Trung Quốc đã chuẩn bị công bố một danh sách trừng phạt đối với các công ty Mỹ sau khi Washington thông báo gia tăng trừng phạt, siết chặt kiểm soát xuất khẩu đối với “ông lớn” công nghệ Huawei hồi tháng 5. Tuy nhiên, vào ngay phút chót, Bắc Kinh thay đổi ý định.
Dẫn lời một nguồn tin chính phủ nước này, báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng cho biết giới chức Trung Quốc lo sợ động thái này sẽ phản tác dụng và gây tổn thất cho nền kinh tế trong nước.
“Danh sách gần như được công bố. Nhưng vào phút chót, quyết định đã được rút lại và chờ đợi”, nguồn tin tiết lộ.
Sự thận trọng của Bắc Kinh xuất phát từ nỗi lo hành động trả đũa sẽ ảnh hưởng tới sự tăng trưởng kinh tế vốn dĩ còn bấp bênh sau dịch viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) và mong muốn của nước này bình ổn dòng chảy đầu tư từ nước ngoài trong thời điểm nhiều công ty ngoại quốc muốn tìm cách giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn cung Trung Quốc.
Thái độ nhân nhượng cũng thể hiện rõ trong cuộc họp báo của Thủ tướng Lý Khắc Cường sau kỳ họp quốc hội thường niên vào cuối tháng 5 vừa qua, khi ông tránh giọng điệu đối đầu với Mỹ và kêu gọi hợp tác kinh tế.
Trước đó, sau khi Mỹ tuyên bố các lệnh hạn chế đối với Huawei và 33 công ty khác của Trung Quốc, Bắc Kinh đe dọa sẽ công bố một danh sách những thực thể không đáng tin cậy. Tạp chí Global Times có một bài viết đề cập Trung Quốc chuẩn bị điều tra hoặc ra lệnh hạn chế đối với một số công ty Mỹ như Qualcomm, Cisco và Apple, cũng như dừng mua máy bay Boeing. Trung Quốc cho rằng những công ty này gây tổn thất tới lợi ích của doanh nghiệp Trung Quốc và gây ra mối đe dọa an ninh quốc gia.
Một máy bay FedEx Express tại Sân bay Quốc tế Hong Kong. Ảnh: wsj.com
Công ty chuyển phát nhanh FedEx là một trong những công ty Mỹ đầu tiên nằm trong tầm ngắm của Trung Quốc. Giới chức nước này tuyên bố sẽ điều tra FedEx sau khi công ty này bị buộc tội cho phép đưa vũ khí vào Trung Quốc.
Tuy nhiên, kể từ đó đến nay, Trung Quốc vẫn giữ im lặng về danh sách thực thể. Nguồn tin lý giải giới chức Trung Quốc đã hoàn thành chi tiết danh sách vào cuối năm ngoái song lo lắng các doanh nghiệp nước ngoài sẽ phản ứng và khiến quốc gia châu Á trở nên ít hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư.
Theo ông Dan Wang – một nhà phân tích tại Viện Nghiên cứu Gavekal Dragonomics, Bắc Kinh không nóng vội thực hiện các biện pháp đáp trả nhưng cần “một phương án cân bằng giữa ý kiến công chúng muốn hành động quyết liệt và bình ổn nền kinh tế, duy trì nguồn đầu tư nước ngoài”.
Nguồn tin chính phủ cho biết Trung Quốc cần cải thiện mối quan hệ với các quốc gia còn lại trên thế giới bằng cách hạ nhẹ giọng, khôi phục danh tiếng sau đại dịch COVID-19 và có những bước đi vững vàng để lấy lại lòng tin từ những công ty nước ngoài.