Lực lượng Y tế tỉnh Bình Dương lấy mẫu xét nghiệm cho người dân để phòng, chống Covid-19
Tính đến hết ngày 30-8, Bình Dương ghi nhận 6.050 ca mắc Covid-19 mới, nâng tổng số ca mắc Covid-19 trong đợt dịch thứ 4 lên 110.258 ca, có 2.328 bệnh nhân Covid-19 được điều trị khỏi bệnh.
Tính đến ngày 27-8 toàn tỉnh Bình Dương có 24 khu điều trị bệnh nhân Covid-19, với số giường trên địa bàn tỉnh hiện đáp ứng điều trị được 18.927 người, hiện tỉnh đang điều trị tập trung cho 16.349 bệnh nhân, 716 người tử vong . Với con số tử vong này, tỉnh Bình Dương được đánh giá là đang điều trị đúng hướng với tỉ lệ tử vong thấp.
Trước đó, báo cáo Thủ tướng Phạm Minh Chính,Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 cùng đoàn công tác kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch theo tinh thần "xuống tận nơi, mắt thấy tai nghe việc chống dịch và bảo đảm cuộc sống của nhân dân tại xã, phường" tại tỉnh Bình Dương ngày 27-8, PGS.TS.BS Nguyễn Lân Hiếu (người được Bộ Y tế cử vào Bình Dương hỗ trợ công tác điều trị tại Bình Dương) cho rằng với quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của tỉnh là bóc tách nhanh F0 ra khỏi cộng đồng, hạn chế ca F0 tăng nhanh, giảm thiểu thấp nhất tử vong, tỉnh đã chỉ đạo thần tốc trong công tác xét nghiệm diện rộng, điều tra dịch trễ, truy vết, cách ly, lấy mẫu; những nơi nào đã xét nghiệm sàng lọc phải khóa chặt, kiểm soát người ra, người vào; thực hiện trả kết quả xét nghiệm nhanh nhất có thể để bóc tách và chuyển nhanh F0 đưa đi cách ly.
Thực hiện phân tầng theo mô hình 3 cấp để giảm tải cho các cơ sở điều trị tuyến tỉnh, đồng thời điều phối F0 giữa 3 tầng. PGS.TS.BS Nguyễn Lân Hiếu nhấn mạnh hệ thống điều trị theo mô hình "tháp 3 tầng" của tỉnh đang đi đúng hướng nhằm kéo giảm tử vong đến mức thấp nhất.
Trong khi đó BS CKII Huỳnh Minh Chín, Giám đốc Trung tâm y tế Thị xã Tân Uyên, cho biết số bệnh nhân công bố khỏi bệnh của Bình Dương trong các ngày gần đây ở tầng 2- nơi điều trị bệnh nhân Covid-19 có triệu chứng nhẹ và trung bình, liên tục tăng nhanh là nhờ tăng cường nhân lực của trung tâm vào hệ thống điều trị; giám sát chặt chẽ người bệnh, không để bệnh nhân diễn biến trở nặng mà thầy thuốc không được biết; thực hiện đúng phác đồ điều trị của Bộ Y tế, PGS. TS. BS Nguyễn Lân Hiếu và Sở Y tế hướng dẫn.
Ngoài ra, cách tiếp nhận thông tin về người bệnh từ nhiều nguồn như điện thoại của người dân, tổng đài viên, tổ trưởng dân phố, công an khu vực sau đó cử người ngay xuống sơ cứu cấp cứu, tiến hành thu dung, phân loại điều trị, nếu nặng sẽ chuyển lên tuyến cao hơn cũng đã giảm được số ca tử vong.
Bên cạnh đó, việc thực hiện chiến lược vừa phân tán vừa tập trung, lấy xã phường làm pháo đài đã cho thấy hiệu quả khi đưa dịch vụ y tế tới gần người dân hơn, nhanh hơn, thân thiện hơn nhờ vậy trong đợt nhận bệnh nhân thứ 2 cơ sở này không có bệnh nhân nào phải chuyển lên tuyến trên, quán triệt công tác tiền trạm, tiếp cận ngay khi người bệnh có nhu cầu là rất quan trọng.
"Phương châm chuyển từ tập trung sang vừa tập trung vừa phân tán, điều trị ngay từ cơ sở, tuyến trên tập trung điều trị các ca nặng là điều hoàn toàn đúng, bên cạnh đó muốn giảm tử vong phải phát hiện F0 sớm, phải chạy chữa từ sớm từ xa, từ cơ sở", BS CKII Huỳnh Minh Chín, Giám đốc Trung tâm y tế Thị xã Tân Uyên cho biết.
Theo ông Nguyễn Hồng Chương, Giám đốc Sở Y tế Bình Dương đến thời điểm này, tỉnh Bình Dương đã tiêm được 801.601 liều (gồm 767.020 mũi 1 và 34.581 mũi 2). Tuy nhiên công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại Bình Dương hiện còn vô vàn khó khăn, không thể chủ quan, năng lực điều trị của Bình Dương đang gặp áp lực rất lớn, hệ thống y tế đang bị quá tải...
Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo công tác phòng, chống dịch tại Bình Dương
Tại buổi làm việc với đoàn của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết hiện Bình Dương đang chuẩn bị cho kế hoạch ứng phó khi số ca nhiễm dự báo trong 2 tuần tới tăng lên 150.000 ca.
Do đó kiến nghị Chính phủ, Bộ Y tế tiếp tục phân bổ vắc-xin để tiêm cho khoảng 2 triệu người ở khu vực "vùng đỏ" trên địa bàn tỉnh và hỗ trợ thuốc điều trị bệnh nhân Covid-19.
Trong thời gian tới, nhiều đoàn chi viện kết thúc hỗ trợ Bình Dương, tỉnh sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp tục điều trị cho bệnh nhân Covid-19. Ngay như hiện tại, Bình Dương đang thiếu hụt nhân lực y tế cho 100 trạm y tế lưu động (mỗi trạm 1 bác sĩ, 2 điều dưỡng) để ứng cứu ngoại viện cho người dân cần hỗ trợ.
Bình Dương đề nghị Bộ Y tế, các địa phương xem xét tiếp tục chi viện cho tỉnh. Ngoài ra, đề nghị Bộ Quốc phòng tiếp tục hỗ trợ 50 bác sĩ hồi sức cấp cứu, 50 bác sĩ chuyên khoa, 100 điều dưỡng hồi sức, cấp cứu có kinh nghiệm; 100 điều dưỡng, kỹ thuật viên. Hỗ trợ 10 máy thở xâm lấn, 20 máy thở không xâm lấn, 2 hệ thống oxy dòng cao HFNO, 4 máy X-quang di động, 100 máy đo SPO2 cầm tay.
Do tình hình dịch bệnh diễn biến hết sức phức tạp, dự kiến lên 150.000 F0 nên nhu cầu kinh phí phục vụ cho công tác phòng, chống dịch tăng nhanh và vượt quá khả năng cân đối ngân sách của địa phương (dự kiến 12.242 tỉ đồng), do đó Bình Dương tạm tính sẽ thiếu hụt 7.652 tỉ đồng.
Theo đó, UBND tỉnh Bình Dương đề xuất Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính xem xét, có phương án hỗ trợ cho địa phương số tiền trên. Trường hợp cấp bách, cho phép địa phương được điều chỉnh giảm dự toán chi đầu tư phát triển (đầu tư công) năm 2021 và được sử dụng nguồn cải cách tiền lương chưa sử dụng của tỉnh để bổ sung kịp thời kinh phí cho công tác phòng, chống dịch.