Tạp chí Stern viết, sự can thiệp quân sự của Nga tại Syria thực tế hợp với lợi ích của phương Tây.
Lệnh ngừng bắn, cuộc đàm phán chính trị giữa các bên liên quan trong cuộc chiến Syria, việc thành phố Palmyra được giải phóng và phiến quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đang dần bị đẩy lùi là những thành quả không thể đạt được nếu không có sự xuất hiện của quân đội Nga.
“Những lý do trên là đủ để chấm dứt đối đầu với Nga và đưa Tổng thống Vladimir Putin, vốn là người anh em phương xa, trở lại với cộng đồng quốc tế”, một bài viết của tạp chí Stern nhấn mạnh.
Bài viết này nói thêm, việc hợp tác với Moscow sẽ có lợi cho Đức và châu Âu, đặc biệt là khi quan hệ giữa Liên minh Châu Âu (EU) và Thổ Nhĩ Kỳ đang rất phức tạp.
“Ông Putin quảng giao, cởi mở hơn Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Thủ tướng Angela Merkel dường như đã nhận thấy điều này trong các cuộc hội đàm”, tạp chí Stern viết.
Vào tháng 3, EU và Thổ Nhĩ Kỳ đã cùng đề ra một thỏa thuận, qua đó Thổ Nhĩ Kỳ cam kết cho phép toàn bộ người tị nạn ở châu Âu tạm trú trong lãnh thổ nước này.
Đổi lại, EU sẽ đẩy nhanh những thủ tục để cho phép Thổ Nhĩ Kỳ trở thành thành viên EU, qua đó các công dân có thể tự do qua lại mà không cần visa.
Thế nhưng, thỏa thuận này đang có nguy cơ đổ vỡ do những động thái thất thường của ông Erdogan và bản thân Thổ Nhĩ Kỳ không thể thỏa mãn được một số điều kiện trong tổng cộng 72 yêu cầu mà EU đặt ra để thêm Thổ Nhĩ Kỳ vào khu vực Schengen.
“Một số nước phương Tây đang ngày càng đánh giá cao tầm quan trọng của Nga”, tạp chí Stern viết。
“Trên phương diện chính trị, nhiều khả năng họ sẽ hướng về phía ông Putin, ngừng cuộc chạy đua vũ trang ở Đông Âu và gỡ bỏ chí ít là một phần lệnh trừng phạt kinh tế đối với Nga”.
Quan hệ giữa Nga và phương Tây trở nên xấu đi vào năm 2014 sau khi xung đột ở miền Đông Ukraine nổ ra và bán đảo Crimea sáp nhập với Nga.
Mỹ và EU sau đó đã áp đặt một số lệnh trừng phạt kinh tế đối với cả Nga và Crimea.
Nga đáp trả bằng cách áp dụng lệnh cấm vận đối với các mặt hàng thực phẩm từ một số quốc gia EU và đã có ảnh hưởng tiêu cực đối với nền kinh tế của khu vực này.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ Sputnik, hãng thông tấn mới của Nga khai trương ngày 10/11/2014, có quy mô toàn cầu để cạnh tranh trên thị trường truyền thông thế giới.
Sputnik thay thế các dịch vụ truyền thông tiếng nước ngoài của hãng thông tấn RIA Novosti và đài phát thanh Tiếng nói nước Nga.