Vỉa hè lắp barie ở TP.HCM và chiếc thòng lọng ở New York của một fan Donald Trump

Bùi Hải |

Nhà báo Lisa Belkin thuộc Yahoo! News đã thấy "kinh khủng" sau cuộc trò chuyện với hàng xóm của bà – một người đàn ông đã vui sướng bỏ phiếu bầu Donald Trump.

Barie nguy hiểm hơn thòng lọng

Chris Fresiello, người hàng xóm kì dị ấy, ủng hộ việc ném bom và sát hại người khác, là một fan cuồng của những tuyên bố cứng hơn thép mà Donal Trump tung ra, đã phải "mềm như bún" trước yêu cầu của cảnh sát địa phương.

Chris treo trước cửa nhà mình một sợi dây thòng lọng trang trí Halloween. Mặc dù chiếc thòng lọng ấy cao hơn mặt đất 2,2 m, nhưng cảnh sát vẫn cho rằng nó có thể tiềm ẩn nguy hiểm cho bọn trẻ, nếu chúng vô tình đưa cổ qua đó.

Trong lòng đầy giận giữ, nhưng Chris, không còn cách nào khác, phải thực hiện yêu cầu để ngăn ngừa rủi ro cộng đồng, dù trên thực tế, rủi ro rất khó xảy ra.

Cách New York nửa vòng trái đất, chính quyền Quận 1, TP.HCM cũng muốn bảo vệ an toàn cho cộng đồng - những người đi bộ trên vỉa hè, bằng cách lắp barie chặn xe máy.

"Chúng tôi chấp nhận đụng chạm để trật tự, văn minh đô thị được tốt hơn", một lãnh đạo quận này tuyên bố mạnh mẽ.

"Chấp nhận đụng chạm" đúng là cụm từ phải được sử dụng thường xuyên của chính quyền, không chỉ với lĩnh vực trật tự đô thị mà còn với vô số lĩnh vực khác, nếu các nhà quản lý muốn xã hội đang có nhiều dấu hiệu lệch chuẩn này, giảm thiểu những chuyện chướng tai gai mắt.

Nhưng việc "chấp nhận đụng chạm" chỉ thực sự trở nên có ý nghĩa, nếu nó không "va đập kịch tính" đến quyền chính đáng của một bộ phận dân cư cần giúp đỡ đặc biệt như người mù, người đi xe lăn.

Tôi không biết chính xác chuyện một người mù tên Quân đã ngã đập ngực vì vấp phải barie gắn trên vỉa hè ở Quận 1, như một bài báo đã nêu, nhưng tôi chắc chắn rằng những barie này nguy hiểm hơn rất nhiều lần chiếc thòng lọng trước ngôi nhà của Chris, fan ruột của Donal Trump ở New York.

Tôi không nghĩ rằng việc gắn barie là một "nỗ lực tuyệt vọng" của chính quyền đô thị. Đô thị với quá nhiều ngổn ngang, thậm chí hỗn loạn trong trật tự, luôn cần những giải pháp chủ động, tích cực để tháo gỡ.

Vỉa hè lắp barie ở TP.HCM và chiếc thòng lọng ở New York của một fan Donald Trump - Ảnh 1.

Những ngổn ngang ấy không mất đi nếu chỉ ngồi trên bàn phím phê phán. Có làm có sai. Cách tốt nhất để không sai là không làm gì cả và đổ thừa cho "lịch sử để lại", "người Việt là thế", "xã hội rồi sẽ đi về đâu", "chán quá rồi, thất vọng quá rồi…".

Chiếc barie ấy có thể đã làm một người mù như Quân ngã, nhưng về bản chất, nó không phải "chiếc barie lạnh lùng". Nó xuất phát từ "một bầu máu nóng của chính quyền".

Nhưng sự thật nhiều lần chứng minh rằng, không phải bầu máu nóng nào cũng tuôn ra được những giải pháp phù hợp.

Vỉa hè cần ngăn chặn những kẻ đi xe máy phi lên luật pháp và văn hóa, cần trả lại cho những người đi bộ sáng mắt, khỏe mạnh, nhưng cũng cần phải trả lại cho những người mù.

Phạt tè bậy, soái ca lột vỏ cây và xung đột lợi ích

Rất nhiều người đã vui mừng khi thông tin 3 lái xe taxi đầu tiên ở Hà Nội bị cảnh sát tóm gọn và phạt 6 triệu đồng vì tè bậy.

Sự vui mừng đó hoàn toàn đúng. Một Hà Nội thanh lịch không thể bị "bôi vẽ" thô bạo bởi những hình ảnh loang lổ, phản cảm ấy.

Nhưng ở phía khác, chắc chắn sẽ có những người lao động chân tay, lái xe ôm, tài xế taxi, khách du lịch, đi đường… sớm phải phải nhập viện vì bàng quang "quá tải".

Việc không dung thứ cho những kẻ "tè bậy" sẽ trở nên tâm phục khẩu phục và nhân văn hơn nhiều, nếu ở những khu đông người ấy, mọc lên một nhà vệ sinh công cộng, dù là phải trả tiền.

Khi những hàng cây xà cừ cổ thụ ở đường Láng, Hà Nội bị lột một ô vỏ, nhiều người đã phẫn nộ. Việc phát hiện cụ ông lột vỏ về chữa bệnh cho vợ, một số người khác lại reo lên: "đã tìm được soái ca".

Dù tình yêu thương với vợ là thứ có thể chạm đến trái tim mọi người, nhưng "vì việc tư" mà không ngần ngại hủy hoại của công, lại là chuyện cần lên án.

Ông A cần một bó hoa hồng chữa bệnh cho con; bà B cần một ngọn cây cau cảnh nấu thuốc cho chồng; anh C cần một nhánh vạn tuế tặng vợ nhân ngày Valentine…mà tất cả họ đều ra đường để vặt, thì liệu công viên nào có thể tồn tại trong thành phố?

Chính quyền hay người dân, làm một việc gì đó, nếu chỉ nhìn từ một phía, nếu chỉ cân nhắc cái lợi về phía mình, chắc chắn sẽ gây đụng chạm và tổn thương không đáng có.

Bộ phim tài liệu nổi tiếng "Hà Nội trong mắt ai" của NSND, đạo diễn Trần Văn Thủy, được mở đầu hình ảnh nghệ sĩ guitare mù nổi tiếng Văn Vượng.

Bị mù từ nhỏ do biến chứng của bệnh đậu mùa, nghệ sĩ Văn Vượng chưa một lần được nhìn cuộc đời bằng con mắt nghĩa đen.

Nhưng Văn Vượng có thể cảm nhận rõ nét vẻ đẹp, sự sâu lắng của Hà Nội bằng âm thanh, bằng thiện ý của những người sống quanh ông.

Nếu có thêm những người mù vấp ngã vì barie như Quân, thì hình ảnh thành phố trong mắt những người mù sẽ đáng sợ hơn, dù trên thực tế trật tự đô thị có đỡ lộn xộn hơn một chút.

Ngoài việc chấp hành lệnh của cảnh sát, Chris – fan ruột của Donald Trump ở New York, còn quyết định nâng chiếc thòng lọng lên cao hơn nữa để "bày tỏ thiện ý với những hàng xóm có con nhỏ".

Những mệnh lệnh hành chính sẽ bớt phản cảm hơn nhiều, đi vào lòng người hơn nhiều, nếu nó xuất phát từ thiện ý với dân, chứ không chỉ xuất phát từ ý chí, sự vội vã và thành tích của chính quyền.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại