Tròn 10 năm trước, Tesla chính thức ra mắt công nghệ hỗ trợ lái tự động Autopilot. Tính năng tận dụng sức mạnh của trí tuệ nhân tạo này trong một thời gian dài đã là thế mạnh của Tesla, thuyết phục người tiêu dùng lựa chọn một chiếc ô tô điện thay vì một chiếc xe xăng.
Sau thành công của Tesla, nhiều công ty công nghệ và hãng xe đã đầu tư phát triển các tính năng tương tự, cũng tận dụng khả năng độc đáo của trí tuệ nhân tạo trong hỗ trợ người lái xe.
Một đơn vị tại Việt Nam dù gia nhập cuộc chơi này sau Tesla đến 7 năm nhưng đã có những bước tiến rất nhanh. Viện nghiên cứu Trí tuệ nhân tạo VinAI (nay là Công ty Cổ phần Nghiên cứu và Ứng dụng Trí tuệ nhân tạo VinAI, thuộc Vingroup) năm 2021 đã đăng tải một video hé lộ góc nhìn thực tế của máy tính trí tuệ nhân tạo trong công nghệ hỗ trợ lái tự động do VinAI phát triển khi đi trên đường phố Việt Nam.
Đoạn video chỉ dài 2 phút nhưng cho thấy nhiều thông tin về khả năng làm chủ của người Việt với công nghệ trí tuệ nhân tạo - một trong vài lĩnh vực chủ chốt toàn cầu trong những năm tới đây.
Trong khuôn khổ Ngày hội trí tuệ nhân tạo năm 2021, VinAI đã công bố một đoạn video mà trong đó cho thấy năng lực của hệ thống hỗ trợ lái tự động do đơn vị này tự nghiên cứu và phát triển.
Đoạn video được tua nhanh có kèm các thông số liên tục thay đổi trên màn hình; với nhiều người, những dòng chữ đó có thể khô khan và vô nghĩa, nhưng thực tế nó lại cho thấy năng lực đáng tự hào của công nghệ Made by Vietnam này.
Trong bức hình trên, có thể thấy màn hình hiển thị chia làm 5 phần. Khung hình phía dưới bên trái dường như thể hiện cái hiểu của máy tính về phần đường để đi (phần màu xanh) và lề đường (các chấm liền nhau màu đỏ).
Trong khi đó, khung hình phía dưới bên phải thể hiện các phân tích của máy tính khi chạy trên đường; khung hình cũng thể hiện các vạch phân làn đường do máy tính tự xác định. Dòng chữ trong khung hình còn cho thấy số lượng làn ở hai bên xe mà máy tính tự xác định được, đồng thời tự đánh giá độ chính xác các phán đoán.
Trong một khung hình khác, video của VinAI còn cho thấy khả năng nhận diện phương tiện giao thông đáng ngạc nhiên của công nghệ do đơn vị phát triển. Giao thông Việt Nam đặc trưng với nhiều xe máy; đoạn video cho thấy chiếc xe thử nghiệm đi qua ngã ba cây xăng Nam Đồng (Hà Nội) - nơi có giao thông phức tạp với lượng người qua lại đông.
Có thể thấy rằng máy tính đã có thể khoanh vùng và xác định rất tốt các phương tiện cùng tham gia giao thông. Cần nhắc rằng để máy tính có thể khoanh vùng chính xác trong thời gian ngắn đòi hỏi lượng dữ liệu đầu vào qua xử lý khổng lồ, đi kèm đó là năng lực phân tích của máy tính trí tuệ nhân tạo.
Video giới thiệu công nghệ tự lái của VinAI năm 2021. Nguồn: VinAI
Trên thực tế, VinAI đã từng giới thiệu 3 cụm tính năng quan trọng liên quan đến trí tuệ nhân tạo trong ngày AI Day năm 2021. Các công nghệ được giới thiệu gồm: Hệ thống giám sát người lái (Driver Monitoring System - DMS), tính năng quan sát toàn cảnh 360 độ (Surround View Monitoring - SVM) và cơ chế tự lái cho xe (Autopilot L2+).
Với hệ thống giám sát người lái DMS, VinAI từng giới thiệu một tính năng trong đó, là tự động chỉnh gương theo góc nhìn người lái. Với tính năng này, người ngồi ghế lái chỉ cần bấm nút, xe sẽ tự động căn chỉnh gương chiếu hậu vừa tầm với mắt, thay vì phải tự động điều chỉnh bằng tay. Ngoài ra, DMS của VinAI cũng có thể phát đi cảnh báo khi người lái mất tập trung, giả sử vừa lái xe vừa dùng điện thoại.
Một trong những tính năng mới nhất mà VinAI giới thiệu là JellyView - Quan sát trong suốt. Tính năng này gần tương tự với tính năng quan sát toàn cảnh 360 độ, nhưng đã đạt được một bước tiến đáng ngạc nhiên là chiếc xe mô phỏng trên màn hình gần như trong suốt, giúp người lái quan sát diễn biến xung quanh xe tốt hơn. Trong một video khác, người giới thiệu cho biết rằng cả chiếc xe chỉ có 4 camera, nhưng công nghệ của VinAI vẫn có thể cho thấy hình ảnh rõ nét dưới gầm xe dù không có camera ở đây.
Cùng với đó, cơ chế hỗ trợ lái tự động của VinAI còn cho phép người lái buông tay khỏi vô lăng, hay buông chân khỏi bàn đạp ga và phanh với điều kiện duy nhất là người lái vẫn phải tập trung quan sát đường. Đối chiếu theo phân loại của SAE, khả năng hỗ trợ lái tự động của công nghệ VinAI có thể tương đương với mức 2 (Level 2).
Một điều thú vị rất đáng nhắc đến là Tesla cũng từng đăng một video tương tự, cho thấy một phần những gì xảy ra trong hệ thống máy tính trí tuệ nhân tạo của công nghệ hỗ trợ lái tự động trên xe của hãng. Video cho thấy máy tính kẻ rất chi tiết các vạch làn đường, khoanh vùng và nhận diện phương tiện cùng tham gia giao thông, xác định khoảng cách của các vật xuất hiện trong không gian 3 chiều quanh xe.
Không chỉ vậy, vì máy tính liên tục phân tích hình ảnh và so sánh với dữ liệu được nạp vào, máy tính cũng tính toán và đưa ra xác suất xảy ra của những gì sắp xảy đến để giúp xe chủ động vượt qua tình huống giống với cách con người làm.
Ví dụ với hình cắt từ video phía trên, các dòng chữ bên trái cho thấy máy tính đưa ra phán đoán về lúc cần kích hoạt tính năng đèn pha tự động (AUTO_HIGH_BEAM), trời mưa (RAINING), hay đường đang thi công (CONSTRUCTION). Đồng thời thời, máy tính cũng khoanh vùng các phương tiện cùng tham gia giao thông và đưa ra phán đoán về khoảng cách với phương tiện đó; ví dụ như chiếc xe màu trắng ở gần nhất được đánh dấu là C với khoảng cách là 18, còn các xe ở xa có khoảng cách là 103, 99 hay 96.
Ngày nay, tính năng Autopilot và Full-Self Driving của Tesla vẫn chỉ đạt cấp độ 2+ nhưng luôn được xem là một trong những hệ thống phức tạp và tinh vi nhất ngành xe. Với Full-Self Driving, những chiếc xe của Tesla đã có thể tự hành ở một mức độ nhất định khi di chuyển trên đường phố đô thị - nơi vạch kẻ đường không phải lúc nào cũng rành mạch như trên cao tốc, và cũng thường xuyên xảy ra các tình huống bất ngờ (giả sử trẻ em bất ngờ lao qua đường).
Điều khiến hệ thống của Tesla vẫn chỉ dừng ở cấp độ 2+ có lẽ là do yêu cầu của hãng về trách nhiệm giám sát của người lái: Tesla vẫn luôn yêu cầu người lái xe phải tập trung vào các tình huống trên đường, chủ động giám sát hoạt động của xe, tay phải đặt trên vô lăng và chân luôn sẵn sàng đạp phanh.
Trong khi đó, hệ thống Drive Pilot của Mercedes lại cho phép người lái xe buông tay, rời mắt khỏi tình huống giao thông, và cho phép tham gia vào một hoạt động thứ cấp khác như chơi điện thoại hay xem video trên màn hình giải trí của xe.
Drive Pilot của Mercedes được giới thiệu là hệ thống tự lái cấp độ 3 đầu tiên trên xe thương mại. Hệ thống này khi hoạt động có đủ năng lực để điều khiển chiếc xe một cách an toàn. Tuy nhiên, dù đạt cấp độ 3 nhưng hệ thống này chưa chắc đã hữu dụng hơn Full-Self Driving của Tesla.
Lý do là bởi Drive Pilot của Mercedes chỉ cho phép vận hành vào ban ngày trên một số con đường mà hãng đã scan chi tiết đường đi (thường là cao tốc). Drive Pilot hoàn toàn không hoạt động khi di chuyển trên đường đô thị hoặc trong tình huống thời tiết xấu (như đường ướt hoặc có mưa).
So với những chiếc ô tô thời kỳ đầu, ô tô ngày nay đã vượt trội về mọi mặt, nhất là về an toàn. Để có thể bảo vệ hành khách tốt hơn, các nhà sản xuất không chỉ quan tâm đến an toàn thụ động của xe như tính toán kỹ hơn cách mà bộ khung của xe của thể phân tán hoặc chống chịu lại ngoại lực, mà còn cả an toàn chủ động.
An toàn chủ động có thể kể tới các công nghệ tối tân như hỗ trợ giữ làn hay phanh khẩn cấp. Ông Bùi Hải Hưng - Giám đốc VinAI - từng dẫn số liệu của WHO (Tổ chức Y tế thế giới) và cho biết rằng có tai nạn ô tô cướp đi khoảng 1,3 triệu mạng người mỗi năm.
Nguyên nhân, theo ông, đến từ nhiều lý do mà có thể kể tới như: "[...] có những điểm mù quanh xe mà người lái không thể quan sát, người lái xe bị mất tập trung hoặc buồn ngủ dẫn tới không đủ nhận thức về môi trường xung quanh. Đó là những vấn đề thúc đẩy VinAI phát triển hệ thống Smart Mobility. Mục tiêu chính của chúng tôi là loại bỏ tất cả điểm mù xung quanh ô tô".
Smart Mobility mà ông Bùi Hải Hưng nhắc tới chính là giải pháp công nghệ nhằm nâng cao trải nghiệm lái trên ô tô. Smart Mobility bao gồm Quan Sát Toàn Cảnh 360 độ (SVM), Quan Sát Trong Suốt (JellyView) và Hệ Thống Quan Sát Người Lái (DMS).
Khi trả lời Báo Nhân Dân, ông Bùi Hải Hưng cho biết rằng nếu như DMS đã thực tế trang bị trên VinBus mà sắp tới sẽ xuất khẩu sang châu Âu, thì JellyView cũng đã nhận đơn đặt của một khách hàng là nhà sản xuất châu Âu, sẽ trang bị cho hơn 100.000 xe tại thị trường này.
Trong khi đó, tỷ phú Elon Musk - CEO đương nhiệm của Tesla - lại nhìn nhận vấn đề theo xu hướng phát triển của ngành ô tô. Trong một cuộc phỏng vấn, ông Elon Musk nhận định rằng sẽ có 2 cải tổ lớn trong ngành ô tô thế giới, lần lượt là điện hóa và tự động hóa.
Tỷ phú Elon Musk cũng thẳng thắn nhận định: "Có một điều rất rõ ràng với tôi là trong tương lai, bất cứ chiếc xe nào không thể tự động hóa đều hữu dụng như một con ngựa ngày nay".