“Như một phần của cuộc thử nghiệm chiến đấu, quân đội Nga vừa phóng tên lửa đạn đạo tầm trung mang đầu đạn siêu vượt âm phi hạt nhân ‘Oreshnik’, tấn công thành công một cơ sở công nghiệp quân sự ở thành phố Dnepropetrovsk của Ukraine (được gọi là Dnipro ở Ukraine).
Hoạt động quân sự này là phản ứng trước các cuộc tấn công trước đó của Ukraine vào các cơ sở quân sự nằm trên lãnh thổ Nga”, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết trong bài phát biểu trước công chúng hôm 21/11.
Theo nhà lãnh đạo Moscow, mục tiêu bị tấn công là "một trong những khu phức hợp công nghiệp lớn nhất, nổi tiếng từ thời Liên Xô, và vẫn sản xuất tên lửa cùng nhiều loại vũ khí khác".
Tổng thống Putin dường như đang ám chỉ đến Yuzhmash - nhà sản xuất hàng không vũ trụ do nhà nước Ukraine sở hữu, được thừa hưởng từ Liên Xô.
Video tên lửa siêu thanh Oreshnik lao vun vút đáp trả ATACMS, Storm Shadow
Không quân Ukraine ngày 21/11 xác nhận rằng, thành phố Dnepropetrovsk đã bị nhắm mục tiêu trong một cuộc tấn công tên lửa lớn của Nga, liên quan đến nhiều loại vũ khí khác nhau.
Theo Không quân Ukraine, cuộc tấn công cũng liên quan đến một tên lửa siêu thanh Kinzhal của Nga và bảy tên lửa hành trình Kh-101.
Lực lượng phòng không Ukraine tuyên bố đã bắn hạ sáu tên lửa hành trình.
Quân đội Ukraine cũng cho biết, họ không có bất kỳ thông tin nào về thương vong hoặc thiệt hại do cuộc tấn công gây ra tại thời điểm tuyên bố được đưa ra.
"Cuộc thử nghiệm chiến đấu diễn ra nhằm đáp trả các hành động hung hăng của các quốc gia thành viên NATO chống lại Nga", ông Putin nói tiếp trong bài phát biểu của mình.
Moscow đã tự nguyện cam kết đơn phương không triển khai tên lửa tầm trung ở bất kỳ đâu miễn là vũ khí tương tự của Mỹ không được triển khai đến bất kỳ khu vực nào trên thế giới, Tổng thống Nga khẳng định.
Ông Putin cho biết, việc phát triển các hệ thống như vậy là nhằm đáp trả kế hoạch sản xuất và triển khai các hệ thống tương tự tới châu Âu và châu Á - Thái Bình Dương của Washington, đồng thời chỉ ra quyết định đơn phương rút khỏi Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) năm 1987 của Washington vào năm 2019.
"Vấn đề triển khai thêm tên lửa tầm ngắn và tầm trung sẽ được quyết định để đáp trả các hành động của Mỹ và các vệ tinh của nước này", Tổng thống Nga tuyên bố.
Moscow cũng sẽ tiếp tục "thử nghiệm chiến đấu" hệ thống tên lửa mới nhất của mình, ông Putin cảnh báo, đồng thời nói thêm rằng, tiêu chí của Nga để lựa chọn mục tiêu cho các cuộc thử nghiệm như vậy sẽ được xác định bằng đánh giá mối đe dọa an ninh.
"Moscow có quyền nhắm vào các cơ sở quân sự của những quốc gia cho phép vũ khí của họ được sử dụng chống lại Nga", Tổng thống Putin lưu ý.
“Trong trường hợp xảy ra leo thang, … chúng tôi sẽ đưa ra phản ứng quyết liệt tương tự như vậy”, ông Putin nói.
Bên cạnh đó, Tổng thống cho biết, Nga vẫn sẵn sàng "giải quyết mọi bất đồng một cách hòa bình", đồng thời nói thêm rằng, Moscow vẫn "sẵn sàng cho mọi diễn biến" và không nên nghi ngờ rằng, "sẽ luôn có phản ứng".
Những bình luận mới nhất này của Tổng thống Nga được đưa ra không lâu sau khi lực lượng Kiev tiến hành các cuộc tấn công vào ngày 19 và 20/11, sử dụng tên lửa chiến thuật ATACMS do Mỹ sản xuất cũng như tên lửa Storm Shadow do Anh sản xuất.
Tổng thống Putin khẳng định sẽ công khai tuyên bố bất kỳ cuộc tấn công nào trong tương lai vào các mục tiêu của Ukraine liên quan đến hệ thống “Oreshnik” "vì lý do nhân đạo" để dân thường rời khỏi khu vực có khả năng nguy hiểm.
“Một tên lửa đạn đạo di chuyển với tốc độ từ 2,5 đến 3 km/giây, hoặc nhanh hơn 10 lần so với tốc độ âm thanh, không thể bị chống lại bằng bất kỳ hệ thống phòng không hiện có nào”, ông Putin khẳng định.
Trước đó, truyền thông quốc tế đưa tin Kiev đã nhận được sự chấp thuận từ Washington và London cho phép sử dụng các hệ thống tầm xa do phương Tây sản xuất để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga.
Tổng thống cho biết, một trong những cuộc tấn công đã gây ra một số thương vong tại một trung tâm chỉ huy của Nga ở Khu vực Kursk, nhưng không làm gián đoạn hoạt động của trung tâm này, đồng thời nói thêm rằng, những diễn biến như vậy đã thay đổi đáng kể bản chất của cuộc xung đột ở Ukraine, khiến nó trở thành một cuộc xung đột "toàn cầu" hơn.