Thị trường chứng khoán Việt Nam đã có tuần tăng điểm thứ 2 liên tiếp sau giai đoạn tạo đỉnh ngắn hạn kể từ ngày 11/08/2017 nhờ vào sự dẫn dắt đến từ các cổ phiếu bất động sản, và sự giữ nhịp của các cổ phiếu vốn hóa lớn thuộc nhóm ngân hàng, tiêu dùng…
Cổ phiếu VIC của Vingroup là một trong những cổ phiếu nổi trội điển hình cho việc tạo hiệu ứng hồi phục của thị trường chung khi tính đến thời điểm hiện tại kể từ khi tạo đáy vào ngày 21/8/2017 cổ phiếu này tạo ra hiệu suất lên tới 15,15%.
VIC tạo đáy trước thị trường khoảng 2 phiên giao dịch và cùng với các cổ phiếu bất động sản khác như FLC, DXG tạo ra một hiệu ứng lan tỏa trên thị trường chứng khoán, khiến dòng tiền đầu cơ gia nhập trở lại bởi giá nhiều cổ phiếu đã trở nên hấp dẫn hơn.
Sự tăng giá của VIC trong ngắn hạn sẽ không có gì nổi bật nếu như không nhìn lại lịch sử từ đầu năm đến nay bởi lẽ những đợt tăng giá của VIC không đủ sức hấp dẫn đối với đại đa số các nhà đầu tư khi vùng giá trung bình chỉ dao động quanh 43.000 đồng là chủ yếu.
Các mức cao thấp ở giai đoạn này tương ứng cũng chỉ ở 46.000 đồng và 40.000 đồng.
Tính ở mức giá điều chỉnh VIC đã phải mất khoảng 6 năm để gia tăng khoảng 2,5 lần kể từ đáy thấp nhất vào cuối năm 2011. Mức tăng này nếu so sánh tương quan với nhiều cổ phiếu hàng đầu khác trên thị trường như MWG, VNM, VCS, TLG … thì có vẻ VIC được xếp vào dạng “ tăng trưởng chậm”.
Và liệu rằng với mức tăng đột biến trong ngắn hạn vừa qua, VIC có khả năng tạo ra sự tăng tốc về giá cho dài hạn?
Kết quả kinh doanh được kỳ vọng và những câu chuyện mới
Tỷ trọng doanh thu và lợi nhuận đến từ kinh doanh bất động sản của VIC chiếm gần 70% trong năm nay. Doanh thu của VIC trong quý II.2017 tăng trưởng lên tới 109,35% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ tăng 16%.
Với việc các dự án bất động sản đang rơi vào chu kỳ ghi nhận doanh thu, do vậy có khả năng việc doanh thu và lợi nhuận được ghi nhận vào 6 tháng cuối năm có thể còn được tăng tốc mạnh hơn so với đầu năm.
Ngoài ra tổng lợi nhuận quý III, IV năm 2016 chỉ khoảng hơn 600 tỷ, nên việc tăng trưởng gần như được mặc định. Thậm chí cả năm kết quả kinh doanh vẫn tăng trưởng cả doanh thu và lợi nhuận một cách song hành.
Theo ước tính của CTCK HSC, doanh thu trong 6 tháng đầu năm đến từ các dự án như:
• Vinhomes Central Park (5,8 nghìn tỷ đồng) (giảm 18,3% so với cùng kỳ).
• Vinhomes Park Hill (3,5 nghìn tỷ đồng) (không cho ghi nhận doanh thu trong cùng kỳ năm ngoái).
• Vinhomes Gardenia (2,1 nghìn tỷ đồng) (không cho ghi nhận doanh thu trong cùng kỳ năm ngoái).
• Biệt thự biển và sản phẩm nhà phố (111,8 nghìn tỷ đồng) (tăng 211% so với cùng kỳ).
• Và các dự án khác (600 tỷ đồng).
Giá trị hợp đồng bán nhà trong 6 tháng đầu năm gần 30 nghìn tỷ đồng (giảm 25% so với cùng kỳ) trong khi đó số lượng nhà bán là 5.500 căn (giảm 21% so với cùng kỳ). Trong 6 tháng đầu năm, VIC chỉ giới thiệu thêm 3 dự án mới, gồm Vinhomes Green Bay, Vinhomes Harmony và Vinhomes Imperia.
Cả ba dự án này đều ở phía Bắc. Thị trường BĐS phía Nam vẫn trong tình trạng dư cung đặc biệt ở phân khúc trung và cao cấp, do đó VIC tỏ ra khá thận trọng ở thị trường này. Và điều này chắc chắn sẽ có ảnh hưởng đến KQKD của hai năm tới.
Tuy nhiên, HSC cho rằng, các dự án nhà ở phân khúc bình dân VinCity được giới thiệu trong 6 tháng cuối năm có thể sẽ giúp đảo ngược tình thế.
Một câu chuyện mới đang được nhiều người quan tâm là việc Vingroup khởi công tổ hợp sản xuất ô tô VINFAST tại Khu kinh tế Cát Hải - Hải Phòng. Trước đó, vào tháng 6/2017, Vingroup đã thành lập Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh VinFast để triển khai dự án này. Công ty VinFast hiện có vốn điều lệ 5.250 tỷ đồng, do Vingroup sở hữu 100% vốn.
Với uy tín và tiềm lực tài chính hiện tại thì thông tin về việc xây dựng tổ hợp Vinfast để sản xuất oto thương hiệu Việt cũng đã tác động khá tích cực tới kỳ vọng của giới đầu tư trong thời gian gần đây.
Ngoài ra Việt Nam vẫn đang là thị trường tiêu thụ oto khá tiềm năng trong khu vực và trên thế giới khi tỷ lệ sở hữu oto ở mức rất thấp chỉ khoảng 23 xe trên 1000 dân, trong khi đó tỷ lệ này ở Indonesia, Thái lan và Mỹ tương ứng là 55/1000, 204/1000 và 790/1000.
Trong ngắn hạn là câu chuyện chào bán cổ phiếu lần đầu của Vincom Retail vào cuối năm
Thông tin trên báo chí về việc Vincom Retail đang có kế hoạch thực hiện chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng tại thị trường trong nước với số tiền huy động được có thể lên tới 600 triệu USD, đang tác động mạnh tới những nhà đầu tư ngắn hạn.
CTCK HSC cho rằng, kế hoạch thực hiện IPO của Vincom Retail nếu được công bố chính thức sẽ được đón nhận nhiệt tình khi thực tế không có nhiều lựa chọn đầu tư với các cổ phiếu đã niêm yết ngành bán lẻ
Ý tưởng đầu tư: Tiếp tục nắm giữ.
Những chiến lược mới có khả năng làm VIC tốt hơn trong tương lai, và gần nhất với dự đoán doanh thu và lợi nhuận 6 tháng cuối năm sẽ tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ thì ý tưởng nắm giữ VIC ít nhất hết năm nay có lẽ sẽ được nhiều nhà đầu tư lựa chọn.
Các mốc hỗ trợ kháng cự cần lưu ý
Mức giá lý tưởng cho VIC tới cuối năm ở khoảng 60.000 đồng được xác lập dựa trên công cụ Fibonanci extension, và trong trường hợp giá điều chỉnh thì mốc 46.000 đồng đóng vai trò hỗ trợ mạnh cho đường giá.