Vì sao tử tù nhiều năm chưa thi hành án tử hình?

PHẠM DŨNG ghi |

Việc một tử tù sau nhiều năm vẫn chưa thi hành án tử hình khiến nhiều người quan tâm và các chuyên gia pháp lý cho rằng có rất nhiều vấn đề liên quan.

Tử tù Nguyễn Kim An

Tử tù Nguyễn Kim An

Vừa qua, việc tử tù Nguyễn Kim An (SN 1995, quê Tánh Linh, Bình Thuận) trốn khỏi Trại tạm giam Chí Hòa gây xôn xao dư luận. Báo Người Lao Động giới thiệu đến bạn đọc ý kiến của luật sư Lê Nguyễn Quỳnh Thi (Đoàn Luật sư TP HCM) phân tích một số nguyên nhân ảnh hưởng đến việc thi hành án tử hình.

Thi hành án tử hình là hoạt động quan trọng, tước đi quyền sống - quyền cơ bản và thiêng liêng nhất của con người được ghi nhận trong Hiến pháp. Do đó, hoạt động này được quy định rất chặt chẽ về trình tự cả trước, trong và sau khi thi hành án, trong đó có thủ tục xem xét bản án tử hình trước khi thi hành.

Thủ tục xem xét bản án tử hình trước khi thi hành được quy định tại Điều 367 Bộ luật Tố tụng Hình sự. Theo đó, sau khi bản án tử hình có hiệu lực pháp luật, hồ sơ vụ án phải được gửi ngay cho Chánh án TAND Tối cao; bản án phải gửi ngay cho Viện trưởng VKSND Tối cao.

Hai chủ thể này sẽ tiến hành xem xét, quyết định kháng nghị hoặc không kháng nghị giám đốc thẩm hoặc tái thẩm trong thời hạn 2 tháng. Đồng thời, trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật, người bị kết án được gửi đơn xin ân giảm lên Chủ tịch nước

Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn một số vướng mắc như sau :

Thứ nhất, luật không quy định thời hạn xét đơn ân giảm của Chủ tịch nước trong trường hợp người bị kết án có đơn xin ân giảm. Theo đó, luật chỉ quy định thời hạn người bị kết án gửi đơn xin ân giảm cho Chủ tịch nước và Chủ tịch nước xem xét quyết định ân giảm hay bác đơn xin ân giảm.

Đồng thời, thủ tục thi hành án còn có thời hạn tiến hành, nhưng luật không quy định thời hạn xem xét đơn xin ân giảm. Nếu hết thời hạn xem xét kháng nghị mà Chánh án TAND Tối cao và Viện trưởng VKSND Tối cao không kháng nghị mà Chủ tịch nước chưa có quyết định về việc xem xét đơn xin ân giảm thì thủ tục thi hành án tử hình cũng không được thi hành.

Thứ hai, trường hợp bản án tử hình bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm mà Hội đồng giám đốc thẩm, Hội đồng tái thẩm không chấp nhận kháng nghị và giữ nguyên bản án tử hình thì TAND Tối cao phải thông báo ngay cho người bị kết án để làm đơn xin ân giảm.

Vậy, thông báo ngay được hiểu như thế nào? Một ngày, hai ngày hay ngay trong ngày có quyết định của Hội đồng giám đốc thẩm, Hội đồng tái thẩm? Như vậy, luật còn bỏ ngỏ quy định này dẫn đến khó khăn trong khi thi hành trên thực tế.

Thứ ba, thời hạn để Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao xem xét quyết định kháng nghị hay không kháng nghị là 2 tháng. Trong thời gian đó, nếu đã ra quyết định kháng nghị hoặc quyết định không kháng nghị thì các chủ thể này có quyền thay đổi hay không?

Hiện nay, luật chưa có quy định về vấn đề này nhưng trên thực tế đã có trường hợp rút quyết định không kháng nghị giám đốc thẩm? Do đó, để tạo tính pháp lý cho hoạt động này, cần bổ sung quy định có liên quan

Cần thi hành án tử hình đúng quy định và thời hạn

Về vấn đề tử tù Nguyễn Kim An trốn khỏi Trại tạm giam Chí Hòa, bà Nguyễn Thị Hoài Thu (nguyên Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội) cho rằng khó tin rằng một tử tù lại trốn khỏi Trại tạm giam Chí Hòa, nơi được biết đến về tính nghiêm ngặt trong công tác trông giữ phạm nhân.

Bà Nguyễn Thị Hoài Thu cho rằng cần xử lý nghiêm trách nhiệm những đơn vị, cá nhân đã không làm tròn trách nhiệm để tử tù trốn khỏi nơi giam, đi qua nhiều địa bàn khác nhau trong tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay.

Đồng thời, bà Thu đề xuất cần tăng cường công tác tuần tra, giám sát các phạm nhân đang bị giam giữ tại Trại tạm giam Chí Hòa đặc biệt là đối với các tử tù dù cho họ đang được điều trị bệnh tại bệnh viện. Khi trích phạm ra ngoài thì cần tăng cường công tác canh giữ gấp đôi, gấp 3.

Việc tử tù Nguyễn Kim An đã 7 năm sau khi tuyên án tử hình vẫn chưa thi hành án bà Nguyễn Thị Hoài Thu cho rằng "cơm ăn trong miệng còn rơi" thì việc các cơ quan chức năng xem xét kỹ lưỡng có oan sai hay không, có còn khúc mắc hay không là điều cần làm, bà không ý kiến.

Bà Nguyễn Thị Thu Thủy (nguyên Phó Chánh tòa Hình sự TAND TP HCM) từng làm hội đồng thi hành án tử hình cho biết trước đây một đội thi hành án tử hình huy động rất đông lực lượng tham gia và từ lúc chuyển sang hình thức tiêm thuốc độc an tử cho người phạm tội thì hình thức này rút ngắn thời gian và lực lượng thi hành.

Bà Nguyễn Thị Thu Thủy cho rằng một số nguyên nhân khiến việc thi hành án tử tù kéo dài có thể là họ còn có đồng phạm chưa bắt được hoặc có liên quan đến một vụ án khác cần làm rõ. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần có thời gian xem lại toàn bộ hồ sơ vụ án để khẳng định rằng đã ra bản án đúng người, đúng tội và không có oan sai.

Một người bị tuyên án tử hình và có phần thi hành án dân sự mà người bị kết án tử không có khả năng bồi thường cũng không ảnh hưởng đến công tác thi hành án.

Bà Nguyễn Thị Thu Thủy cho rằng cần phải thi hành án tử hình đúng thời hạn và đúng quy định của pháp luật. Việc giam giữ và trông coi người mang án tử hình rất khổ sở; Công an TP HCM mang trên đôi vai trách nhiệm khá nặng nề nên nếu có vướng mắc thì các cơ quan chức năng cùng tháo gỡ để đảm bảo người bị kết án không phải kéo dài thời gian mà các cơ quan chức năng không phải mang gánh trách nhiệm, tốn công sức và nhân lực.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại