Vị vua nào đánh tan giặc Minh, lập nên triều đại lớn mạnh nhất sử Việt?

Kim Nhã/VTC NEWS |

Dù chỉ trị vì đất nước được 5 năm rồi qua đời nhưng vị vua này đã lập nên vương triều lớn mạnh nhất lịch sử Việt Nam.

Đó chính là vua Lê Thái Tổ, tên thật là Lê Lợi, sinh ngày 6/8/1385 tại Lam Sơn, Thanh Hóa. Ông là con thứ 3 của Lê Khoáng - hào trưởng giàu có và có uy tín trong vùng.

Lê Lợi là người có thiên tư tuấn tú, thông minh, dũng cảm, đức độ và có tài quân sự, lại trưởng thành trong thời kì nhà Minh đô hộ nước Việt. Không thể chịu được cảnh này, năm 1418, Lê Lợi tổ chức khởi nghĩa Lam Sơn chống lại quân nhà Minh. Dưới sự lãnh đạo của ông, sau 10 năm chiến đấu anh dũng, nghĩa quân đánh bại quân xâm lược và giành lại độc lập dân tộc.

Rằm tháng 4/1428, Lê Lợi lên ngôi ở Đông Kinh (tức thành Thăng Long), đại xá, dựng quốc hiệu là Đại Việt, đóng đô ở Đông Kinh, lấy hiệu là Lê Thái Tổ. Là vị vua đầu tiên của nhà Hậu Lê, vua Lê Thái Tổ được hậu thế đánh giá là người có công lớn mở đầu cho triều đại có thời gian trị vì lâu dài nhất trong lịch sử Việt Nam.

Vua Lê Thái Tổ Lê Lợi có thiên tư tuấn tú, thông minh, dũng cảm, đức độ và có tài quân sự. (Ảnh minh hoạ)

Triều đại Hậu Lê được chia làm 2 giai đoạn: Lê Sơ và Lê Trung Hưng. Nhà Lê Trung Hưng kéo dài 256 năm, từ năm 1533 đến năm 1789. Đây là triều đại phong kiến ''từ tay trắng dựng nên nghiệp lớn'', tồn tại lâu nhất trong lịch sử Việt Nam.

Triều đại Hậu Lê có tổng cộng 26 vua. Trong đó, nhà Lê sơ có 10 vua (có tài liệu chép 11 vua) và nhà Lê Trung Hưng có 16 vua. Đây cũng là triều đại phong kiến trải qua nhiều đời vua nhất trong sử Việt.

Dưới triều Lê Thái Tổ, nhà Lê ban hành một số điều luật mà đến nay vẫn còn được bảo lưu trong Đại Việt sử ký toàn thư như Luật lệnh về kiện tụng (năm 1428); luật lệnh cấm đánh cờ bạc, uống rượu (năm 1428); luật lệnh không được bỏ ruộng đất hoang (năm 1429).

Theo luật thời vua Lê Thái Tổ, hình thức xử phạt với người phạm tội (kể cả quan lại hay dân chúng) thường là giáng chức, cách chức và bắt đi đày. Những người phạm tội thường phải thích chữ vào mặt theo mức nặng, nhẹ khác nhau.

Vua Lê Thái Tổ cũng chủ trương xây dựng xã hội lấy nông nghiệp làm gốc từ đó đưa ra các chính sách để phát triển nông nghiệp như ban cấp ruộng đất và miễn giảm tô thuế. Những chủ trương của vua Lê Thái Tổ trong phát triển nông nghiệp được các vua Lê đời sau tiếp thu và phát triển hơn.

Tuy nhiên, trị vì đất nước được 5 năm thì ngày 22/8/1433 âm lịch vua Lê Thái Tổ qua đời, thọ 49 tuổi. Ông được an táng tại Vĩnh Lăng, Lam Sơn (Thanh Hóa).

Dù thời gian trị vì không dài nhưng những đóng góp của vua Lê Thái Tổ đã đặt nền móng vững chắc cho sự phát triển của triều đại Hậu Lê, đồng thời khẳng định vị thế của vị anh hùng dân tộc, người có công lớn trong việc giải phóng đất nước khỏi ách đô hộ của ngoại bang, mở ra kỷ nguyên mới trong lịch sử Việt Nam.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại