Sau Dresden (Cộng hòa dân chủ Đức), nơi cất giấu nhiều hoài bão khi ông Putin được đào tạo như một điệp viên KGB và quê hương St. Petersburg, nơi đã đặt những dấu mốc đầu tiên trên con đường chính trị của ông, thành phố biển Sochi được xem là điểm đến yêu thích nhất của Tổng thống Putin, nơi ông thường lựa chọn để tiếp đón các nhà lãnh đạo quan trọng từ khắp nơi trên thế giới.
Sau khi lên nắm quyền vào năm 2000, Tổng thống Putin đã cho xây dựng một khu nghỉ dưỡng mùa hè ở Sochi mang tên Bocharov Ruchei.
Tổng thống Nga đã tạo ra ở Sochi, nơi cách xa Matxcơva hơn 1.000 km, một “thủ đô thứ hai’’. Sochi là thành phố du lịch, nghỉ dưỡng và phát triển năng động bậc nhất của nước Nga, nơi đã diễn ra Đại hội thể thao mùa Đông tháng 2/2014.
Truyền thống các lãnh đạo Nga dành thời gian nghỉ ngơi tại Sochi đã có từ thời Liên Xô. Nhà lãnh đạo Joseph Stalin là người đã khởi đầu việc xây dinh thự tại Sochi và thường xuyên đến đây nghỉ ngơi khi có thời gian rảnh rỗi.
Khu vực nghỉ dưỡng này rộng hàng ngàn hecta, tòa nhà chính nằm trên một ngọn đồi có tầm nhìn đẹp ra biển. Tuy nhiên tòa nhà hai tầng của Tổng thống Nga Putin có thiết kế khá đơn giản.
Dinh thự trên bờ Biển Đen của Tổng thống Putin là một ngôi nhà gỗ trong đó có một phòng chơi bi-a nhỏ, sân sau có một chỗ đủ rộng để cưỡi ngựa. Trên một chương trình truyền hình vào tháng 1/2018, nhà lãnh đạo Nga từng giới thiệu một số căn phòng bên trong dinh thự. T
ất cả đều được trang trí ấm cúng. Nơi ông có thể tổ chức các cuộc chiêu đãi, đón tiếp các nhà lãnh đạo từ khắp các nơi trên thế giới, cũng là nơi đôi khi tổ chức các bữa tiệc sum họp gia đình.
Toàn bộ khuôn viên khu nghỉ dưỡng Bocharov Ruchei có rất nhiều khu vực và tòa nhà khác nhau, giữa các tòa nhà thường phải di chuyển bằng xe điện.
Trong hội nghị thượng đỉnh Nga-ASEAN 2016 diễn ra tại Sochi, hai đoàn đại biểu của Thái Lan và Indonesia suýt chút nữa đã đi lạc, và trong khi chờ đợi các đồng nghiệp tại cuộc họp, Tổng thống Vladimir Putin đã hóm hỉnh nói với báo giới: “Chắc đoàn đại biểu của Thái Lan đã bị lạc ở đâu đó rồi”.
Cựu Thủ tướng Ý Silvio Berlusconi và cựu Tổng thống Pháp Jacques Chirac là hai nhà lãnh đạo đầu tiên được Tổng thống Putin tiếp đón tại Bocharov Ruchei.
Nơi đây cũng từng được nhà lãnh đạo nga tiếp đón nhiều vị tổng thống Mỹ như George H. W. Bush, George W. Bush, Barack Obama, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, Tổng thống Syria Bashar Assad, Thủ tướng Đức Angela Merkel ...
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng đến thành phố Biển Đen này vào tháng 5/2015 sau hai năm không đặt chân lên đất Nga. Từ năm 2014, sau cuộc khủng hoảng Ukaraine, chuyến thăm của các nguyên thủ đến đây đã thưa đi nhiều.
Video: Tổng thống Nga Putin và Thủ tướng Medvedev tập thể hình và nướng thịt tại Bocharov Ruchei
Truyền thông Nga gọi khu nghỉ dưỡng trên bờ Biển Đen là “thế giới của Tổng thống Nga” hay “địa điểm hòa bình’’, nơi đây thường xuyên diễn ra các cuộc đàm phán quốc tế về vấn đề Ukraine, Syria và các vấn đề an ninh khu vực.
Các cuộc tiếp đón của nhà lãnh đạo Nga tại dinh thự trong khu nghỉ dưỡng trên bờ Biển Đen đều có những ý nghĩa nhất định. Nơi đây không chỉ khiến các cuộc hội đàm bớt gai góc, gay cấn mà địa điểm được một người có tài ngoại giao nổi tiếng tinh tế như ông Putin lựa chọn còn mang nhiều ý nghĩa về mặt tình cảm, hướng tới sự thân thiện, gần gũi không đơn thuần là yếu tố chính trị.
Trong một thông báo của Điện Kremlin cho biết Tổng thống Putin sẽ tiếp đón Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng vào ngày 6/9 tại Sochi.
Việc Tổng thống Nga hai lần tiếp đón Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại dinh thự riêng ở thành phố biển Sochi cho thấy ông đề cao mối quan hệ giao hảo, thân tình giữa hai nước. Nga không chỉ xem Việt Nam là đối tác chiến lược quan trọng tại khu vực Đông Nam Á, mà còn muốn củng cố, tăng cường tình hữu nghị vốn có giữa hai quốc gia.
Trước thềm chuyến thăm chính thức sang Nga, trả lời Hãng thông tấn Nga TASS, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chia sẻ:
Quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp giữa Việt Nam và Liên bang Nga có bề dày lịch sử, được thử thách qua thời gian, được nhiều thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước dày công vun đắp. Đây là tài sản chung vô giá của hai dân tộc, cần được giữ gìn và phát huy.