Ông chính là Trần Hưng Đạo (tên thật là Trần Quốc Tuấn), tước hiệu Hưng Đạo Đại Vương. Ông là nhà chính trị, nhà quân sự, tôn thất hoàng gia Đại Việt thời Trần.
Đại Việt sử ký toàn thư miêu tả, Trần Hưng Đạo là người có vẻ ngoài khôi ngô, tuấn tú, sở hữu trí thông minh vượt bậc từ khi còn nhỏ, sớm đọc hiểu thi thư. Ông là con của Thân vương An Sinh Vương Trần Liễu, cháu nội của Trần Thái Tổ. Từ khi còn trẻ, ông đã nổi danh với hàng loạt chiến công hiển hách.
Đặc biệt nhất phải kể đến việc Trần Hưng Đạo chỉ huy quân ta 3 lần đánh đuổi quân Mông - Nguyên.
Theo nhiều tài liệu lịch sử, thời điểm bấy giờ, giặc Mông - Nguyên được cho là quân địch hiếu chiến và hùng mạnh nhất trong khu vực. Ấy vậy mà khi đối diện với Trần Hưng Đạo, quân địch không dám gọi thẳng tên húy của ông mà chỉ dám dùng từ An Nam Hưng Đạo Đại Vương.
Năm 1288, quân Nguyên trở lại xâm lược Đại Việt lần thứ ba. Khi tiếp tục được phong Quốc công tiết chế, Trần Hưng Đạo vương khẳng định với vua Trần Nhân Tông: "Năm nay đánh giặc nhàn" . Ông đã áp dụng thành công chiến thuật của Ngô Quyền, đánh bại hoàn toàn thủy quân nhà Nguyên, buộc quân Nguyên lại phải rút về nước và vĩnh viễn từ bỏ tham vọng thôn tính phương Nam.
Sau nhiều đóng góp to lớn trong công cuộc giữ nước, Trần Hưng Đạo được vua trọng dụng cho đảm nhiệm nhiều chức vụ tối cao. Ông còn được trao quyền phong tước hiệu cho bất kỳ ai mà ông muốn. Tuy nhiên, đến cuối đời, Trần Hưng Đạo vẫn không sử dụng quyền lực này.
Trước lúc qua đời, ông từng khuyên vua Trần Anh Tông: "Phải khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc" . Ngoài ra, ông còn để lại các tác phẩm kinh điển như Hịch tướng sĩ, Binh thư yếu lược và Vạn Kiếp tông bí truyền thư, đặt nền móng cho nghệ thuật quân sự Việt Nam kể từ thời Trần đến ngày nay.
Năm 1984, Trần Hưng Đạo được bình chọn là 1 trong 10 vị tướng quân tài ba nhất thế giới do Hội đồng khoa học hoàng gia Anh xét phong. Để tưởng nhớ công ơn to lớn của ông, nhân dân tôn thờ ông là Đức Thánh Trần, lập đền thờ ở nhiều nơi để thờ phụng.