PV : Thưa ông, trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, trận đánh trên đồi A1 được coi là giằng co và quyết liệt nhất. Tại sao A1 lại có vị trí quan trọng như vậy, trong khi Sở chỉ huy của tướng De Castries lại không nằm ở vị trí này?
Thượng tướng Trần Việt Khoa: Địch gọi Đồi A1 là cổ họng của Điện Biên Phủ. Đồi A1 là điểm cao nằm trong dãy điểm cao ở phía Đông. Ở đây, địch quyết giữ và ta quyết đánh điểm cao này. Bởi vì, Đồi A1 là điểm cao có giá trị về chiến thuật và chiến dịch. Nếu như ta chiếm đánh được Đồi A1 và giữ được Đồi A1 thì toàn bộ cánh đồng Mường Thanh trong căn cứ của quân Pháp sẽ bị khống chế. Vì vậy mà ta thì quyết đánh, địch thì quyết giữ.
Tại sao Sở Chỉ huy địch lại không đặt ở điểm cao này? Bởi vì dãy điểm cao này nằm ở phía Đông bên ngoài. Trung tâm Mường Thanh - Sở Chỉ huy nằm ở gần khu vực tập kết lực lượng. Ở đây có xe tăng, 8 tiểu đoàn và 5 cụm lực lượng bảo vệ Sở chỉ huy, cùng với sân bay và các kho trạm khác. Vì vậy, người Pháp họ cũng tính toán rất kỹ để bố trí Sở chỉ huy tại Trung tâm Mường Thanh.
PV: Trong một lần nói chuyện về Chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp có nói “Trận A1 là chìa khóa vàng trong chiến dịch”. Chúng ta đã sử dụng lực lượng như thế nào để đánh chiếm điểm cao này, thưa ông?
Thượng tướng Trần Việt Khoa: Đồi A1 là điểm cao có giá trị về chiến thuật và chiến dịch. Chiến dịch được giao cho hai trung đoàn thuộc hai đại đoàn. Đó là Trung đoàn 174 thuộc Đại đoàn 316 và Trung đoàn 102 của Đại đoàn 308. Trong trận đánh giằng co trên đồi A1, kéo dài suốt 38 ngày đêm, cán bộ chiến sĩ của Trung đoàn 174 và Trung đoàn 102 đã quyết tâm thực hiện bằng được nhiệm vụ được giao là chiếm giữ Đồi A1.
PV: Cuộc chiến đấu trên đồi A1 diễn ra 3 đợt tấn công và 1 đợt phòng ngự, 38 ngày đêm là trận đánh dài ngày nhất trong chiến dịch Điện Biện Phủ. Ý chí quyết tâm của bộ đội ta chính là nhân tố có ý nghĩa quyết định để giành thắng lợi trong trận đánh này?
Thượng tướng Trần Việt Khoa: Đúng vậy, có thể nói, tinh thần Điện Biên Phủ nói chung và đánh đồi A1 nói riêng, trước hết là tinh thần yêu nước, không có gì quý hơn độc lập tự do, không cam chịu làm nô lệ, sẵn sàng xả thân vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Ý chí quyết chiến, quyết thắng đấy được kết hợp với tinh thần sáng tạo và nỗ lực phi thường để khắc phục khó khăn tưởng chừng như là không vượt qua được. Nó tạo nên bước tiến vượt bậc và khả năng sức mạnh chiến đấu để chúng ta đánh thắng kẻ thù ngay từ khi chúng ta quyết tâm giành điểm cao A1, để tạo bàn đạp cho đại quân tiến đánh tất cả các cứ điểm còn lại trong căn cứ Điện Biên Phủ.
PV: Khi tổng kết chiến dịch, Đại tướng Võ Nguyên Giáp có nhận định, một trong những nguyên nhân dẫn đến việc đánh Đồi A1 kéo dài, ta có thương vong lớn là Trung đoàn 174, thuộc Đại đoàn 316 nổ súng chậm, do không nhận được lệnh của Đại đoàn… Nhìn lại trận đánh lịch sử này, theo ông cần rút ra bài học kinh nghiệm gì trong việc hiệp đồng tác chiến?
Thượng tướng Trần Việt Khoa: Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, đồng chí Nguyễn Hữu An, nguyên Giám đốc Học viện Quốc phòng là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 174, Đại đoàn 316. Quá trình chỉ huy trực tiếp trung đoàn này, đồng chí có nói là trung đoàn nhận mệnh lệnh của đại đoàn chậm. Nguyên nhân thứ nhất là do thông tin của ta lúc đó chưa thật sự hiện đại như bây giờ. Thứ hai là công tác hiệp đồng giữa đại đoàn với các trung đoàn chưa được chặt chẽ. Vì vậy mà giờ nổ súng của đại đoàn, của mặt trận, của toàn chiến trường là trung đoàn không nhận được.
Qua đó, rút ra một bài học là muốn tạo sức mạnh và nổ súng đúng thời cơ, đúng thời gian, đúng thời điểm thì phương tiện thông tin phải bảo đảm thông suốt. Bên cạnh đó, hiệp đồng giữa các lực lượng, giữa các đơn vị từ trên xuống dưới phải chặt chẽ, tỉ mỉ sẽ tạo nên sự thống nhất cao, bảo đảm giờ nổ súng được thực hiện trên toàn bộ chiến trường cũng như trong từng trận đánh.
PV: Ở trận quyết chiến trên Đồi A1, chúng ta thương vong khá lớn, nhưng chiến sĩ Điện Biên vẫn luôn quyết tâm hoàn thành mục tiêu đảm nhiệm trong mọi tình huống. Điều đó cho thấy tinh thần và ý chí chiến đấu của người chiến sĩ luôn là nhân tố quyết định để chúng ta sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi trong mọi cuộc chiến tranh. Ông có thể phân tích sâu hơn về vấn đề này?
Thượng tướng Trần Việt Khoa: Có thể nói, coi trọng nhân tố chính trị tinh thần là một yếu tố rất quan trọng trong chiến tranh, không chỉ là trong các cuộc chiến tranh trước đây mà trong các cuộc chiến tranh gần đây và trong tương lai (nếu có xảy ra) điều đó vẫn luôn đúng.
Vì thế, công tác lãnh đạo, giáo dục chính trị, tư tưởng chặt chẽ, xây dựng quyết tâm chiến đấu cao trong chiến đấu cho người chiến sĩ là yếu tố hết sức quan trọng.
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, chúng ta làm tốt vấn đề này. Vì làm tốt điều đó nên mới tạo ra sức mạnh. Chiến tranh càng ác liệt, vũ khí càng nguy hiểm với con người thì yếu tố chính trị tinh thần lại phải vượt lên tất cả để giành chiến thắng. Tôi tin tưởng rằng, trong điều kiện ngày nay, nếu chiến tranh có xảy ra thì tinh thần Điện Biên Phủ năm xưa sẽ được truyền tải vào trong mỗi người lính, để chúng ta có thể đánh thắng bất kể cuộc chiến tranh xâm lược, của bất kể kẻ thù nào, để giữ vững hòa bình độc lập xây dựng chủ nghĩa xã hội.
PV : Xin cảm ơn ông!