Tại Trung Quốc, chất gelatin trong da lừa được sử dụng làm nguyên liệu chính trong ‘ejiao’, một loại thuốc gia truyền được nhiều người ưa thích nhờ tác dụng chữa bệnh cảm lạnh hoặc mất ngủ.
Tuy nhiên, do tốc độ công nghiệp hóa nhanh tại Trung Quốc khiến ngành nông nghiệp truyền thống suy yếu, kéo theo số lượng lừa suy giảm đáng kể.
Một thống kê gần đây của chính phủ Trung Quốc cho thấy số lừa đã giảm từ 11 triệu con xuống còn 6 triệu con trong 20 năm qua.
Trước tình hình này, Trung Quốc bắt đầu tìm cách thu mua lừa từ châu Phi với số lượng lớn.
Tuy nhiên, sau một thời gian, các quốc gia tại châu lục đen bắt đầu phản ứng với kiểu mua gom tăng đột biến của Trung Quốc.
Như quốc gia Niger đã phải ban hành lệnh cấm xuất khẩu lừa. Theo báo cáo của chính quyền Niger, chỉ riêng trong năm 2016, tính đến thời điểm này, số lượng lừa bị bán đã lên đến mức 80.000 con. Trong khi đó, năm 2015, con số này chỉ dừng ở mức 27.000.
Chính quyền Niger cảnh báo với chiều hướng xuất khẩu lừa đi Trung Quốc, số lượng lừa của nước này chẳng mấy chốc sẽ bị “tuyệt chủng”.
Hồi tháng 8 vừa qua, Burkina Faso cũng đã ra lệnh cấm xuất khẩu lừa, sau khi 45.000 con lừa ở nước này bị xẻ thịt lấy da chỉ trong vòng 6 tháng.
Ngoài ra, xuất khẩu lừa gia tăng cũng kéo theo những vấn đề về môi trường và kinh tế tại các quốc gia châu Phi.
Các lò mổ xuất hiện ngày càng dày đặc gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người dân trong vùng.
Tại làng Balole ở Burkina Faso, nông dân đã tấn công và đóng cửa một lò mổ để phản đối việc máu và nội tạng động vật bị đổ vào nguồn nước sinh hoạt.
Tiềm năng lợi nhuận từ xuất khẩu lừa cũng khiến nông dân từ các ngành chăn nuôi khác chuyển sang nuôi lừa, dẫn đến tình trạng mất cân đối trong ngành nghề.
“Ở Niger và Burkina Faso, việc thịt và da lừa tăng giá trị gây tăng giá một số sản phẩm khác theo kiểu tâm lý. Giá cả các mặt hàng khác tăng lên không phải vì nhu cầu thực của người dân, nên gây mất cân bằng trong nền kinh tế”, đài CNN dẫn lời tiến sĩ Emmanuel Igbinoba.
Theo ông Eric Olander, đồng sáng lập China Africa Project (Dự án truyền thông nhằm thúc đẩy các mối quan hệ giữa châu Phi và Trung Quốc trong mọi mặt), vấn đề mà các quốc gia châu Phi xuất khẩu lừa đang gặp phải chính là việc thiếu luật lệ.
“Tương tự như đối với các ngành chăn nuôi, nguyên vật liệu và các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác, nhu cầu của Trung Quốc thường quá lớn và nhanh chóng vượt qua khả năng cung cấp của bất cứ nguồn cung nào”, ông Olander nhận định.
“Các quốc gia giao thương với Trung Quốc có nghĩa vụ phải điều chỉnh hoạt động thương mại để không làm cạn kiệt các nguồn tài nguyên tới mức phải gây áp lực lên chính người dân của mình”, ông Olander phân tích.