Có lần, vợ chồng người bạn chúng tôi từ Hà Nội sang Adelaide chơi. Khi đi bộ trên vỉa hè, anh cứ thỉnh thoảng tần ngần dừng lại nhìn xuống những chỗ vát cho xe lăn có thể lên xuống ở góc đường. Hỏi thì anh bảo "sao họ làm kỹ lưỡng và chu đáo thế!".
Nhưng ở đây, nếu không làm thế thì nhà thầu có lẽ bị đuổi việc, mà nếu có người đi đường bị vấp ngã và bị thương vì vỉa hè, thì hội đồng quận cũng bị kiện ra tòa. Ở Việt Nam sẽ kiện ai?
Thư xin ý kiến được... chặt cây sắp đổ
Chuyện cái vỉa hè là chuyện nhỏ ở một thành phố như nơi tôi đang ở. Khi làm đường, vỉa hè đã ở trong thiết kế. Hội đồng quận chịu trách nhiệm chăm sóc vỉa hè hay lề đường.
Hội đồng quận hoạt động bằng tiền thuế của dân, do dân bầu ba năm một lần và một trong các trách nhiệm của họ là phải lo trồng, tưới nước, cắt tỉa cây, cắt cỏ và thu gom rác trên đường phố.
Tôi còn nhớ cảm giác ngạc nhiên của mình khi nhận được cái thư xin ý kiến khi họ định chặt bỏ cây bạch đàn già đổ nghiêng bên kia đường trước cửa nhà tôi.
Và sau đó, họ trồng lại bạch đàn, những cây nhỏ xíu từ vườn ươm ra, rào và tưới thường xuyên vào mùa khô. Ba năm rồi mà cây mới chỉ cao độ 2 mét, cây còn nhỏ nhưng cành lá xum xuê đầy sức sống. Cây trên vỉa hè thường được trồng theo loại.
Bạn sẽ ngạc nhiên với những phố tím vào mùa phượng tím, những phố hoa đào tưng bừng vào mùa xuân hay những phố xanh thơm mùi bạch đàn với nhiều chim vẹt xanh đỏ kêu ầm ỹ như phố tôi ở.
Ở Úc, làm đúng luật là rẻ nhất
Nhớ lần chúng tôi đến chơi nhà một người bạn trên đồi Adelaide. Đường nhỏ trên đồi, ít người qua lại. Lòng đường hẹp chỉ đủ cho 2 xe ô tô đi. Và "lề đường" cũng nhỏ chỉ đủ cho 2 người.
Chúng tôi nghĩ đơn giản là ở đây chẳng có người đi bộ nên đã đậu một nửa xe lên lề đường và cho rằng như vậy thì sẽ ít cản trở các xe lưu thông dưới đường. Nhà bạn thì nằm trên đồi cây.
Khi ra về, chúng tôi thấy vé phạt dính trên cửa kính: phạt vì đậu trên lề đường. Chị chủ nhà bảo để chị ấy lo, còn chồng tôi thì giữ cái vé và đã trả số tiền phạt là 83 đô Úc vào vài ngày sau.
Tôi ít khi nhìn thấy người kiểm soát trật tự đường phố của quận với đồng phục xanh đen, đội mũ cứng rộng vành, tay cầm chiếc máy bấm hóa đơn phạt.
Nhưng họ như bóng ma, cứ đậu xe sai qui định hay quá giờ là lại thấy vé phạt trên cửa kính. Khỏi phải đôi co. Mọi chi tiết về vi phạm và số xe của bạn đã được ghi lại trong hệ thống mạng, nếu ai không đồng ý, đi mà kiện lên tòa.
Ngày mới sang Úc, tôi lái xe vào trung tâm thành phố, đậu ở nhà xe cao tầng thấy mắc quá nên cứ tiết kiệm tiền, tìm chỗ đậu rẻ bên lề đường hay đậu sai chỗ.
Nhưng vài lần trả tiền phạt thì tôi thấy rằng làm đúng luật của họ là rẻ nhất. Còn ở Việt Nam, nhiều khi "làm luật", "lách luật" mới là rẻ nhất.
Rác cũng có quy củ
Thùng rác gia đình cũng liên quan đến hè phố. Rác nhà được phân loại và thu gom tuần một lần. Phải đưa thùng rác ra sát lề đường để không ảnh hưởng gì đến người đi bộ vào tối hôm trước.
Sáng sớm hôm sau họ dùng xe gom rác có cẩu đổ rác tự động chuyển ra bãi rác xa, còn thùng rác tái chế hay rác xanh hữu cơ được các nhà thầu chuyển về nơi tái chế.
Không có khu tập trung rác hôi hám trên đường phố hay trong khu dân cư. Các loại rác ‘cứng" (đồ dùng bỏ đi trong nhà) không được để bừa bãi ra lề đường.
Chúng tôi phải gọi điện đến quận, họ cho ngày hẹn được đưa "rác" đó ra lề cỏ ven đường. Những đồ bỏ ra còn dùng được, có thể có người nhặt về dùng, số còn lại, vài ngày sau xe của nhà thầu sẽ gom về nơi tái chế.
Xe đổ rác có cần cẩu nâng, không cần người bê đổ
Mái che trên hè phố: Tại sao không?
Hè phố cũng có cuộc sống của nó. Trên những khu phố đông, tôi vẫn thấy có nhà hàng hay khách sạn có mái hiên che hết cả hè phố rộng.
Phía sát đường họ còn dựng lan can bằng kính hay trồng bụi cây cảnh và để ngăn một phần nắng, tiếng ồn và hơi xăng dầu từ xe trên đường.
Người ta thường đặt dãy bàn nhỏ, mỗi bàn chỉ 2 hay 3 người ngồi ăn uống và ngắm người và xe qua lại. Phần vỉa hè phía trong dành cho người đi bộ vẫn nguyên vẹn.
Đi bộ qua những đoạn phố như vậy bạn sẽ có cảm giác gần gũi ấm cúng vào mùa lạnh và mát mẻ vào mùa hè. Ăn uống trên vỉa hè cũng là một nét văn hóa dân dã rất phổ biến ở mọi nơi.
Hè phố ở gần bờ biển Brighton, Adelaide, Nam Úc
Ai phạt tiền và tiền về đâu?
Ở trung tâm Adelaide, chuyện vỉa hè là chuyện nhỏ vì đó chỉ là công việc của một nhóm nhân viên quận kiểm soát các vi phạm đường phố.
Họ làm việc của mình một cách chuyên nghiệp: chu đáo, rạch ròi và hiệu quả. Số tiền thu được từ đậu xe lề đường và tiền phạt vi phạm khá lớn. Đậu ven đường thì có máy bán vé tự động. Họ không bao giờ thu tiền trực tiếp.
Người bị phạt chỉ nhận phiếu phạt dán trên xe và trả vào tài khoản quận, được ghi trên phiếu phạt, theo các cách chuyển tiền khác nhau qua bưu điện hay qua mạng.
Giải pháp nào cho phố chật?
Ở Việt Nam, vỉa hè nhỏ mà ý nghĩa to vì nó không chỉ là đường đi, mà còn là nơi mang lại nguồn thu nhập cho nhiều người.
Nhưng vì là nơi công cộng, đụng chạm đến nhiều người, cần có luật lệ rõ ràng minh bạch từ nhà nước, sự tổ chức thừa hành một cách nghiêm túc và công minh của chính quyền địa phương, sự tuân thủ tự nguyện của dân mới cứu nổi và nuôi dưỡng nó.
Khoảng hẹp vỉa hè dành cho người đi bộ, ai vi phạm thì phạt ngay, như ta nhổ cây dại từ khi mới nhú.
Sao lại để các vi phạm dài lâu, thành hệ thống rồi mới huy động các "lực lượng" chả liên quan gì đến trật tự đường phố ồn ào đập phá? Và bao lâu nữa mới làm sạch được vỉa hè cho người đi bộ an toàn ?
Ta sẽ không dẹp được xe đậu lấn chiếm vỉa hè và chiếm đường lưu thông nếu không qui hoạch và xây dựng chỗ đậu xe cho từng khu vực dịch vụ. Người buôn bán nhỏ cũng sẽ khó khăn tìm khách hàng do thói quen mua bán "gần xe" của chúng ta.
Cái hàng cơm "bụi" cạnh nhà tôi ở Sài Gòn có lẽ nên đóng cửa vì chủ nhà cho thuê một gian bé xíu phía trước, chỉ đủ để nấu và trưng đồ ăn, còn khách hàng thì chủ yếu ngồi vỉa hè, chiếm hết đường đi của người đi bộ.
Mỗi lần qua chỗ này, tôi phải đi xuống lòng đường. Biết đâu, nếu bắt buộc họ tìm nơi tốt, có chỗ ngồi tử tế cho khách và có điều kiện vệ sinh tốt hơn thì có lợi cho nhiều người.
Một góc hè phố có cây cảnh che tại trung tâm Adelaide, Nam Úc
Mong cho chuyện lớn um xùm lề đường của lãnh đạo quận bây giờ nhanh chóng trở thành chuyện nhỏ của tổ kiểm soát vi phạm đường phố quận.
Mong sao người dân có thể thả bộ thảnh thơi trên hè phố râm mát nhưng nhộn nhịp đầy màu sắc, mùi vị và âm thanh của phố phường Hà Nội hay Sài gòn...
Đừng nên đổ lỗi rằng "ở Việt nam nó khác" nên khó làm. Đúng là chúng ta đang khác họ ở tư duy vì cộng đồng. Nhưng hãy nghĩ rằng nếu chúng ta làm là vì chính sự an toàn của ta và con cháu.
Giữ gìn phố xá trật tự, an toàn và xanh sạch còn là trách nhiệm mỗi công dân chống lại những sai phạm của cả chính quyền và cá nhân dân thường.