Nhiệm kỳ 6 của VFF, ông Lê Hùng Dũng lúc đó đang là Chủ tịch HĐQT Eximbank ngồi vào chiếc ghế Phó Chủ tịch phụ trách tài chính. Đấy cũng là thời điểm mà Eximbank chính là đơn vị tài trợ chính cho V.League với số tiền 30 tỉ/năm có luỹ tiến trong 3 mùa giải 2012, 2013, 2014.
Đấy cũng là thời điểm mà doanh nhân Lê Hùng Dũng đã thể hiện được tiếng nói cũng như vai trò của mình trong công việc điều hành công tác tài chính của VFF. Ông Lê Hùng Dũng khi còn là phó phụ trách tài chính đã nhen nhóm ý định theo mô hình bóng đá Nhật Bản.
Sau khi ông Dũng trúng cử Chủ tịch VFF nhiệm kỳ 8 đã cụ thể hoá chiến lược này với việc ký kết chương trình hợp tác chiến lược toàn diện với LĐBĐ Nhật Bản. Sau đấy, một loạt các doanh nghiệp Nhật Bản đã xuất hiện để hợp tác, tài trợ cho VFF theo một định hướng mang tầm chiến lược.
Bầu Đức và "bầu" Dũng từng là cặp bài trùng ở VFF. Ảnh: TL
Một đường hướng mới cho bóng đá Việt Nam được mở ra. Đấy cũng là nhiệm kỳ đầu tiên mà VFF có doanh nhân làm Chủ tịch. Và tất cả đều hy vọng, VFF sẽ giải quyết được nỗi lo kiếm tiền. Thậm chí, ngay khi mới trúng cử, Chủ tịch Lê Hùng Dũng còn tuyên bố sẽ kiếm về cho VFF hơn 300 tỉ đồng trong nhiệm kỳ của mình. Tuy nhiên, sau đó vì lý do sức khoẻ mà ông Dũng đã sớm rút lui vào hậu trường, giấc mơ kiếm hàng trăm tỉ cho VFF cũng tiêu tan.
Còn bầu Đức cũng là một doanh nhân đã được bầu làm Phó Chủ tịch VFF nhiệm kỳ 7. Đó là nhiệm kỳ mà ông Đức đã từng tuyên bố chỉ làm phó khi ông Lê Hùng Dũng trúng cử chức Chủ tịch. Và kịch bản đã diễn ra đúng như mong muốn khi cựu Chủ tịch Eximbank Lê Hùng Dũng ngồi vào vị trí lãnh đạo cao nhất ở VFF, còn bầu Đức trở thành 1 trong 3 Phó Chủ tịch. Một nhiệm kỳ với 3/5 thành viên góp mặt ở Thường trực VFF (tính cả bầu Tú) đã mang đến những nét tươi mới trong công tác điều hành, quản lý nhưng cũng mang đến những khúc mắc không đáng có từ hậu trường.
Bầu Đức dù gần như cả nhiệm kỳ không trực tiếp tham gia vào việc điều hành, quản lý ở VFF. Nhưng ông là người đã góp công trong việc chọn 2 đời HLV trưởng ĐTQG gần nhất mà HLV Park Hang-seo là một thành công lớn. Nói đúng hơn, bầu Đức làm việc theo hình thức dùng uy tín và tầm ảnh hưởng của mình để giúp đỡ bóng đá Việt Nam ở những thời điểm quan trọng. Đây là điều mà không phải ai cũng có thể làm được. Bên cạnh đó, ông bầu phố Núi cũng kết nối để chính VP Milk trở thành nhà tài trợ cho VFF từ năm 2017 đến nay.
Đây là lúc mà VFF cần đến những lá phiếu trách nhiệm hơn. Ảnh: M.H
Đến nhiệm kỳ 8 VFF, vị trí Phó Chủ tịch tài chính do ông Cấn Văn Nghĩa đảm nhận sau khi trúng cử tại Đại hội diễn ra hồi tháng 12.2018. Ông Nghĩa nguyên là Giám đốc Khu LHTTQG Mỹ Đình, thế nhưng trước và sau khi Đại hội khoá 8 VFF, liên tiếp các thông tin sai phạm về đơn vị này dưới thời ông đã khiến dư luận xôn xao. Và chỉ 6 tháng sau khi làm Phó Chủ tịch VFF, ông Nghĩa đã xin từ chức và để lại lời hứa kiếm 400 tỉ dở dang. Đây đang là vị trí trở thành cuộc chạy đua của nhiều ứng viên.
Các ứng viên hiện tại đều là những “bại tướng” của ông Nghĩa. Đó là ông Nguyễn Hoài Nam - Tổng giám đốc Tập đoàn Berjaya Việt Nam, ông Trần Văn Liêng - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Ca cao Việt Nam, ông Lê Văn Thành - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP thể thao Động Lực. Đây đều là những doanh nhân trong các lĩnh vực khác nhau. Tuy nhiên, để chọn người có tâm và có tầm như bầu Đức, “bầu” Dũng trước đây thì chưa có gương mặt nào xứng đáng.
Ngày 3.7 tới, Ban chấp hành VFF sẽ tiến hành họp để thông qua việc bầu bổ sung vị trí Phó Chủ tịch tài chính tại Đại hội thường niên diễn ra vào cuối năm. Từ bây giờ, VFF có lẽ nên cân nhắc “chiếc ghế tài chính” một cách thận trọng, tránh những hệ luỵ xấu như đã từng xảy ra.