Vì sao ông Obama bị lạnh nhạt ở Saudi Arabia?

Trần Phương |

Cách mà Saudi Arabia tiếp đón tổng thống Mỹ Barack Obama thể hiện rõ sự bất mãn của nước này với đồng minh sau các chính sách của Washington trong vấn đề Iran và Syria.

Ông Obama đặt chân đến Riyadh hôm 20-4 với kế hoạch thảo luận về hợp tác giữa Mỹ và Saudi Arabia trong cuộc chiến chống khủng bố và giữ sự ổn định tại khu vực Trung Đông.

Đây là chuyến công du Saudi Arabia lần thứ tư của ông Obama trên cương vị Tổng thống Mỹ.

Tuy nhiên khi bước xuống chiếc Air Force One, tổng thống Mỹ chỉ nhận được sự tiếp đón lạnh nhạt của nước chủ nhà với sự có mặt của thống đốc Riyadh và vài quan chức cấp thấp.

Điều này khác hẳn với chuyến công du của cựu tổng thống George W.Bush năm 2008 khi đích thân cố vương Abdullah ra sân bay đón và mời về nông trang ở ngoại ô thành phố.

Trước đó, truyền thông địa phương cho thấy nhà vua Saudi Salman đã ra sân bay đón các lãnh đạo những nước vùng Vịnh đến Riyadh.

“Hôm nay ta có thể thấy rõ là ông Obama đã khiến người Saudi giận như thế nào” - tờ Der Spiegel của Đức bình luận.

Giới phân tích cũng cho rằng sự vắng mặt của nhà vua Salman là một điều bất thường. Saudi Arabia cũng có bất đồng với các đời tổng thống Mỹ trước, nhưng sự kiện lần này cho thấy Riyadh không tin tưởng tổng thống Mỹ.

Theo giới phân tích khu vực, những căng thẳng giữa Riyadh và Washington đã gia tăng thời gian qua, trong bối cảnh Mỹ không còn mặn mà với các đồng minh truyền thống tại vùng Vịnh nhưng lại cởi mở hơn với Iran.

Ông Obama gần đây khiến Saudi Arabia tức giận khi tuyên bố Riyadh và Iran không nên tiếp tục chống đối mà nên học cách chung sống với nhau.

Saudi Arabia, vốn coi Tehran là kẻ thù số một ở Trung Đông, đã rất bất mãn khi Washington giúp Iran giải quyết vấn đề hạt nhân gây tranh cãi dẫn đến việc dỡ bỏ cấm vận cho nước này.

Hơn nữa, ngay trước khi ông Obama đến Trung Đông, nhóm các nghị sĩ Mỹ cũng yêu cầu tổng thống Mỹ gây sức ép lên Riyadh về vấn đề nhân quyền.

Gần đây, Saudi Arabia cũng dọa sẽ bán ra hàng trăm tỉ tài sản Mỹ nếu nước này thông qua đạo luật cho phép các nạn nhân vụ khủng bố 11-9 khởi kiện các chính phủ liên quan khiến Riyadh có nguy cơ ra hầu tòa.

Theo kế hoạch, Tổng thống Obama cũng tham dự Hội nghị Thương đỉnh Mỹ - Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) ngày 21-4, giờ địa phương.

Washington muốn tận dụng hội nghị này như một cơ hội tốt để làm trung gian hòa giải giữa Iran và các nước Arab vùng Vịnh.

Giới phân tích so sánh Mỹ và Saudi Arabia như đang trong một cuộc hôn nhân không hạnh phúc.

“Dù có nhiều bất đồng, cả hai không thể ly dị. Họ vẫn cần nhau” - CNN dẫn lời giám đốc Bruce Riedel của dự án tình báo thuộc Viện Brookings nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại