Vì sao quả bóng có thể tự lăn từ chân dốc lên đỉnh dốc tại các ngọn đồi phản trọng lực?

ANH VIỆT |

Có thể bạn chưa biết, có một số địa điểm trên Trái Đất kỳ lạ đến nỗi không tuân theo định luật vạn vật hấp dẫn, đủ khiến các nhà nghiên cứu phải đau đầu đi tìm kiếm câu trả lời.

Theo báo cáo, có hàng chục ngọn đồi phản trọng lực trên khắp thế giới, ở Mỹ, Anh, Úc, Brazil và Ý. Nổi tiếng nhất trong số này có thể kể đến Confusion Hill (Đồi Nhầm lẫn) ở California và Magnetic Hill (Đồi Từ tính) ở Canada.

Tất cả chúng đều có một điểm chung - nếu một người lái xe tới chân dốc và đỗ xe, chiếc xe sẽ từ từ trôi lên trên đỉnh dốc. Không ít người sau khi chứng kiến hiện tượng khó tin này đã cho rằng, có một khối đá nam châm khổng lồ trên đỉnh dốc có thể hút xe cộ trôi ngược lên đồi, theo Science Alert.

Vì sao quả bóng có thể tự lăn từ chân dốc lên đỉnh dốc tại các ngọn đồi phản trọng lực? - Ảnh 1.

Vậy điều gì đang thực sự xảy ra ở đây? 

Hóa ra, những hiện tượng kỳ lạ này chỉ là một ảo ảnh thị giác do thiên nhiên tạo ra để đánh lừa mắt người. Ảo ảnh này thật đến mức rất khó nhận ra nếu không có sự hỗ trợ của các thiết bị chuyên dụng.

Tuy nhiên, nếu sử dụng một số thiết bị khảo sát địa hình hoặc thiết bị đánh GPS để đo sự khác biệt thực sự giữa 'đỉnh' dốc và chân dốc, bạn sẽ nhận ra rằng mọi thứ thực sự đang diễn ra ngược lại.

"Con đường này dốc theo kiểu tạo hiệu ứng như thể bạn đang đi lên dốc. Trên thực tế, bạn đang xuống dốc, mặc dù bộ não của bạn lại tạo cho bạn ảo giác rằng mình đang lên dốc", nhà vật lý Brock Weiss từ Đại học Bang Pennsylvania giải thích.

Nhưng nếu con đường này thực sự dốc đến mức ô tô có thể lấy được đà để ‘trôi’ ngược lên - thì làm sao mắt chúng ta lại có thể đánh lừa chúng ta một cách ngoạn mục như vậy?

Ngọn đồi phản trọng lực ở Aryshire, Scotland.  

Theo các nhà tâm lý học, đường chân trời nắm vai trò quan trọng trong việc đánh lừa mắt chúng ta. Hầu hết vị trí của các ngọn đồi phản trọng lực không cho chúng ta nhìn thấy chính xác đường chân trời nằm ở đâu. Điều này vô hình trung khiến cho chúng ta mất đi điểm tham chiếu để nhận biết con đường có dốc hay không.

"Chúng ta đang đứng trong một khu đất có độ nghiêng nhất định. Toàn bộ cảnh quan và con đường nghiêng theo cùng một hướng, nhưng với một góc nhỏ hơn. Vì thế, chúng ta nhầm lẫn vị trí của chân dốc và đỉnh dốc", nhà nghiên cứu Rob Macintosh tại Đại học Edinburgh, nói.

Một nghiên cứu tâm lý học vào năm 2003 cũng góp phần chứng minh việc không nhìn thấy đường chân trời có thể ảnh hưởng tới nhận thức không gian của con người.

Ngọn đồi phản trọng lực ở Pennsylvania  

Theo đó, nhóm nghiên cứu đến từ Đại học Padova và Pavia (Ý) đã dựng mô hình sa bàn thu nhỏ của các ngọn đồi phản trọng lực nổi tiếng thế giới. Họ yêu cầu các tình nguyện viên tham gia thí nghiệm nhìn qua một lỗ nhỏ đặt trước sa bàn, vốn mang đến cảm giác như đang thực sự đứng trên ngọn đồi.

Sau đó, đường chân trời trong sa bàn được nhóm nghiên cứu liên tục thay đổi, để xem điều đó sẽ ảnh hưởng thế nào tới khả năng phân biệt chiều lên xuống của con dốc.

Kết quả, nhóm nghiên cứu phát hiện khi không có đường chân trời làm điểm tham chiếu, các vật thể như cây cỏ và biển báo thực sự đã đánh lừa não bộ của các tình nguyện viên.

"Những trải nghiệm về thị giác (cũng như tâm lý học) trong thí nghiệm mô phỏng tương đối chính xác những gì mà chúng ta thấy tại các ngọn đồi phản trọng lực ngoài đời. Sau mỗi lần thí nghiệm, chúng tôi lại thả một cuộn băng dính nhỏ lên ngọn đồi trong sa bàn. Khi chứng kiến cuộn băng dính di chuyển ngược lên dốc, một số tình nguyện viên cảm thấy bất ngờ, trong khi một số khác lại cảm thấy sợ hãi.", nhóm nghiên cứu chia sẻ.

Tham khảo Science Alert

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại