Vì sao Sri Lanka khẩn trương nối lại đàm phán thương mại với Trung Quốc?

Bảo Hà |

Sri Lanka đã nối lại các cuộc đàm phán về thỏa thuận thương mại tự do với Trung Quốc trong hai tháng qua giữa bối cảnh quốc đảo Nam Á này tìm cách ổn định xã hội dưới sự lãnh đạo của chính quyền mới.

Cảng biển Hambantota tại Sri Lanka. Ảnh: AFP

Cảng biển Hambantota tại Sri Lanka. Ảnh: AFP

“Các cuộc đàm phán đang diễn ra không phải ở cấp cao, mà ở cấp độ chính thức. Chúng tôi đang vội vì chúng tôi muốn thấy nhiều hàng hóa hơn được tiếp cận thị trường Trung Quốc”, Đại sứ Sri Lanka tại Bắc Kinh Palitha Kohona trả lời phỏng vấn tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP).

Theo nhà chức trách, hai bên sẽ xem xét một thỏa thuận thương mại “bất đối xứng” để phù hợp với sự chênh lệch quy mô giữa hai nền kinh tế.

Theo Bộ Thương mại Trung Quốc, các cuộc đàm phán khởi động từ năm 2014 đã được tổ chức tới vòng thứ năm vào năm 2017, khi hai bên trao đổi quan điểm về thương mại, đầu tư và hợp tác kinh tế.

Bộ Thương mại cho biết hiệp định thương mại tự do Sri Lanka – đối tác tiềm năng lớn thứ 3 của Trung Quốc ở Nam Á chỉ sau Pakistan và Maldives - đang được đàm phán.

Đại sứ Kohona chia sẻ Trung Quốc biết Sri Lanka đã trở lại bình thường sau những bất ổn xã hội hồi đầu năm và mặc dù các vấn đề tài chính vẫn còn tồn đọng, đảo quốc này đã ổn định hơn nhiều so với hai hoặc ba tháng trước.

Trong tháng 9, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã đạt được thỏa thuận sơ bộ cho khoản vay 2,9 tỷ USD để giúp Sri Lanka khắc phục tình trạng lạm phát và tình trạng thiếu hụt các nhu yếu phẩm hàng ngày gây ra bạo loạn trước đó. Sri Lanka dự kiến ​​hội đồng IMF phê duyệt khoản vay vào cuối năm nay.

Nhiều năm quản lý kinh tế yếu kém cộng thêm đại dịch COVID-19 đã khiến Sri Lanka rơi vào cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ khi giành độc lập từ Anh vào năm 1948. Hồi tháng 7, cựu tổng thống Gotabaya Rajapaksa đã rời khỏi đất nước và từ chức trước sức ép từ các cuộc biểu tình bạo lực.

Các nhà phân tích nhận định một hiệp định thương mại tự do với Sri Lanka sẽ giúp các mặt hàng xuất khẩu Trung Quốc tiếp cận thị trường 22 triệu dân, như các sản phẩm điện tử và hóa dầu.

Trung Quốc đã tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng ở Sri Lanka, và kể từ năm 2017, nước này được quyền vận hành Cảng quốc tế Hambantota do khoản nợ 1,4 tỷ USD dùng để xây dựng cảng chưa được hoàn trả.

Tuy nhiên, Đại sứ Kohona cho biết cơ sở hạ tầng do Trung Quốc tài trợ không được đưa ra thảo luận trong khuôn khổ các cuộc đàm phán thương mại đang diễn ra.

Trung Quốc đang phát triển một mạng lưới hiệp định thương mại tự do thế giới khi quan hệ với các đối tác quan trọng như Australia và Mỹ suy giảm trong 4 năm qua.

James Chin, Giáo sư nghiên cứu về châu Á tại Đại học Tasmania ở Australia, nhận định: “Đối với người Trung Quốc, thỏa thuận thương mại là để củng cố hơn nữa mối liên kết đối với Sri Lanka”.

Jayant Menon, một thành viên cấp cao của Chương trình Nghiên cứu Kinh tế Khu vực của Viện ISEAS-Yusof Ishak tại Singapore, cho biết thỏa thuận với Trung Quốc cũng sẽ giúp Sri Lanka nói với thế giới rằng nước này ổn định.

Một hiệp định thương mại tự do sẽ giúp ích nhiều hơn cho Sri Lanka nếu nước này mở cửa du lịch đối với người Trung Quốc cũng như đối với các lô hàng dệt, may và chè được miễn thuế.

Theo Đại sứ Kohona, chè đen là mặt hàng xuất khẩu chính của Sri Lanka sang Trung Quốc trước các mối cạnh tranh với Ấn Độ và Kenya.

Theo dữ liệu của Phòng thí nghiệm truyền thông thuộc Viện Công nghệ Massachusetts, Trung Quốc đã xuất khẩu khoảng 4 tỷ USD hàng hóa sang Sri Lanka vào năm 2020 và chấp nhận nhập khẩu 266 triệu USD hàng hóa của Sri Lanka. Xuất khẩu từ Sri Lanka sang Trung Quốc cũng đạt 275 triệu USD vào năm ngoái. Sri Lanka sẽ ít phụ thuộc hơn vào hàng nhập khẩu của châu Âu và Mỹ với hàng hóa Trung Quốc giá thấp hơn.

Đại sứ Kohona tiết lộ Trung Quốc và Sri Lanka đã đưa ra ý tưởng tự do hóa 80% hàng hóa được giao dịch. Hai nước đang nỗ lực ấn định ngày đàm phán chính thức song chưa thống nhất được một mốc thời gian.

Về phần mình, Bộ Thương mại Bắc Kinh từ chối bình luận về các cuộc đàm phán với Sri Lanka hoặc liệu khoản vay của IMF có ảnh hưởng đến các cuộc đàm phán hay không.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại