Hãng thông tấn TASS đưa tin, ngày 16/3 Tổng thống Syria Bashar Al Assad tuyên bố rằng bất kỳ đề xuất nào của Nga về việc bổ sung các căn cứ quân sự mới ở Syria hoặc tăng số lượng nhân viên, đều sẽ được hoan nghênh.
“Tôi muốn nói về sự cân bằng quốc tế và sự hiện diện của Nga ở Syria liên quan đến vấn đề cân bằng quyền lực, vì Syria nằm ở bờ biển Địa Trung Hải. Ngày nay, các siêu cường không thể tự bảo vệ mình thể hiện vai trò của mình khi chỉ ở bên trong biên giới của họ. Vì vậy họ cần phải làm điều đó bên ngoài biên giới của mình với sự giúp đỡ của các đồng minh hoặc với các căn cứ ở nước ngoài”, Tổng thống Bashar Al Assad tuyên bố.
Ông Bashar al-Assad nói thêm: “ Chúng tôi nghĩ rằng việc mở rộng sự hiện diện của Nga ở Syria là một điều tốt ”. Tuyên bố của ông Bashar al-Assad cung cấp một dấu hiệu cho thấy việc mở rộng căn cứ của Nga ở Syria có thể đang được lãnh đạo hai bên thảo luận hoặc là đã được quyết định. Ông Assad đã gặp người đồng cấp Nga Vladimir Putin tại Moskva vào ngày hôm trước (15/3) và tái khẳng định sự ủng hộ của Syria đối với các hoạt động quân sự của Nga ở Ukraine.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Syria Bashar al-Assad (Ảnh TASS)
Cùng với Nam Yemen, Syria được coi là đối tác chiến lược và an ninh thân cận nhất của Liên Xô cũ ở Trung Đông trong Chiến tranh Lạnh. Mối quan hệ hai bên đã được cải thiện đáng kể sau khi ông Vladimir Putin trở lại làm Tổng thống vào năm 2012 và ba năm sau đó, Nga tiến hành can thiệp quân sự quy mô lớn để hỗ trợ Syria chống lại lực lượng nổi dậy do phương Tây hậu thuẫn.
Nga hiện đang duy trì hai cơ sở quân sự ở Syria, bao gồm căn cứ không quân Khmeimim được đưa vào hoạt động từ tháng 8/2015 và căn cứ hải quân Tartus trên bờ biển Địa Trung Hải, cả hai đều nằm ở phía đông tỉnh Latakia. Máy bay của Nga đã có lúc được triển khai tới các cơ sở khác trong nước, đặc biệt là vào năm 2016 trong thời kỳ cao điểm của các hoạt động chung chống nổi dậy.
Latakia có vị trí gần biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ, điều đó có nghĩa thành phố này sẽ là mục tiêu hàng đầu cho các cuộc tấn công của các nhóm chiến binh thánh chiến có liên hệ với Al Qaeda. Theo một số nguồn tin, hiện Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia ủng hộ lớn nhất cho các nhóm thánh chiến trong số các quốc gia có biên giới với Syria, điều đó tạo ra một mối đe dọa rất lớn cho đất nước này.
Sự can thiệp của Nga được giới phân tích đánh giá là một biện pháp nhằm ngăn chặn Thổ Nhĩ Kỳ và các đối tác phương Tây, cũng như Jordan nước giáp biên giới phía đông với Syria, thiết lập cái mà họ gọi là "vùng an toàn" trên lãnh thổ Syria. Đây sẽ là nơi mà phương Tây và đồng minh triển khai lực lượng để hỗ trợ cho quân nổi dậy mà họ hậu thuẫn và áp đặt các vùng cấm bay.
Lực lượng quân đội Mỹ tuần tra các mỏ dầu ở miền đông Syria. (Ảnh: AP)
Mặc dù sự can thiệp quân sự của Nga là chìa khóa để ngăn chặn sự sụp đổ hoàn toàn của nhà nước Syria, nhưng phần lớn vùng đông bắc Syria vẫn nằm dưới sự kiểm soát của các nhóm liên kết với Al Qaeda và tiếp tục được quân đội Thổ Nhĩ Kỳ bảo vệ.
Theo đó, những nỗ lực của Syria nhằm đẩy các lực lượng dân quân khủng bố ra khỏi lãnh thổ của họ đã liên tục vấp phải các cuộc tấn công trực tiếp và quy mô lớn của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ.
Đông Bắc Syria hiện còn nằm dưới sự kiểm soát của quân đội Mỹ, nơi đây chiếm khoảng 80 phần trăm sản lượng dầu mỏ của Syria. Với sự hỗ trợ của một số dân quân địa phương cũng như một số đơn vị từ các đồng minh như Na Uy, đã và đang giúp Mỹ tiếp tục chiếm đoạt trữ lượng dầu ở khu vực này.
Những khoản tiền thu được từ số dầu mỏ trên sẽ bổ sung cho các nỗ lực chiến tranh mà phương Tây đang tiến hành đối với Syria, thông qua việc hỗ trợ lực lượng nổi dậy với mục tiêu ngăn chặn sự phục hồi về hiện trạng lãnh thổ trước chiến tranh của quốc gia này.
Sự hiện diện quân sự của Nga ở Syria đã phát triển nhanh chóng kể từ khi Nga bắt đầu hỗ trợ các hoạt động chống nổi dậy của Syria vào cuối năm 2015. Trọng tâm là các căn cứ của Nga, ban đầu với mục tiêu chống lại các nhóm nổi dậy do phương Tây và Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn, sau đó đã chuyển sang chống lại các lực lượng NATO một cách trực tiếp.
Máy bay chiến đấu Su-35 của Không quân Nga tại căn cứ Khmeimim.
Điều này được phản ánh thông qua các loại vũ khí, khí tài mà Nga triển khai tại Syria. Thay đổi đáng chú ý nhất là việc mở rộng các đường băng tại căn cứ không quân Khmeimim để tiếp nhận máy bay ném bom Tu-22M và máy bay chiến đấu MiG-31K. Cả hai loại máy bay này đều triển khai được vũ khí siêu thanh có khả năng tấn công vào lãnh thổ khối NATO từ sườn phía nam của châu Âu.
Nga lần đầu tiên triển khai các vũ khí hiện đại để chống lại quân đội NATO từ tháng 12/2015, sau khi không quân Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ một máy bay chiến đấu Su-24M của không quân Nga, để yểm trợ cho các nhóm thánh chiến nổi dậy ở phía tây Syria. Từ cuối năm 2015 đến đầu năm 2016, quân đội Nga bắt đầu triển khai hệ thống phòng không S-400 và máy bay chiến đấu chiếm ưu thế trên không Su-27SM3 và Su-35.
Sự hiện diện quân sự lớn hơn của Nga ở Syria có thể chứng kiến một loạt các khí tài hiện đại khác được triển khai, sự hiện diện của lực lượng không quân Nga trải rộng trên nhiều căn cứ hơn và căn cứ hải quân Tartus sẽ mở rộng hơn nữa thành một căn cứ hải quân lớn.
Máy bay ném bom Tu-22M3 đầu tiên của Nga đến căn cứ không quân Khmeimim.
Vị trí của Syria mang lại lợi ích chiến lược quan trọng cho quân đội Nga khi nước này tiếp tục có mối quan hệ căng thẳng với NATO. Với mức chi tiêu quốc phòng của Nga được dự đoán cao hơn nhiều trong thập kỷ tới có khả năng sẽ là chìa khóa để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động quân sự mở rộng này.
Chính quyền Syria sẽ là bên hưởng lợi chính, vì càng có nhiều lực lượng Nga trên lãnh thổ của mình có thể gây thêm áp lực buộc các lực lượng Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ phải rút lui. Hiện những lực lượng này được cho là đang thực hiện các hoạt động chiếm đóng bất hợp pháp mà không có sự cho phép của Syria hoặc các ủy ban của Liên hợp quốc.