báo chí truyền thông thời đó cũng luôn dành cho Hùng Xồm những trang viết đặc biệt bằng những ngôn từ đẹp đẽ và chân thực nhất, từ những tờ báo thể thao cho tới những trang báo Đảng.
Báo chí viết về Hùng Xồm như thế nào? Nhà báo Nguyễn Lưu - cây viết thể thao từ thời ấy thậm chí vẫn còn có thể nhớ và đọc lại một đoạn trong bài báo tiêu biểu của cố nhà báo Lê Bách viết trên báo Nhân Dân, sau một trận đấu của Thể Công và Xi Măng Hải Phòng, như sau:
"Trời mưa sân trơn, Trần Hùng sau một cú đảo chân đã lừa bóng qua Nguyễn Trọng Giáp, lừa luôn qua thủ môn Trần Văn Khánh đã băng ra và lỡ đà rồi dùng lòng chân phải đặt bóng vào góc trái của khung thành Thể Công…".
Cựu danh thủ Vũ Mạnh Hải hết lời khen đồng đội cũ Trần Hùng.
Để so sánh, ông Vũ Mạnh Hải - một cựu danh thủ khác của Thể Công chia sẻ: "Anh Trần Hùng có một đặc điểm khác biệt không ai bằng được. Anh ấy xử lý bóng trong vòng vây hậu vệ ở vùng cấm địa rất gọn gàng, rồi tung ra cú dứt điểm bất ngờ.
Những trái bóng mà anh ấy dứt điểm nó thường không quá mạnh, nó từ từ đi vào khung thành hoặc nó qua khe hai chân của ai đó hoặc đá trúng vào chân trụ hậu vệ làm bóng bay vào lưới. Khả năng tỳ, đè của anh ấy cũng quá tốt. Tôi có cảm giác, anh ấy giống như Diego Costa của TBN ngày nay".
Nhưng Trần Hùng còn một vũ khí khác, ấy là tốc độ. Hùng Xồm có tần số bước chạy của một VĐV nước rút. Năm 1967, đoàn thể thao Việt Nam tham gia chuyến tập huấn 4 tháng ở Thượng Hải, Trung Quốc. Theo tài liệu hiện vẫn còn lưu giữ, khi đó, Hùng Xồm chạy 100m chỉ mất 11 giây 6 (thua 2% giây so với siêu sao Gareth Bale ngày nay - theo Daily Mail, The Sportster), hơn đứt tất cả các VĐV điền kinh khác của Việt Nam và xấp xỉ chỉ số của VĐV điền kinh số 1 Việt Nam thời đó là ông Lê Bá.
Nhà báo Nguyễn Lưu cho rằng: "Chính vì yếu tố tốc độ ấy mà khi có bóng, Hùng Xồm bứt tốc vọt vào khu vực 16m50 là không ai sánh và cản nổi. Và cũng vì thế người ta gọi anh là Gerd Mueller của Việt Nam".
Thể lực tốt, kỹ thuật cá nhân khéo léo, tốc độ như chuyên gia nước rút. Những yếu tố đó giúp Trần Hùng dễ dàng đi bóng qua những "tượng đài" như Trọng Giáp, Trần Văn Khánh để… "trận nào cũng ghi bàn". Nhưng không chỉ hàng thủ trong nước, các hậu vệ cao to của những đội bóng châu Á, châu Phi, Đông Đức hay Shakhtar Donetsk của Liên Xô cũng trở thành nạn nhân của Trần Hùng.
Ông Trần Hùng kể: "Tôi nhớ nhất trận đấu với Công Nhân Thượng Hải trong chuyến du đấu Trung Quốc. Vì trận đó tôi ghi cả 5 bàn thắng cho ĐT Việt Nam. Trận đó có nhà báo Nguyễn Lưu đi theo đưa tin bài về nước".
Ông Nguyễn Lưu xác nhận: "Tôi trực tiếp xem ở cự ly rất gần. Cả 5 bàn thắng của Trần Hùng đều ghi hết sức thuyết phục. Và sau bàn thắng thứ 5 thì các hậu vệ Trung Quốc chơi như chỉ muốn đá gãy chân Trần Hùng đi, để anh ta khỏi ghi bàn thứ 6". Trong khi đó ông Nguyễn Sỹ Hiển kể lại: "Khán giả ở Thượng Hải khi đó rất đông. Họ không thể ngờ rằng ĐT Việt Nam lại chơi hay như thế, đặc biệt là tiền đạo Trần Hùng".
Nhưng tình huống mà nhà báo Nguyễn Lưu nhớ nhất ở Trần Hùng về phẩm chất kỹ thuật của ông là ở trận Việt Nam gặp Bát Nhất Trung Quốc: "Một động tác tuyệt vời mà tôi không thể tưởng tượng nổi. Trần Hùng dùng chân phải tâng bóng qua đầu hậu vệ cao khoảng 1,9m của Trung Quốc, khi hậu vệ đối phương trở mình xoay xở thì Hùng Xồm dùng chân trái kẹp quả bóng lại, hậu vệ Trung Quốc lỡ đà ngã ra, Hùng Xồm ra chân và… lưới Bát Nhất rung lên".
Ông Vũ Quang Huy không được trực tiếp xem Hùng Xồm thi đấu, nhưng BLV bóng đá nổi tiếng này lại sưu tập, sở hữu được rất nhiều cuốn băng tư liệu quý giá thời Trần Hùng thi đấu ở giải A1 Miền Bắc cũng như các trận đấu của ông trong màu áo ĐTQG với các đội bóng quốc tế để có thể phân tích, mổ xẻ.
Theo BLV Quang Huy của Đài VTC: "Trần Hùng đúng là một trong những cây săn bàn xuất sắc nhất của bóng đá Việt Nam, một con người mang đậm phong cách của bóng đá Hải Phòng, cổ quái, lỳ lợm và sắc bén. Và với những tình huống xử lý bóng cận chân thì tôi dám chắc chắn là Trần Hùng xuất sắc nhất xưa nay".
Thật đáng tiếc khi những hình ảnh, clip về thời của cựu danh thủ Trần Hùng không còn lại nhiều để thế hệ hiện tại được xem ông thi đấu (Ảnh: Duy Bùi).
Quyết đấu Võ Thành Sơn và lời của "người phán xử" Trương Tấn Bửu
Một buổi chiều năm 1977, ở sân bóng trong Cư xá xi măng Hà Tiên, quận Thủ Đức, TP HCM. Hôm đó, có buổi tập của hai đội bóng là Xi Măng Hải Phòng và Xi Măng Hà Tiên. Cái danh Hùng Xồm đất Bắc vốn đã vang vào tận Sài Gòn từ trước ngày giải phóng 1975. Nhưng thời điểm đó, đất Sài Gòn đang nổi lên một thần tượng thực thụ là Võ Thành Sơn. Ông Thành Sơn sinh năm 1948, trẻ hơn ông Trần Hùng 6 tuổi. Với bóng đá Sài Gòn khi đó, Thành Sơn là cỗ máy ghi bàn và nổi tiếng với những cú "ngả bàn đèn" điệu nghệ.
Võ Thành Sơn và Trần Hùng ai giỏi hơn ai? Dân Sài Gòn không ai tin tượng đài Võ Thành Sơn - "con mãnh sư" phương Nam đang ở độ chín nhất của sự nghiệp lại thua "con cọp già" đất Bắc. Một công tử Sài Gòn giàu có, có quan hệ rộng với các cầu thủ, đi xe hơi đến tận sân tập ở Cư xá xi măng Hà Tiên đưa ra lời yêu cầu thi đấu giữa Trần Hùng và Võ Thành Sơn.
Cuộc tranh tài cao thấp theo thể thức đặt bóng ở vạch 16m, mỗi người sút 10 quả (5 chân trái, 5 chân phải). Khi người này sút thì người kia làm thủ môn. Ai thua thì sẽ phải đãi người kia một bữa nhậu bằng bia.
Trần Hùng nhớ lại: "Tôi chẳng biết vị công tử kia là ai cả. Nhưng vì ông Võ Thành Sơn muốn đấu thì tôi đấu. Tôi cũng không có nhiều tiền để có thể đãi bạn ở Sài Gòn đắt đỏ, nhưng vẫn tự tin".
Kết quả là, 10 cú ra chân của Trần Hùng thì chỉ hỏng 1, trong khi Võ Thành Sơn - trung phong khét tiếng thời đó của Xi Măng Hà Tiên chỉ thành công 5 quả (2 chân trái, 3 phải). Võ Thành Sơn tâm phục, khẩu phục, đưa đàn anh Trần Hùng đi chiêu đãi ở nhà hàng mà ông Trần Hùng miêu tả là "rất sang trọng ở đường Đồng Khởi. Sau đó, ông Sơn có đưa tôi về nhà, tặng tôi thêm bộ quần áo".
Cựu danh thủ Võ Thành Sơn (áo vàng) từng cùng cựu danh thủ Trần Hùng tạo nên một giai thoại nổi tiếng.
Ngày hôm sau, Võ Thành Sơn nói với ông Trần Hùng rằng: "Tôi muốn đưa anh đến nhà bố. Anh vào đây rồi thì cũng ghé chào bố một câu". "Bố" ở đây chính là ông Trương Tấn Bửu - huyền thoại khởi nghiệp từ Ngôi sao Gia định, nhân vật mà những bậc hậu bối như Trần Hùng hay Võ Thành Sơn luôn kính nể về cả nghề lẫn nhân cách nên gọi là "bố".
"Con chào bố ạ!", ông Võ Thành Sơn mở lời chào tiền bối. Cụ Trương Tấn Bửu khi đó vẫn ngồi, hơi ngả lưng ra thành ghế, chỉ tay vào Trần Hùng hỏi Võ Thành Sơn: "Mày có biết thằng đứng sau mày là ai không? Mày có thể giỏi nhất miền Nam này, nhưng mày chưa bằng thằng Hùng được đâu!".
Hóa ra chuyện phân tài cao thấp hôm trước ở Cư xá xi măng lọt vào tai cụ Bửu. Và lời phán của tiền bối càng khiến Võ Thành Sơn thêm nể và thân thiết với đàn anh Trần Hùng. Hùm Xồm nói: "Ông Sơn giờ định cư ở Mỹ, lần nào về Việt Nam ông ấy cũng gọi và chúng tôi lại gặp nhau".
BLV Quang Huy chia sẻ thêm: "Bóng đá hai miền Nam - Bắc xưa do hoàn cảnh địa lý và lịch sử nên rất khó so sánh giữa danh thủ hai miền, nên một thời người ta cũng hay bàn tán về cuộc đối đầu tay đôi khá thú vị giữa Võ Thành Sơn và Trần Hùng.
Ông Hùng khi đó đã ở vào giai đoạn cuối của sự nghiệp nhưng bản lĩnh thì không hề mất đi. Từ đầu những năm 2000, khi Trần Hùng đá các giải lão tướng thì tôi thường xuyên theo dõi. Với các lão tướng, họ mất đi rất nhiều kỹ năng, kỹ thuật chơi bóng. Nhưng Trần Hùng thì vẫn còn nguyên, chỉ mất đi thể lực và tốc độ do thời gian và tuổi tác".
Chúng tôi sẽ gửi tới độc giả phần 2 của loạt bài về nhân vật Trần Hùng có tựa đề: "Một thế hệ được hun đúc từ linh thiêng đất trời" vào ngày mai, 1/8. Mong quý độc giả đón đọc.