Vì sao “Tình khúc Bạch Dương” không giống như kỳ vọng?

Thảo Nguyên |

Phim “Tình khúc Bạch Dương” lấy bối cảnh về nước Nga, nơi luôn được các lưu học sinh Việt Nam coi là “những tháng năm rực rỡ” mà họ có được ở tuổi thanh xuân.

Nhưng với những diễn biến của phim, khán giả đều chưa cảm thấy "đã" so với những gì mà họ biết về nước Nga.

Nhiều nhận xét phim như kiểu dành cho phim tài liệu

Bộ phim “Tình khúc Bạch Dương” (đang phát sóng vào tối thứ Năm, thứ Sáu hàng tuần trên kênh VTV1) đã đi được gần nửa chặng đường (dài 36 tập phim).

Nhưng với khán giả, qua 13 tập phim đã phát sóng, điều đọng lại chỉ là những hình ảnh đẹp lung linh của khung cảnh thiên nhiên nước Nga: Con đường phủ tuyết trắng, khung cảnh đại học, những cánh rừng, cánh đồng hoa hướng dương vàng rực…

Ngay trước thời điểm ra mắt, bộ phim được gọi là “bom tấn” truyền hình với rất nhiều “cái nhất” như: Thời gian thực hiện dài nhất, chuẩn bị công phu nhất, bối cảnh diễn ra ở nhiều địa điểm nhất, kịch bản đông người viết nhất, dàn diễn viên hùng hậu nhất…

Thông thường với phim dài tập, chỉ qua ngưỡng số 10 là nội dung, tính cách nhân vật hầu như đã được định hình. Thế nên, những ý kiến nhận xét phim chưa xứng với kỳ vọng, với diễn biến thực tế của du học sinh ở Nga… là khá nhiều.

“Tình khúc Bạch Dương” kể về đời sống của du học sinh và người lao động Việt Nam sang Liên Xô học tập và sinh sống trong khoảng thời gian từ cuối những năm 1980 đến năm 2010.

Với bối cảnh ấy, làm phim trong nước cũng đã là một thách thức khó khăn với ê-kíp làm phim, huống hồ là ở một đất nước như Liên bang Nga với quá nhiều thay đổi về lịch sử, đời sống.

Cùng thời điểm phát sóng với bộ phim “Tình khúc Bạch Dương” ở những tập đầu là phim “Thương nhớ ở ai”, đã có không ít tranh cãi về bối cảnh, rồi rằng “các cụ ngày xưa không mặc áo yếm kiểu như vậy” - sau khi khán giả phát hiện diễn viên “thả rông” với áo yếm.

Trong khi đó, đạo diễn Lưu Trọng Ninh lại một mực rằng, “ngày xưa các cụ không ai mặc áo lót cả”.

Thế nên để giữ đúng tinh thần của phim, ông đã yêu cầu diễn viên không được mặc gì bên trong, kể cả miếng dán ngực để đảm bảo “tính chân thực tuyệt đối”.

Một hình ảnh quen thuộc như vậy mà rồi tranh cãi vẫn không có hồi kết.

“Tình khúc Bạch Dương” bị so sánh về bối cảnh “không đúng với thời học của chúng tôi” cũng là dễ hiểu và hoàn toàn có thể thông cảm được cho những khó khăn mà bất cứ đoàn làm phim nào cũng có thể gặp phải.

Nhiều khán giả xem phim cũng hay lấy những gì mình thấy, mình nghĩ ngoài thực tế, trong một bối cảnh hẹp để so sánh với phim- thường mang tính ước lệ và mang tính khái quát rộng.

Chẳng hạn, một du học sinh ở Nga đã nhận xét rằng, Phim "Tình khúc Bạch Dương" với lời đề tặng cho những người học tập ở Nga nhưng khi xem lại không tìm được những hình ảnh mà tôi đã gặp trong những năm tháng sống ở Nga.

Phim không bám sát thực tế cuộc sống người Việt ở Liên Xô thuở trước, khai thác quá nhiều về mặt trái sinh viên đi buôn. Bối cảnh, lời thoại cũng không phù hợp thời đại”…

“Sinh viên thời đó không ăn nói kiểu: "Anh chỉ huýt sáo một cái là khối đứa theo", có thái độ dọa nạt kiểu "anh chị" với bạn bè, lục lọi, móc tiền từ trong giày của người bạn…

Nữ sinh viên hồi đó, chắc không ai lại có cái kiểu lố lăng như cô Lan, lúc nào cũng tìm cách tiếp cận Hùng vì đẹp trai…”.

Những nhận xét như vậy thường hay gặp phải khi phim làm về một giai đoạn cụ thể trong quá khứ.

Thế nên, để tránh đi những so sánh kiểu như dành cho phim… tài liệu này, các đạo diễn đôi khi thường chọn cách làm phim phi thời gian, địa điểm. Ở đó, tất cả bối cảnh, lịch sử chỉ mang ý nghĩa định lượng và tương đối mà thôi.

Mong chờ ở dàn diễn viên phần sau

Nhưng bên cạnh những tranh luận khác nhau về khen và chê xung quanh bối cảnh, nội dung… thì vẫn có điểm để khán giả “gặp nhau ở một điểm”, đó là diễn xuất của dàn diễn viên ở giai đoạn đầu.

Huỳnh Anh (Hùng), Bình Anh (Quang), Minh Trang (Quyên), Hồng Loan (Vân) có ưu điểm nổi trội là “ăn hình”, trang phục đẹp mắt… nhưng về diễn xuất, nếu phải “so bó đũa chọn cột cờ” thì xem ra chỉ Huỳnh Anh là có phần ổn nhất.

Với Minh Trang, cô lột tả được sự đáng ghét của một tiểu thư vốn quen cưng chiều. Lúc nào cũng chỉ biết đòi hỏi, ghen tỵ và giận dỗi để được Hùng đáp ứng.

Nhưng sự nhí nhảnh xem ra hợp với tâm lý của một học sinh mới lớn hơn là với tính cách của sinh viên sống xa sứ như Quyên.

Chính Minh Trang khi được hỏi cũng thừa nhận rằng, việc hóa thân thành Quyên của cô chưa được tinh tế.

“Nếu được làm lại, Trang sẽ dành nhiều thời gian tìm hiểu nhân vật và hóa thân tốt hơn. Trang sẽ tiết chế bớt phần nhí nhảnh đi”, Minh Trang nói.

Huỳnh Anh có lợi thế về hình thức, lại tham gia khá nhiều phim trước đó nên diễn xuất tự nhiên hơn hẳn trong dàn diễn viên trẻ.

Bình An cũng không còn là gương mặt mới nhưng với vai Quang- theo kịch bản là một sinh viên ưu tú, được cả Quyên và Vân yêu nhưng những gì mà anh thể hiện chẳng khách gì một trí thức kiểu sách vở, diễn xuất “đơ” như một sinh viên ngoại quốc chơi với sinh viên Việt Nam vậy.

Hồng Loan, một diễn viên chủ yếu chỉ đóng các MV nên việc lần đầu làm một vai diễn “nặng ký” như vậy cũng dễ được “châm chước” hơn.

Diễn xuất của diễn viên Kiều Anh cũng mang đến nhiều thất vọng.

Từng hóa thân thành nhiều nhân vật có số phận buồn, đáng thương như vai Nhung của “Phía trước là bầu trời”, Hà của “Giọt nước mắt muộn màng”… nhưng ở vai Hoa của “Tình khúc Bạch Dương”, Kiều Anh bị cho là xuống phong độ.

Vào vai một người vợ để lại chồng con ở Việt Nam sang Nga theo diện xuất khẩu lao động, Hoa luôn day dứt, áy náy không nguôi vì phải đánh đổi tình cảm với Bình để lấy sự mưu sinh cho bản thân, gia đình ở Việt Nam.

Từ đầu đến tập 13, Kiều Anh chỉ lặp đi lặp lại một kiểu diễn xuất lờ đờ, thiếu sức sống, gây cảm giác u uất cho người xem.

Một yếu tố “góp công” vào việc làm giảm đi hiệu suất diễn và cảm xúc của người xem chính là khâu lồng tiếng quá… kịch. Đây là nỗi đáng tiếc mà hiện rất nhiều bộ phim truyền hình gặp phải.

Ở nửa chặng đường sau, dàn diễn viên trẻ sẽ được “tiếp quản” bởi các tên tuổi dày dặn kinh nghiệm như: Chi Bảo (Hùng), Lê Vũ Long (Quang), Thanh Mai (Quyên), Hoa Thúy (Vân)… đang được khán giả chờ đợi và hi vọng sẽ mang đến sự khởi sắc cho nhân vật.

Trong đoạn trailer phim được giới thiệu trên Youtube, sự thay đổi này cũng kéo theo những xung đột mới, hứa hẹn sẽ hấp dẫn và kịch tính hơn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại