Xử vụ thất thoát nghìn tỷ tại Bảo hiểm xã hội VN: Vợ cựu Thứ trưởng Lê Bạch Hồng xin xem xét trả lại 2 BĐS

Hoàng Đan |

Về tài sản là bất động sản của vợ chồng bị kê biên trong vụ án, bị cáo Hồng cho rằng, đây là tài sản mà bị cáo đã tiết kiệm trong nhiều năm trời nên mong HĐXX xem xét.

BĐS bị kê biên "là tài sản mà bị cáo tiết kiệm trong nhiều năm"

HĐXX hỏi về tài sản là bất động sản của vợ chồng bị cáo bị kê biên, bị cáo Hồng có ý kiến gì không? 

- "Kính thưa HĐXX, đây là tài sản bị cáo đã tiết kiệm nhiều năm và mua trước khi vụ việc xảy ra nhiều năm nên kính mong HĐXX xem xét", bị cáo Hồng nói.

Bị cáo Hồng trình bày thêm về quá trình xử lý, khắc phục hậu quả. 

Theo đó, khi phát hiện hậu quả xảy ra, bị cáo đã làm việc nhiều lần với Ngân hàng Agribank để yêu cầu có trách nhiệm với chứng thư bảo lãnh cho ALC II và Agribank có cam kết sẽ trả nợ khoản tiền của ALC II. Tiếp đó, bị cáo Hồng nói đã làm việc với Ngân hàng Nhà nước và được trả lời sẽ chỉ đạo Agribank trả nợ vay của ALC II. 

Bị cáo cũng thành lập Ban pháp chế, Ban thủ quỹ để đảm bảo đầu tư tiền an toàn, hiệu quả hơn. Đồng thời, làm việc với Bộ Tài chính để ban hành quy trình hướng dẫn cho vay… 

Sau khi bị cáo Hồng trình bày, Chủ tọa đã đặt câu tại sao bị cáo vẫn căn cứ vào thỏa thuận để cho vay mà không theo Luật BHXH? Bị cáo Hồng trả lời, bảo hiểm xã hội đã hợp tác với Agribank từ trước đó và bị cáo vấn nghĩ cho vay đúng luật, vẫn nghĩ cho Ngân hàng vay có lãi tốt. 

Về việc tại thời điểm đó có quy định nào chỉ căn cứ vào bảo lãnh để cho vay không? Bị cáo Hồng đáp không biết. 

Sau bị cáo Hồng, lần lượt các bị cáo Nguyễn Phước Tường (cựu Trưởng ban Kế hoạch - Tài chính), Trần Tiến Vỹ (cựu Trưởng phòng Kế hoạch - Tổng hợp); Hoàng Hà (cựu Trưởng phòng Kế hoạch - Tổng hợp, Ban Kế hoạch - Tài chính), Trần Thanh Thủy (nguyên chuyên viên Phòng Kế hoạch - Tổng hợp, Ban Kế hoạch - Tài chính) lên bục khai báo. 

Trước đó, trong sáng nay, bị cáo Nguyễn Huy Ban (cựu Tổng giám đốc BHXHVN) đã lên trả lời các câu hỏi của HĐXX.

Sau đó, vợ bị cáo Lê Bạch Hồng được mời lên trả lời câu hỏi của HĐXX. Trước câu hỏi, khi cơ quan CSĐT tiến hành kê biên, bà có ý kiến gì không? Bà này nói, về nguồn gốc 2 bất động sản tại Quan Nhân (Trung Hòa, Cầu Giấy) và Long Biên bị cơ quan CSĐT kê biên là tài sản do vợ chồng ông bà tích lũy, tiết kiệm mà có. 

Đồng thời, hiện nay sức khỏe của chồng bà, ông Lê Bạch Hồng đã giảm sút, không tốt nên đề nghị xem xét. Vợ ông Lê Bạch Hồng sau đó, đề nghị HĐXX xem xét trả lại 2 bất động sản này cho gia đình.

Sau khi HĐXX tiến hành xét hỏi đại diện Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Ngân hàng Agribank, nguyên Tổng giám đốc Công ty ALC II, vợ, chồng của các bị cáo, một số người có liên quan... chủ tọa đã mời đại diện Viện kiểm sát tham gia xét hỏi.

Đại diện VKS đã tiến hành xét hỏi với bị cáo Ban, nguyên Tổng giám đốc BHXHVN.

Đến 17h, HĐXX tuyên bố tạm dừng phần xét hỏi ngày hôm nay và sáng mai phiên tòa sẽ tiếp tục lúc 8h30.

380 tỷ đồng cho vay không có báo cáo riêng với Hội đồng quản lý BHXH Việt Nam

14h15 phiên tòa tiếp tục phần làm việc buổi chiều. Bị cáo Lê Bạch Hồng được yêu cầu lên bục khai báo trả lời các câu hỏi của HĐXX.

Trả lời câu hỏi của HĐXX, bị cáo Hồng cho rằng, đã ký 3 hợp đồng cho công ty ALC II vay. Việc cho vay dựa vào tờ trình do bị cáo Tường trình lên và dựa vào 2 thư bảo lãnh của Ngân hàng NN và PTNT (Agribank). 

Bị cáo Hồng khai dù biết thời điểm đó luật bảo hiểm xã hội đã có hiệu lực nhưng căn cứ vào hai thư bảo lãnh. Bị cáo Hồng khai không biết ALC II là tổ chức tài chính, không được vay và cấp dưới trình lên cũng không đề cập đến việc ALC III không thuộc đối tượng được vay. 

Xử vụ thất thoát nghìn tỷ tại Bảo hiểm xã hội VN: Vợ cựu Thứ trưởng Lê Bạch Hồng xin xem xét trả lại 2 BĐS - Ảnh 2.

Bị cáo Lê Bạch Hồng

Chủ tọa đặt câu hỏi về việc có chỉ đạo bị cáo Tường cùng nhân viên xem xét năng lực của ALC II không? Bị cáo Hồng trả lời có chỉ đạo xem xét toàn bộ hồ sơ của ALC II. 

Về số tiền 380 tỷ cho ALC II vay có báo cáo với Hội đồng quản lý BHXH VN không? Bị cáo Hồng cho rằng, không có báo cáo cụ thể riêng nhưng cuối năm có báo cáo chung.

Bị cáo Hồng cho rằng, sự việc xảy ra là ngoài ý muốn và trong thời gian, đảm nhiệm chức vụ Tổng giám đốc BHXHVN bị cáo đã cố gắng làm hết trách nhiệm, chức năng còn trách nhiệm cụ thể thế nào sẽ do HĐXX xem xét. Cựu Tổng giám đốc Bảo hiểm XHVN nhận thấy mình có một phần trách nhiệm trong viêc này.

11h: HĐXX bắt đầu xét hỏi các bị cáo

Đại diện VKS công bố xong cáo trạng. Chủ tọa phiên tòa yêu cầu bị cáo Nguyễn Huy Ban (cựu Tổng giám đốc BHXH Việt Nam) lên bục xét hỏi. Trước đó, Chủ tọa phiên tòa Nguyễn Xuân Thu cho biết, vụ án này sẽ được xử cả thứ 7 và chủ nhật.

Đến 11h45, phiên tòa tạm nghỉ để 14h bắt đầu...

9h40: Do vấn đề sức khỏe, 3 bị cáo được ngồi nghe cáo trạng

HĐXX vào lại phòng xử và cho biết, đối với ý kiến triệu tập thêm những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và đề nghị hoãn phiên tòa do vắng một số người liên quan thì một số người được triệu tập nhưng vắng mặt đều có lý do, đồng thời, trong quá trình xét xử, nếu cần thiết, tòa sẽ tiến hành triệu tập. 

Xử vụ thất thoát nghìn tỷ tại Bảo hiểm xã hội VN: Vợ cựu Thứ trưởng Lê Bạch Hồng xin xem xét trả lại 2 BĐS - Ảnh 3.

3 bị cáo được ngồi nghe cáo trạng

Chủ tọa phiên tòa cho hay, HĐXX quyết định không hoãn phiên tòa và tiếp tục xét xử. Sau đó, chủ tọa phiên tòa tuyên bố kết thúc phần kiểm tra căn cước, chuyển sang phần xét hỏi. Trước khi vào phần xét hỏi, đại diện VKS công bố bản cáo trạng. Do có vấn đề về sức khỏe nên HĐXX cho bị cáo Lê Bạch Hồng cùng 2 bị cáo khác được ngồi để nghe cáo trạng.

Tại phiên tòa sáng nay, HĐXX đã triệu tập 12 người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, 5 người làm chứng, 3 điều tra viên. Có 15 luật sư tham gia bào chữa cho 6 bị cáo, trong đó, bị cáo Lê Bạch Hồng có 3 luật sư bào chữa.

9h30: Đề nghị triệu tập 1 số người liên quan

Một số luật sư tiếp tục có yêu cầu đề nghị triệu tập một số người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, người làm chứng… Sau khi nghe các đề nghị của luật sư, chủ tọa phiên tòa đã đề nghị đại diện VKS nêu quan điểm về việc này. 

Đại diện VKS cho hay, bị cáo Lê Bạch Hồng có mời một luật sư tham gia bào chữa nhưng hiện luật sư này vắng mặt và chưa rõ lý do. Đại diện VKS đề nghị HĐXX hỏi rõ bị cáo có đồng ý việc xét xử khi thiếu luật sư hay không?

 Đối với đề nghị triệu tập những người làm chứng, có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, đại diện VKS cho hay, trong hồ sơ đã có lời khai đầy đủ nên không cần triệu tập, tuy nhiên, do phiên tòa kéo dài nên trong quá trình xét xử, HĐXX thấy cần thiết có thể triệu tập. 

HĐXX sau đó đã yêu cầu bị cáo Lê Bạch Hồng lên bục khai báo để trả lời về việc từng có đơn từ chối một luật sư bào chữa và có đồng ý tiếp tục xét xử khi vắng luật sư này không? Ông Hồng sau đó đề nghị HĐXX tiếp tục xét xử. Chủ tọa phiên tòa sau đó tuyên bố tạm nghỉ để HĐXX hội ý để xem xét các yêu cầu của luật sư đưa ra.

Xử vụ thất thoát nghìn tỷ tại Bảo hiểm xã hội VN: Vợ cựu Thứ trưởng Lê Bạch Hồng xin xem xét trả lại 2 BĐS - Ảnh 4.

Mặc dù thiếu một số người liên quan nhưng HĐXX vẫn quyết định tiếp tục xét xử

8h30: Phiên tòa chính thức bắt đầu. Chủ tọa phiên tòa là thẩm phán Nguyễn Thị Xuân Thu và 4 thành viên khác trong Hội đồng xét xử. HĐXX tiến hành phần kiểm tra căn cước đối với các bị cáo và những người tham dự phiên tòa. Trong vụ án này, có ba bị cáo đang bị bắt tạm giam là cựu Thứ trưởng Lê Bạch Hồng cùng 2 bị cáo khác, còn 3 bị cáo được cho tại ngoại.

Tại phần kiểm tra căn cước, ông Hồng khai từng giữ các chức vụ Tổng Giám đốc BHXHVN, Thứ trưởng Bộ LĐ,TB,XH và chưa có tiền án, tiền sự.

Chủ tọa phiên tòa hỏi các bị cáo và người liên có yêu cầu thay đổi người tham gia tố tụng không? Tuy nhiên, tất cả đều cho rằng, không có yêu cầu thay đổi. 

 Luật sư bào chữa cho bị cáo Lê Bạch Hồng đã đề nghị triệu tập thêm một số người liên quan từng giữ các chức vụ lãnh đạo tại Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam (Agribank)… đồng thời, luật sư đề nghị mở còng tay cho các bị cáo khi tham gia phiên tòa. Chủ tọa phiên tòa sau đó đồng ý và đề nghị lực lượng cảnh sát dẫn giải mở còng tay cho các bị cáo.

Vì sao vụ xử theo luật Hình sự cũ?

Hôm nay (18/9), TAND Hà Nội mở phiên sơ thẩm xét xử vụ án Cố ý làm trái quy định, gây thất thoát 1.700 tỷ đồng xảy ra tại Bảo hiểm xã hội Việt Nam với bị cáo Lê Bạch Hồng, cựu Thứ trưởng Bộ LĐ –TB&XH, cựu Tổng giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và đồng phạm.

Đây là vụ án nằm trong số những vụ Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo. Vụ án dự kiến sẽ được xét xử từ ngày 18 - 24/9.

Xử vụ thất thoát nghìn tỷ tại Bảo hiểm xã hội VN: Vợ cựu Thứ trưởng Lê Bạch Hồng xin xem xét trả lại 2 BĐS - Ảnh 5.

5 bị cáo tại tòa ngày 18/9

Năm bị cáo nguyên là cán bộ của Bảo hiểm xã hội Việt Nam (BHXH Việt Nam) phải hầu tòa về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (khoản 3, Điều 165, BLHS 1999) gồm:

Lê Bạch Hồng (cựu Thứ trưởng Lao động, Thương binh và xã hội, cựu Tổng giám đốc); Nguyễn Huy Ban (cựu Tổng giám đốc); Trần Tiến Vỹ (cựu Trưởng phòng Kế hoạch - Tổng hợp); Hoàng Hà (cựu Trưởng phòng Kế hoạch - Tổng hợp, Ban Kế hoạch - Tài chính) và Nguyễn Phước Tường (cựu Trưởng ban Kế hoạch - Tài chính).

Bị can Trần Thanh Thủy (nguyên chuyên viên Phòng Kế hoạch - Tổng hợp, Ban Kế hoạch - Tài chính) bị cáo buộc tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, theo khoản 2 điều 285, Bộ luật Hình sự 1999.

Như vậy các bị cáo trong vụ án này sẽ được xử theo Bộ luật Hình sự cũ chứ không phải Bộ luật Hình sự hiện hành.

Lý do, cựu Thứ trưởng Lê Bạch Hồng và những người trên bị xét xử nằm trong giai đoạn điều tra giai đoạn 2 vụ án Vũ Quốc Hảo (nguyên Tổng giám đốc Công ty cho thuê tài chính II - ALC II, xảy ra trong thời gian trước khi Bộ luật Hình sự 2015 có hiệu lực) và đồng phạm. 

Xử vụ thất thoát nghìn tỷ tại Bảo hiểm xã hội VN: Vợ cựu Thứ trưởng Lê Bạch Hồng xin xem xét trả lại 2 BĐS - Ảnh 7.

Bị cáo Lê Bạch Hồng

Theo điểm e khoản 1 Điều 2 Nghị quyết 41/2017 của Quốc hội về thi hành Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định:

Đối với hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nhiêm trọng tại điều 165 của Bộ luật Hình sự năm 1999 xảy ra trước 0 giờ ngày 1/1/2018 mà sau thời điểm đó vụ án đang trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử thì tiếp tục áp dụng quy định của Bộ luật Hình sự 1999 để xử lý.

Cáo trạng vụ án Cố ý làm trái quy định tại Bảo hiểm xã hội Việt Nam

Theo cáo trạng, từ tháng 3/2008 đến tháng 8/2009, ông Tường cùng Vỹ, Hà lập 14 tờ trình đề nghị ông Lê Bạch Hồng và Nguyễn Huy Ban cho Công ty ALC II vay vốn từ Quỹ Bảo hiểm xã hội và được phê duyệt.

Năm 2011, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã cho vay vượt hạn mức bảo lãnh tại ALC II tổng dư nợ lên tới hơn 1.000 tỷ đồng. 

Việc cho ALC II vay được xác định không đúng đối tượng, không đảm bảo nguyên tắc đầu tư Quỹ bảo hiểm xã hội, trái với Luật Bảo hiểm xã hội... bởi theo quy định, BHXH Việt Nam chỉ được cho phép các ngân hàng thương mại của Nhà nước vay vốn.

Sau khi trả được 200 tỷ đồng, ALC II không thanh toán lãi hàng tháng, không trả tiền gốc khi đến hạn. 

Cuối tháng 12/2015, số nợ cả gốc và lãi của ALC II đối với BHXH Việt Nam đã lên đến hơn 1.500 tỷ đồng. Ngày 31/7/2018, TAND TP HCM tuyên bố ALC II phá sản. Tính đến nay, số nợ của ALC II là hơn 1.700 tỷ đồng và không có khả năng trả.

Ông Hồng bị cáo buộc ký và chỉ đạo thực hiện ba hợp đồng cho ALC II vay vốn, gây thiệt hại 434 tỷ đồng, ông Ban ký và chỉ thực hiện 11 hợp đồng cho ALC II vay 630 tỷ đồng, khiến thiệt hại hơn 1.263 tỷ (cả gốc và lãi).

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại