Vì sao Thiếu tướng Lê Đăng Dũng được chọn làm người đứng đầu Viettel?

Hoàng Ly - 7pm |

Ông Lê Đăng Dũng là thành viên gạo cội còn lại thuộc thế hệ F1 của Viettel và giữ vị trí Phó Giám đốc, Phó Tổng giám đốc lâu nhất trong lịch sử Tập đoàn. Vị trí cũng như uy tín của ông Dũng sẽ đảm bảo cho cuộc chuyển giao vị trí cao nhất đồng lòng và đoàn kết.

Tại Viettel, trước khi trở thành người đứng đầu, ông Lê Đăng Dũng là Bí thư Đảng ủy, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn và được coi là nhân vật số 2.

Trong Ban Tổng giám đốc, sau khi ông Hùng nhận nhiệm vụ mới, ông Dũng là thành viên gạo cội còn lại thuộc thế hệ F1 của Viettel (ông Dũng gia nhập Viettel năm 1996) khi công ty này còn là một đơn vị chuyên tham gia xây lắp các công trình viễn thông phục vụ Quân đội và dân sự.

Ông Dũng là người được ông Nguyễn Mạnh Hùng (hiện là Quyền Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông) giới thiệu vào chức Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc và được Thường vụ của Tập đoàn Viettel thống nhất tuyệt đối.

Trong Ban Tổng giám đốc Viettel, ông Dũng có cả vị trí cũng như uy tín để trở thành một đảm bảo cho sự chuyển giao vị trí cao nhất đồng lòng và đoàn kết. Tại Viettel, ông Dũng là người giữ vị trí Phó Giám đốc và Phó Tổng giám đốc lâu nhất trong lịch sử của Tập đoàn (16 năm).

Người đàn ông này cùng với ông Nguyễn Mạnh Hùng là 2 nhân vật quan trọng trong dự án lịch sử của Viettel: xây dựng tuyến cáp quang 1A của quân đội năm 1997 (trước khi Viettel được cung cấp dịch vụ viễn thông).

 Vì sao Thiếu tướng Lê Đăng Dũng được chọn làm người đứng đầu Viettel?  - Ảnh 1.

Trước khi trở thành người đứng đầu Viettel, ông Dũng có 5 năm giữ vị trí Bí thư Đảng ủy Tập đoàn. Hiện tại, ông Dũng vẫn giữ chức Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Viettel Global. Dưới sự điều hành trực tiếp của ông Lê Đăng Dũng, năm 2017, lĩnh vực đầu tư quốc tế của Viettel ghi nhận nhiều kỷ lục.

Với doanh thu đạt 1,25 tỷ USD, Viettel tiếp tục là công ty duy nhất tại Việt Nam có doanh thu từ đầu tư nước ngoài vượt ngưỡng tỷ đô. Dòng tiền về nước năm 2017 cao nhất trong lịch sử, tăng 31% so với 2016, đạt 233 triệu USD, tức là khoảng 5.300 tỷ đồng.

Con số này cao hơn tổng lợi nhuận của Tập đoàn viễn thông lớn thứ 2 ở Việt Nam là VNPT. Năm 2017, Viettel không kinh doanh thêm thị trường mới nhưng tốc độ tăng trưởng đầu tư quốc tế vẫn đạt 24,4%, gấp 6 lần tốc độ tăng trưởng trung bình của thế giới.

Trong buổi họp giao ban cuối cùng tại Tập đoàn Viettel trước khi được giao nhiệm vụ mới, ông Nguyễn Mạnh Hùng thông tin về nhân sự được mình giới thiệu vào vị trí tân Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Viettel là ông Lê Đăng Dũng.

Người sẽ trở thành Chủ tịch kế tiếp của Viettel sẽ có trách nhiệm cùng với Ban Tổng giám đốc đưa Viettel tiến mạnh mẽ vào kỷ nguyên 4.0 và cũng là giai đoạn phát triển thứ 4.

 Vì sao Thiếu tướng Lê Đăng Dũng được chọn làm người đứng đầu Viettel?  - Ảnh 3.

Trong tháng 8/2018, Tập đoàn Viettel sẽ tổ chức lễ bàn giao chiến lược giữa ông Nguyễn Mạnh Hùng và ông Lê Đăng Dũng, đánh dấu việc chính thức chuyển giao từ giai đoạn Viettel 3.0 sang giai đoạn 4.0 và toàn cầu.

Trước đó, Tập đoàn Viettel đã trải qua 3 giai đoạn phát triển. Giai đoạn thứ nhất (1989-2000) là một công ty xây lắp các công trình viễn thông phục vụ Quân đội và dân sự.

Giai đoạn thứ hai (2000-2010) tham gia lĩnh vực viễn thông, trở thành doanh nghiệp Viễn thông lớn nhất Việt Nam và bắt đầu kinh doanh ra thị trường nước ngoài. Giai đoạn thứ ba (từ năm 2011 đến nay) là trở thành Tập đoàn công nghiệp công nghệ cao.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại