Vì sao smartphone Trung Quốc lại có giá rẻ nhất thị trường?

Thanh |

Smartphone đến từ Trung Quốc đang tấn công thị trường bởi thế mạnh về cấu hình mạnh và mức giá rẻ.

Khi sử dụng một chiếc điện thoại Trung Quốc, bạn sẽ bị bất ngờ bởi khả năng hoạt động mượt mà của chúng, mặc cho giá chỉ bằng 1/2, thậm chí 1/3 so với các đối thủ tương đương.

Thế nhưng liệu các nhà sản xuất smartphone Trung Quốc đang "làm từ thiện", hay có một bí mật nào đó đằng sau mức giá "giật mình" này?

Nhân công giá rẻ

Một trong những lý do phổ biến nhất dẫn đến giá rẻ của điện thoại Trung Quốc cũng như rất nhiều sản phẩm khác đến từ đây chính là chi phí nhân công.

Đây là một trong những đất nước có chi phí nhân công thấp nhất thế giới, giúp tiết kiệm rất nhiều chi phí sản xuất cho một chiếc smartphone.

Gần đây, đã có một số thông tin cho biết nếu như Foxconn di chuyển dây chuyền sản xuất iPhone từ Trung Quốc sang Mỹ sẽ khiến cho giá của chiếc điện thoại này tăng lên gấp đôi.

Mặc dù câu chuyện này không thật sự liên quan đến chủ đề chính, nó cũng cho ta thấy chi phí nhân công đóng vai trò quan trọng thế nào trong một sản phẩm điện tử.

Khác với Apple, Samsung hay Sony, các nhà sản xuất như Xiaomi, Huawei hoặc Meizu cũng tận dụng lợi thế sản xuất smartphone trong nước nhằm giảm thiểu chi phí vận chuyển.

Những sự cắt giảm này sau đó được phản ánh trực tiếp qua giá bán sản phẩm.

Sử dụng các linh kiện có chất lượng thấp hơn

Khi mua một chiếc điện thoại Android, người dùng thường để ý đến các thông số cấu hình vì đây là đặc điểm dễ để phân biệt nhất giữa các sản phẩm.

Theo quan niệm của nhiều người thì "cứ lớn hơn là tốt hơn", và không ít nhà sản xuất Trung Quốc đã lợi dụng yếu tố này để khiến người dùng lựa chọn sản phẩm của mình, trong khi thực tế thì mọi chuyện lại khác.

Ví dụ dễ thấy nhất là việc nhiều smartphone Trung Quốc được quảng cáo sở hữu "CPU lõi tám, cho khả năng xử lý mạnh mẽ hơn các sản phẩm với lõi tứ và lõi đôi".

Nhưng không phải ai cũng biết rằng, những con chip này đến từ các nhà sản xuất kém tên tuổi hơn như MediaTek MT6592, cho hiệu năng thấp hơn đáng kể so với các con chip lõi tứ như Snapdragon 820, hay thậm chí là lõi kép như Apple A9.

Thế nhưng, do đa số người dùng chỉ nghĩ đơn giản rằng "8 lớn hơn 4", vậy nên sản phẩm Trung Quốc vẫn khiến họ bị lầm tưởng về hiệu năng thật sự mà nó đem lại.

Vì sao smartphone Trung Quốc lại có giá rẻ nhất thị trường? - Ảnh 1.

Quảng cáo của một chiếc điện thoại Trung Quốc được bôi đậm ở dòng chữ "Chip lõi tám" (Octa Core Processor) để đánh lừa người dùng, nhưng thực chất hiệu năng của nó là không tốt chút nào

Trong khi với chip thì người dùng thường so sánh về số nhân, thì độ phân giải là yếu tố được đem ra cân đo, đong đếm khi xét về camera.

Các smartphone Trung Quốc thường co số "chấm" rất cao, nhiều sản phẩm với mức giá chỉ 2-3 triệu cũng đạt đến 13MP. Trong khi đó, hàng loạt các siêu phẩm như iPhone 7, Galaxy S7 đều có camera với độ phân giải chỉ 12MP.

Liệu nó có đồng nghĩa với việc camera của máy Trung Quốc tốt hơn? Đương nhiên là không!

Mạnh về thông số, nhưng chất lượng ảnh của máy Trung Quốc thường không tốt do sử dụng cảm biến giá rẻ, đến từ các nhà sản xuất như OmniVision (vốn cho chất lượng thấp hơn cảm biến Sony trên các máy cao cấp), hệ thống ống kính quang học không tốt và phần mềm sơ sài.

Cắt giảm chi phí RnD nên chỉ biết copy đối thủ

Trong mức giá của một chiếc smartphone, ngoài chi phí sản xuất và linh kiện thì một yếu tố khác chiếm một tỷ lệ lớn trong đó là chi phí nghiên cứu và phát triển sản phẩm (Research and Development - RnD).

Các nhà sản xuất smartphone lớn thường phải bỏ ra hàng tỷ USD mỗi năm cho việc bổ sung các công nghệ, đột phá mới.

Tuy nhiên, các nhà sản xuất đến từ Trung Quốc lại không làm vậy. Thay vào đó, họ chờ đợi và sao chép. Điều này khiến các sản phẩm Trung Quốc có tính cạnh tranh rất cao trên thị trường do sở hữu đầy đủ các công nghệ mới, nhưng giá lại cực rẻ nhờ chi phí RnD đã bị cắt giảm.

Vì sao smartphone Trung Quốc lại có giá rẻ nhất thị trường? - Ảnh 2.

Các nhà sản xuất Trung Quốc thường mang những ý tưởng trên các sản phẩm đình đám như Apple iPhone hay Samsung Galaxy về sản phẩm của mình nhằm tăng tính cạnh tranh

Ví dụ gần đây nhất mà chúng ta được chứng kiến là công nghệ màn hình cong tràn hai cạnh được Samsung khởi xướng.

Khởi đầu với chiếc Galaxy S6 edge, sau gần hai năm thì chúng ta đã có hàng loạt sản phẩm Trung Quốc tương tự như Vivo Xplay6, Huawei Mate 9 Pro hay Xiaomi Mi Note 2, trong khi mức giá chỉ bằng 1/2 so với "hàng xịn".

Mặc dù vậy, hàng sao chép thì vẫn cứ là sao chép, chất lượng của màn hình cong trên những chiếc máy này vẫn không thể so sánh với những gì Samsung có thể làm được. Bởi một lẽ đơn giản, đầu tư cho công nghệ cao hơn tất nhiên sẽ cho ra sản phẩm chất lượng hơn.

Không chỉ khía cạnh công nghệ, cả ba sản phẩm trên đều có thiết kế gần như là bản sao của Samsung Galaxy S7 Edge hay Galaxy Note7.

Thiết kế cũng là điểm yếu của đa số sản phẩm Trung Quốc, khi họ thường phải ở vị thế của người đi sau và chạy theo các sản phẩm thành công trên thị trường, chứ rất hiếm khi là người đặt ra xu thế mới.

Hãy cứ nhìn ra thị trường mà xem, bạn hoàn toàn có thể bắt gặp những mẫu smartphone Trung Quốc giống hệt iPhone về thiết kế nhưng vẫn vô tư bày trên kệ hàng.

Vì sao smartphone Trung Quốc lại có giá rẻ nhất thị trường? - Ảnh 3.

Đố bạn đâu là iPhone, đâu là điện thoại của Oppo? (Hình Avatar)

Cài sẵn ứng dụng rác

Không chỉ tự mình tìm cách giảm thiểu chi phí, các nhà sản xuất Trung Quốc còn đi tìm sự tài trợ từ bên ngoài.

Trong đó, hình thức quảng cáo thông qua việc cài đặt sẵn các ứng dụng rác là phổ biến nhất. Các hãng smartphone Trung Quốc sẽ nhận được tiền qua việc cài đặt sẵn một số ứng dụng khi xuất xưởng, từ đó cho phép giảm giá bán của máy.

Vì sao smartphone Trung Quốc lại có giá rẻ nhất thị trường? - Ảnh 4.

Ứng dụng rác được cài sẵn trên máy Xiaomi

Tùy thuộc vào tính chất của ứng dụng, nó có thể gây ra rất nhiều phiền toái cho người dùng.

Nhẹ là gửi các thông báo, quảng cáo phiền toái đến người dùng. Nhưng điều mà chúng ta lo sợ nhất là việc chúng có thể làm những điều mờ ám như giám sát hành vi của người dùng hay gửi thông tin nhạy cảm về công ty chủ quản. 

Gần đây, cộng đồng đang xôn xao trước vụ việc hơn 700 triệusmartphone Android bị nghi vấn gửi dữ liệu của người dùng về Trung Quốc.

Hạn chế chi phí marketing

Bạn đã từng nghe đến các chiến dịch quảng cáo hoành tráng như #Galaxy11 của Samsung với sự tham gia của các ngôi sao bóng đá nổi tiếng như Lionel Messi, Christiano Ronaldo, hay sự hợp tác giữa HTC với 'Iron Man' Robert Downey Jr?

Những chiến dịch quảng cáo này khiến không ít người dùng thích thú, khi thấy ngôi sao mình hâm mộ cũng sử dụng sản phẩm thương hiệu giống mình. Tuy nhiên, đây cũng chính là lý do khiến cho giá sản phẩm bị tăng lên.

Vì sao smartphone Trung Quốc lại có giá rẻ nhất thị trường? - Ảnh 5.

Những chiến dịch quảng cáo rầm rộ như thế này là điều mà chúng ta hiếm khi được thấy ở các sản phẩm Trung Quốc

Đối với các sản phẩm Trung Quốc, chúng ta hiếm khi được thấy những kế hoạch marketing rầm rộ được tạo ra, đơn giản là vì họ muốn tiết kiệm chi phí hết mức có thể.

Thay vào đó, công cụ quảng cáo chính của họ chủ yếu nhờ vào sức mạnh của Internet, cụ thể là các diễn đàn, các mạng xã hội và các bài báo mang tính giật gân mỗi khi một sản phẩm với mức giá shock được ra đời.

Tập trung vào bán hàng qua mạng

Bán hàng qua mạng, hay E-commerce là một cách thức phân phối hàng hóa được nhiều nhà sản xuất Trung Quốc lựa chọn.

Các công ty như Apple hay Samsung phải bỏ ra một khoản chi phí khổng lồ để xây dựng các hệ thống cửa hàng bán lẻ xuyên suốt thế giới, nhưng đương nhiên, số tiền đó không phải tự dưng mà có mà cũng được tính ngay trong giá bán của sản phẩm.

Bằng cách chỉ tập trung bán hàng qua mạng và giao hàng tận nơi, các hãng Trung Quốc vừa giảm thiểu chi phí sản phẩm, lại có thể quay vòng vốn nhanh hơn do có thể bán hàng ngay lập tức mà không cần chờ đợi thời gian xây dựng hay vận chuyển đến các chi nhánh.

Trốn tránh chi phí bằng sáng chế

Như đã nói ở trên, các nhà sản xuất Trung Quốc thường có khuynh hướng "học hỏi" những điểm mạnh của các sản phẩm đối thủ và mang nó về sản phẩm của mình.

Đây có thể là một điều tốt cho người tiêu dùng, nhưng xét trên khía cạnh pháp lý thì hoàn toàn không hề có lợi cho nhà sản xuất Trung Quốc.

Đã bao giờ bạn tự hỏi tại sao smartphone Trung Quốc rất phổ biến ở châu Á, nhưng lại mờ nhạt ở châu Âu và Mỹ mặc dù có mức giá rất cạnh tranh?

Đơn giản là vì các nhà sản xuất không dám đặt chân vào những thị trường khó tính như vậy, vì chẳng khác gì đâm đầu vào chỗ chết. Những chiếc máy Trung Quốc sẽ ngay lập tức bị kiện vì hàng loạt các vi phạm về bản quyền và bằng sáng chế.

Để mở rộng thị trường, các nhà sản xuất sẽ buộc phải mua bằng sáng chế, hoặc tự mình phát triển những hướng đi riêng.

Nhưng, chi phí cho việc này là không rẻ, và nếu làm như vậy, họ sẽ có nguy cơ mất đi lợi thế của mình về giá bán.

Vậy nên, không ít nhà sản xuất Trung Quốc đang phải đứng trước hai sự lựa chọn khó khăn: "Liệu có nên hướng đến tương lai lâu dài và quyết định đầu tư để mở rộng thị trường, hay tiếp tục đi theo kế sách an toàn và tránh khỏi việc mất đi con át chủ bài trong doanh số của mình?". Hãy để thời gian trả lời câu hỏi đó.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại