Vì sao Tây Ban Nha thua: Càng cầm bóng nhiều, càng dễ "vỡ mặt"

Tiên Lâm |

"Họ cầm bóng nhiều hơn là bởi vì chúng tôi muốn họ làm như thế", HLV Ba Lan Adam Nawalka đã chẳng ngại ngùng phát biểu sau trận cầm hòa đương kim vô địch thế giới Đức.

1. Trước câu nói đấy, HLV này đã nói "Chúng tôi kiểm soát được mọi thứ". Trận đấu đấy, Đức kiểm soát bóng 63% (Ba Lan 37%), vượt trội hoàn toàn ở các chỉ số như đợt tấn công nguy hiểm (78 so với 21 của Ba Lan), sút (15/7).

Và ai cũng biết, trận đấu đấy, Ba Lan mới là đội tạo được nhiều cơ hội nguy hiểm thực sự hơn.

Quay lại với trận đấu đêm qua, trận đấu mà Croatia đã có màn trình diễn xuất sắc, dìm Tây Ban Nha xuống để đĩnh đạc bước lên ngôi nhất bảng D. Bàn thắng sớm của Tây Ban Nha, được ca tụng là "bàn thắng đáng ghi vào sách giáo khoa bóng đá" hóa ra lại đến từ một sai lầm.

Vì sao Tây Ban Nha thua: Càng cầm bóng nhiều, càng dễ vỡ mặt - Ảnh 1.

Pha nhận bóng rồi kiến thiết thành bàn của Fabregas hóa ra lại xuất phát từ một đường chọc khe sai của cầu thủ này.

Trước khi băng xuống nhận đường chọc khe của đồng đội để căng vào cho Morata ghi bàn, Fabregas đã có pha chọc khe bị trung vệ đối phương "bắt bài". Nhưng chính pha "bắt bài" thành công đấy lại khiến trung vệ Croatia theo đà băng ra cánh, không kịp quay về đúng vị trí để chặn đường chọc khe thứ 2.

Đấy là pha duy nhất trung vệ của Croatia bỏ chỗ, để Tây Ban Nha có cơ hội chọc khe vào vòng cấm địa. Còn lại suốt trận đấu, hàng thủ Croatia thi đấu cực kỳ kín kẽ và tuân thủ cực tốt chiến thuật, dù họ là đội cầm bóng ít hơn hẳn.

2. Toàn trận, Tây Ban Nha cầm bóng đến 68,2%, thực hiện 672 đường chuyền, trong đó 614 đường thành công (suýt soát 91,4%). Con số đấy bên phía Croatia chỉ là 76,6% (232/303).

Có điều gì chung giữa Đức và Tây Ban Nha, giữa Ba Lan và Croatia?

Với hai đội bóng được đánh giá thấp hơn, họ thấm nhuần một chân lý "ghi bàn từ phản công dễ hơn nhiều so với tấn công". Từ đó tránh tối đa các pha bị phản công, chấp nhận việc nhường bóng cho đối phương tấn công, và hạn chế những pha bị phản công.

Đúng như HLV Adam Nawalka đã nói, họ thà mời đội bạn tấn công, để rình rập chờ cơ hội phản công, còn hơn là chủ động tấn công, để rồi bị phản đòn. Nói đúng bản chất, họ muốn đối phương cầm bóng nhiều hơn.

Vì sao Tây Ban Nha thua: Càng cầm bóng nhiều, càng dễ vỡ mặt - Ảnh 2.

672 đường chuyền "thêu hoa dệt gấm" của Tây Ban Nha phủ kín gần hết sân cỏ, nhưng họ vẫn "lấm lưng trắng bụng" trước Croatia chỉ ở hữu bóng có 31,8%.

Đức và Tây Ban Nha rõ ràng được đánh giá cao hơn đối thủ, và họ bắt buộc phải tấn công, và công việc họ làm rõ ràng vất vả hơn, khi đối phương luôn có được sự chuẩn bị tốt trong việc chống đỡ những pha tấn công được triển khai từ giữa sân.

Thêm một điểm chung nữa, cả Tây Ban Nha và Đức đều thiếu mất những chân sút "sát thủ" để có thể tự giải quyết tình huống, thay vì chờ đồng đội "mớm cơm tận miệng".

Đức mới chỉ có 1 bàn thắng đến từ tiền đạo đích thực - Mario Gomez, trước đội bóng yếu xìu Bắc Ireland. Hai bàn thắng ở trận đầu tiên đến từ một hậu vệ và một tiền vệ trung tâm. Trận thứ hai, họ thậm chí không ghi nổi bàn thắng.

Morata đã có đến 3 bàn thắng tại Euro lần này, nhưng tất cả đều là những bàn thắng cận thành, trong tư thế cực kỳ thoải mái và ngon ăn. Và khi không thể đập bóng hay chọc khe vào tận vòng cấm để "dọn cỗ" cho tiền đạo, Tây Ban Nha "tắt điện".

3. Thực tình, câu chuyện cầm bóng nhiều hơn, nhưng lại phải ôm hận trước đối thủ yếu hơn chẳng phải là câu chuyện của riêng Đức hay Tây Ban Nha, nó là vấn đề của tất cả các đội bóng mạnh ở kỳ Euro lần này, và Tây Ban Nha chỉ là đội cuối cùng "ăn đòn" với cùng kịch bản.

Vì sao Tây Ban Nha thua: Càng cầm bóng nhiều, càng dễ vỡ mặt - Ảnh 3.

Bồ Đào Nha cầm bóng đến 72,2%, để rồi chỉ hòa trước Iceland với bàn thắng đến từ pha kết thúc hiếm hoi của đối thủ.

Chẳng phải tuyển Anh, với dàn tấn công cực kỳ hùng mạnh đã phải "ngậm đắng" trước Nga, chút xíu nữa cũng "dính bẫy" tương tự trước xứ Wales, rồi Slovakia, dù tỷ lệ cầm bóng của "Tam sư" ở những trận này lần lượt là 52,3; 69,7 và 60,6% đó sao.

Tương tự, ở trận hòa với Iceland, Bồ Đào Nha cầm bóng đến 72,2%, có số lượng đường chuyền thành công cao gấp hơn 4 lần đối thủ. Pháp cũng cầm bóng đến 60%, nhưng chỉ thắng được Albania bằng 2 bàn thắng ở phút cuối cùng của giờ thi đấu chính thức và phút bù giờ thứ 5.

4. Khi Euro tăng số lượng lên 24 đội tham dự vòng chung kết, những cặp đấu có độ chênh lệch lớn xuất hiện càng nhiều, và những đội bóng nhỏ buộc phải có đấu pháp thích hợp để đối phó với những đối thủ quá tầm, cũng là lúc sự đơn điệu trong tấn công của các đội bóng lớn lộ ra.

Họ sẵn sàng chơi rất hay khi gặp phải những đối thủ có cùng đẳng cấp, ngang phân, nhưng lại chơi "như gà mắc tóc" trước những đối thủ biết thu mình, gồng lên chống đỡ trước khi nghĩ đến chuyện lật ngược tình thế.

Vì sao Tây Ban Nha thua: Càng cầm bóng nhiều, càng dễ vỡ mặt - Ảnh 4.

Không ít đội bóng nhỏ có được niềm vui khi chủ động "nhường" bóng cho đối thủ.

Bài học lớn nhất chẳng ở đâu xa. Man United trong tay HLV Louis van Gaal luôn tự hào về thời lượng cầm bóng trên sân, nhưng cứ gặp những đội bóng nhỏ, luôn xác định chơi phòng ngự, thậm chí là phòng ngự tiêu cực, thì đều không thể ghi bàn, thậm chí thua ngược.

Atletico Madrid mùa giải vừa qua cũng vượt qua lần lượt Barcelona, Bayern Munich và chỉ chịu thua Real Madrid trong trận chung kết Champions League trên chấm phạt đền cũng vì nắm rõ và vận hành cực kỳ thành công đấu pháp này.

Thêm một lý do nữa, châu Âu đang cực kỳ thiếu những chân sút có thể tự mình xoay đổi cục diện trận đấu với những pha độc diễn làm nản lòng hàng phòng ngự đối phương. Họ là những Messi, Neymar, Luis Suarez. Còn Ronaldo, Gareth Bale rất tiếc lại "cô đơn" khi trình độ vượt hẳn đồng đội.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại