Vì sao siêu sân bay 16 tỷ USD, tương lai đón 100 triệu khách của Việt Nam phải đề xuất nhiều thay đổi lớn?

Thái Hà |

Chủ trương đầu tư Dự án Cảng hàng không quốc tế lớn nhất từ trước đến nay của Việt Nam sẽ có sự thay đổi lớn.

Tầm quan trọng của việc xây dựng ngay "đường cất hạ cánh số 3”

Chiều 12/11, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành trị giá 16 tỷ USD tại Nghị quyết số 94/2015/QH13 của Quốc hội.

Trình bày Tờ trình về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết, Quốc hội đã thông qua chủ trương đầu tư Dự án tại Nghị quyết số 94/2015/QH13 với quy mô đầu tư 100 triệu hành khách/năm, lộ trình thực hiện gồm 3 giai đoạn.

Trong đó Giai đoạn 1: Đầu tư xây dựng 1 đường cất hạ cánh và 1 nhà ga hành khách với công suất 25 triệu hành khách/năm; chậm nhất năm 2025 hoàn thành và đưa vào khai thác. Chính phủ chỉ đạo lập báo cáo nghiên cứu khả thi đối với từng giai đoạn của Dự án và báo cáo Quốc hội thông qua trước khi quyết định đầu tư.

Về quy mô đầu tư Giai đoạn 1, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, tại thời điểm trình duyệt chủ trương đầu tư Dự án, do việc xác định nguồn vốn để đầu tư còn khó khăn nên Quốc hội đã quyết định Giai đoạn 1 của Dự án chỉ đầu tư “Đường cất hạ cánh số 1” ở khu vực phía Bắc; trường hợp sân bay Long Thành phải tạm dừng khai thác do xảy ra sự cố trên “Đường cất hạ cánh số 1” thì sân bay Tân Sơn Nhất sẽ đóng vai trò hỗ trợ cho Long Thành.

Hàng loạt thay đổi lớn liên quan siêu sân bay 16 tỷ USD, tương lai đón 100 triệu khách của Việt Nam - Ảnh 2.

Phó TGĐ ACV Nguyễn Tiến Việt báo cáo tiến độ dự án xây dựng Cảng HKQT Long Thành với Đoàn công tác của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. Ảnh: ACV

Quá trình triển khai Giai đoạn 1, Chính phủ nhận thấy việc xây dựng ngay “Đường cất hạ cánh số 3” cách “Đường cất hạ cánh số 1” đang đầu tư 400 m về phía Bắc ngay trong Giai đoạn 1 sẽ mang lại nhiều lợi ích như: Phù hợp với Quy hoạch được duyệt; Mặt bằng đã được giải phóng; Nền đường đã được san gạt đến cao độ thiết kế; Tiết kiệm chi phí, thời gian xây dựng; Nguồn vốn đã được chủ đầu tư thu xếp.

Theo Bộ trưởng Bộ GTVT, việc xây dựng ngay "Đường cất hạ cánh số 3” không chỉ nâng cao hiệu quả đầu tư mà còn góp phần hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông, giảm chi phí logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, phục vụ tốt nhiệm vụ đảm bảo quốc phòng an ninh quốc gia.

Dự kiến "Đường cất hạ cánh số 3” sẽ thi công và hoàn thiện trong khoảng 24 tháng, sau khi được Quốc hội thông qua thì sẽ hoàn thành vào cuối năm 2026.

 Ủy ban Kinh tế Quốc hội nhất trí với sự cần thiết với 3 nội dung điều chỉnh 

Báo cáo thẩm tra về nội dung Bộ GTVT đề xuất, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, việc Chính phủ đề nghị Quốc hội điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án là đúng thẩm quyền của Quốc hội theo quy định tại khoản 1 Điều 34 của Luật Đầu tư công. Hồ sơ Dự án đáp ứng yêu cầu tại Điều 20 của Luật Đầu tư công. Tuy nhiên, đến ngày 06/11/2024, Chính phủ mới có hồ sơ Dự án gửi đến Quốc hội là chưa bảo đảm yêu cầu về thời hạn gửi hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều 21 của Luật Đầu tư công, ảnh hưởng tới công tác thẩm tra, tham gia thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội.

Về sự cần thiết và những nội dung điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án, Ủy ban Kinh tế nhất trí với sự cần thiết và 3 nội dung điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án với những lý do đã được nêu tại Tờ trình số 747/TTr-CP.

Thứ nhất, điều chỉnh phân kỳ đầu tư xây dựng Đường cất hạ cánh số 3 của Dự án từ Giai đoạn 3 sang Giai đoạn 1, để đưa vào khai thác đồng bộ cùng với Giai đoạn 1, bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế, đáp ứng tốt nhu cầu khai thác liên tục của Cảng hàng không khi một đường cất hạ cánh gặp sự cố, nâng cao hiệu quả đầu tư Dự án…

Đáng chú ý, theo Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), gói thầu 4.6 thi công đường cất hạ cánh sân bay Long Thành giai đoạn 1 dự kiến tiến độ vượt 3 tháng so với hợp đồng. Dự kiến hoàn thành, khai thác kỹ thuật đường cất hạ cánh trước ngày 30/4/2025. Vì vậy, việc triển khai đầu tư xây dựng Đường cất hạ cánh số 3 ngay là hoàn toàn phù hợp.

Hàng loạt thay đổi lớn liên quan siêu sân bay 16 tỷ USD, tương lai đón 100 triệu khách của Việt Nam - Ảnh 3.

Sân bay Long Thành đang lộ rõ hình hài. Ảnh: TTXVN

Thứ hai, điều chỉnh thời gian thực hiện Giai đoạn 1 của Dự án đến hết ngày 31/12/2026. Việc cho phép kéo dài thời gian thực hiện Dự án sẽ tạo điều kiện đồng bộ hạ tầng phụ trợ, các tuyến đường kết nối, nhà ga và các công trình hỗ trợ khác một cách hợp lý hơn, đặc biệt là đồng bộ với thời hạn hoàn thành việc đầu tư xây dựng Đường cất hạ cánh số 3, giúp tối ưu hóa hiệu quả vận hành trong dài hạn.

Do quá trình triển khai Giai đoạn 1 gặp một số khó khăn khách quan, chủ quan nên không thể hoàn thành vào năm 2025, như: Thời gian thi tuyển kiến trúc kéo dài; Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến tiến độ thiết kế kỹ thuật; Sau 2 lần mời thầu mới lựa chọn được nhà thầu xây dựng Nhà ga hành khách; Một số công trình dịch vụ hàng không thuộc Dự án thành phần 4 chậm triển khai.

Thứ ba, cho phép Chính phủ không phải báo cáo Quốc hội thông qua, trước khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 theo thẩm quyền nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện Dự án và phù hợp với quy định tại điểm a khoản 1 Điều 40 của Luật Đầu tư công.

Ngoài ra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cũng cho biết, đề nghị Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương có giải pháp chỉ đạo giải quyết, xử lý những bất cập, hạn chế trong việc triển khai Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 để bảo đảm hoàn thành Dự án đưa vào vận hành, khai thác hiệu quả, tiết kiệm, chống lãng phí.

Hàng loạt thay đổi lớn liên quan siêu sân bay 16 tỷ USD, tương lai đón 100 triệu khách của Việt Nam - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng trình bày Tờ trình. Ảnh: Quochoi.vn

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại