Vị vua nước Việt chưa từng bại trận, hoàng đế Trung Hoa cũng phải e ngại

Thiên Bình/ VTC News |

Mỗi khi xuất binh, vị hoàng đế này đều giành thắng lợi, khiến kẻ thù chỉ cần nghe tên đã khiếp sợ.

Người được nhắc tới là vua Quang Trung (1753-1792), tên huý Nguyễn Huệ.

Sinh ra và lớn lên giữa thế kỷ XVIII trong hoàn cảnh đất nước bị chia cắt, Đàng Ngoài chúa Trịnh lấn át vua Lê, Đàng Trong chúa Nguyễn suy tàn, gian thần lộng hành, đời sống nhân dân cả nước rơi vào cảnh lầm than.

Thấy cảnh nước nhà loạn lạc, Nguyễn Huệ cùng với các anh em ruột là Nguyễn Nhạc và Nguyễn Lữ dựng cờ khởi nghĩa và nhanh chóng trở thành yếu nhân trụ cột, linh hồn của phong trào nông dân Tây Sơn, dẹp yên loạn lạc, chấm dứt những cuộc xâu xé quyền lực của các tập đoàn phong kiến.

Người nắm quyền đầu tiên của nhà Tây Sơn là Nguyễn Nhạc - người anh cả, lên ngôi năm 1778. Đến năm 1788, Nguyễn Nhạc nhường ngôi cho em là Nguyễn Huệ - vua Quang Trung. Ông nổi bật hơn cả so với hai người anh em của mình.

Quang Trung là vị vua nước Việt rất giỏi về đánh trận. (Ảnh minh hoạ)

Hoàng đế Quang Trung là trường hợp hiếm hoi khiến hoàng đế Càn Long của Trung Hoa phải e ngại. Cụ thể vào năm 1788, Càn Long lệnh cho 20 vạn quân Mãn Thanh đánh Đại Việt. Đáp lại, Quang Trung cùng 10 vạn quân ra Bắc nghênh chiến. Chênh lệch lực lượng là thế mà cuối cùng quân nhà Thanh bị đánh cho tan tác, 20 vạn quân bị truy sát bỏ mạng gần hết.

Lần đó, Tôn Sĩ Nghị của nhà Thanh chạy về Lạng Sơn, báo tin bị quân Tây Sơn đuổi đánh. Ai cũng nghĩ Quang Trung sẽ đánh lên phía Bắc, nhưng cuối cùng vị hoàng đế Đại Việt lại tỉnh táo mở đường hòa hiếu. Ông hiểu rõ mối nguy hiện tại là quân của Nguyễn Vương Phúc Ánh - Đàng Trong.

Về phần Càn Long, nghe tin báo chiến sự thất bại, ông không ra lệnh xua quân sang đánh trả thù. Nhiều tài liệu lịch sử đánh giá, nguyên nhân không đưa quân sang đánh tiếp vì nể phục uy vũ của hoàng đế Quang Trung.

Không chỉ được người dân ưu ái tôn vinh là một trong những vị tướng lĩnh quân sự xuất sắc trong lịch sử nước Việt, vua Quang Trung còn là nhà trị vì tài ba với những phương án cải cách kinh tế, xã hội thức thời trong lịch sử Việt Nam.

Theo nhiều tài liệu lịch sử, cuộc đời binh nghiệp của vua Quang Trung chưa từng thất bại trận nào. Ông được đánh giá là bậc minh quân, thiên tài quân sự, người sở hữu nhãn quan chiến thuật tài tình khiến bất cứ kẻ địch nào cũng sợ hãi. Duy chỉ có điều đáng tiếc, người anh hùng áo vải của dân tộc tài hoa nhưng bạc mệnh.

Sau quãng thời gian 2 thập kỷ liên tục chinh chiến và 3 năm trị nước, vua Quang Trung đột ngột qua đời ở tuổi 39. Sự ra đi của ông để lại bao dự định dang dở về quy hoạch đất nước trong khi tình hình kinh tế, chính trị, xã hội nhiều chuyển biến tốt.

Cái chết quá sớm của ông được coi là mất mát to lớn với nước Đại Việt, triều Tây Sơn suy yếu từ đó. Người kế nhiệm vua Quang Trung là Quang Toản khi ấy mới 9 tuổi, vẫn còn quá nhỏ nên không đủ khả năng để lãnh đạo.

Lại một lần nữa, Đại Việt lâm vào cảnh nội bộ lục đục. Nhân cơ hội này Nguyễn Ánh khởi binh, khai sinh ra triều Nguyễn và lập lại chế độ phong kiến tập quyền.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại