Theo Lịch Vạn niên, năm 2024 có ngày 30 tháng Chạp, tức ngày 30/12 Âm lịch. Tuy nhiên, phải tới năm 2033 mới lại có ngày 30 tháng Chạp (30 Tết nguyên đán), còn từ năm 2025-2032 tháng Chạp chỉ có 29 ngày. Điều đó có nghĩa là sau Tết Nguyên đán năm nay, phải 8 năm nữa mới lại có ngày 30 Tết.
Lý giải về hiện tượng này trên tờ VTC News, ThS Trần Tiến Bình, nguyên cán bộ Ban Lịch Nhà nước, sau này là Phòng Nghiên cứu lịch, Trung tâm Thông tin Tư liệu, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết: Ngày mồng 1 Âm lịch là ngày mà Trái đất, Mặt trăng, Mặt trời nằm thẳng hàng; Mặt trăng quay nửa tối về phía Trái đất.
Dân gian xưa gọi đây là ngày không trăng, hay ngày Sóc. Điểm Sóc (Trái đất, Mặt trăng, Mặt trời thẳng hàng) rơi vào ngày nào (ở bất cứ thời điểm nào trong ngày, từ 0h đến 24h) thì ngày đó là mồng 1 Âm lịch.
Tháng Âm lịch chính là khoảng cách giữa hai ngày Sóc. Độ dài tháng Âm lịch chỉ thay đổi trong khoảng từ 29,27 ngày đến 29,84 ngày, trung bình là 29,53 ngày và các nhà làm lịch làm tròn thành 29 ngày (tháng thiếu) và 30 ngày (tháng đủ). Điều này dẫn đến hiện tượng một số năm không có ngày 30 tháng Chạp.
Theo chuyên gia Trần Tiến Bình, việc tính toán chuyển động các thiên thể rất phức tạp, nhất là đối với Mặt Trăng do bị ảnh hưởng nhiễu loạn sức hút từ Mặt Trời, Trái Đất, các hành tinh khác và hình dạng không đều của khối cầu Trái Đất cũng như Mặt Trăng.
"Cho nên không có ý nghĩa gì khi thống kê các tháng Chạp đủ, thiếu ở các năm mà tất cả phụ thuộc vào sự tính toán chính xác ở từng thời điểm cụ thể. Chẳng hạn các năm: 2014, 2015, 2017, 2018, 2019, 2020, 2021 có các tháng Chạp đủ (30 ngày) nhưng đến 2022 có tháng Chạp thiếu (29 ngày) và sang năm 2023 và 2024 lại đủ. Rồi tiếp tục là các tháng Chạp thiếu cho đến năm 2033 mới lại thấy tháng Chạp đủ," TTXVN dẫn lời chuyên gia Trần Tiến Bình.
Chia sẻ thêm về hiện tượng trên với tờ Thanh niên, anh Phạm Vũ Lộc, nghiên cứu viên tại Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, Viện hàn lâm Khoa học công nghệ Việt Nam cho biết, một tháng Âm lịch phải theo sát sự thay đổi pha của mặt trăng từ không trăng, trăng lưỡi liềm, trăng bán nguyệt, trăng khuyết, trăng tròn và ngược lại. Mỗi tháng bắt đầu vào ngày không trăng, tức là ngày mà mặt trăng ở cùng phía với mặt trời. Thời điểm này được gọi là điểm Sóc và nó rơi vào ngày nào thì ngày đó sẽ là ngày mùng 1 đầu tháng Âm lịch.
Thời gian từ điểm Sóc này tới điểm Sóc tiếp theo (gọi là tuần trăng) dài ngắn tùy mỗi tháng. Đó là do quỹ đạo của trái đất quanh mặt trời và quỹ đạo của mặt trăng quanh trái đất là hình bầu dục chứ không tròn, nên tốc độ di chuyển của mặt trời và mặt trăng trên bầu trời không đều, khiến cho thời gian để chúng gặp lại nhau (gọi là giao hội) hàng tháng không bằng nhau.
Theo đó, tuần trăng dài trung bình 29 ngày 12 giờ 44 phút và dao động hơn kém giá trị này tới 7 tiếng đồng hồ. Hệ quả là từ điểm Sóc này (tính là ngày mùng 1) tới điểm Sóc tiếp theo có thể rơi vào ngày thứ 30 hoặc sang ngày thứ 31. Ngày này trở thành ngày mùng 1 tháng tiếp theo và tháng trước đó tương ứng sẽ có 29 hoặc 30 ngày (gọi là tháng thiếu hoặc đủ).