Vì sao ông Nguyễn Đức Chung bất ngờ nhận trách nhiệm vào phút cuối dù trước đó một mực kêu oan?

Hoàng An |

“Tôi có thời gian công tác hơn 30 năm, quá trình này tôi có công lao được nhà nước ghi nhận, tôi mong HĐXX xem xét yếu tố gia đình khắc phục hậu quả và công lao của tôi để giảm nhẹ án”, ông Nguyễn Đức Chung nói lời sau cùng tại phiên phúc thẩm.

Ông Nguyễn Đức Chung.

Ông Nguyễn Đức Chung.

TAND Cấp cao tại Hà Nội vừa chấp nhận đơn kháng cáo của ông Nguyễn Đức Chung (cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội), đồng thời tuyên bị cáo 5 năm tù về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ", tại vụ án mua chế phẩm Redoxy-3C.

Hai đồng phạm của ông Chung là bị cáo Nguyễn Trường Giang, cựu giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Arktic và Võ Tiến Hùng, cựu tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cũng được giảm từ 12 - 18 tháng tù.

Trước đó, trong hai phần xét hỏi và tranh luận tại phiên phúc thẩm, ông Chung một mực kêu oan, cho rằng làm tất cả cũng chỉ vì sự trong sạch của các sông hồ ở Hà Nội.

Cựu Chủ tịch Hà Nội nhiều lần trích dẫn lại nội dung trong lá đơn dài 106 trang gửi đến TAND Cấp cao trước ngày xét xử. Trong đó, ông nhiều lần khẳng định, không biết việc vợ cùng con trai và một số người khác thành lập Công ty Arktic. Ông cũng không tham gia điều hành, chỉ đạo ở công ty này nên việc cơ quan truy tố cáo buộc ông "ưu ái cho công ty gia đình mua chế phẩm" là không đúng.

Về quá trình mua sắm, ông Chung phủ nhận chỉ đạo bị cáo Võ Tiến Hùng mua Redoxy-3C thông qua Công ty Arktic. Cựu chủ tịch Hà Nội khẳng định mọi việc làm đều minh bạch và "đã làm hết khả năng để Hà Nội có được sản phẩm chất lượng nhất".

Viện KSND Cấp cao tại Hà Nội khi nêu quan điểm luận tội đã đề nghị tòa phúc thẩm bác toàn bộ kháng cáo của ông Chung vì chưa nhận thức rõ sai phạm.

Nhận trách nhiệm vào phút cuối

Tuy nhiên, đến cuối phần tranh luận ngày 21/6, ông Chung bất ngờ nói đã nhận thức được trách nhiệm người đứng đầu thành phố. "Việc to, việc bé, việc tốt, việc xấu xảy ra trên địa bàn thành phố Hà Nội tôi đều phải có trách nhiệm với tư cách là người đứng đầu", cựu Chủ tịch Nguyễn Đức Chung giãi bày.

Cùng ngày, gia đình thay ông nộp thêm 15 tỷ đồng khắc phục hậu quả để hoàn thành trách nhiệm dân sự trong vụ án là 25 tỷ đồng. Gia đình bị cáo Giang cũng nộp thêm tiền để khắc phục toàn bộ 7,1 tỷ đồng, gia đình bị cáo Hùng nộp đủ 4 tỷ đồng.

Vì lý do trên, đại diện Viện KSND Cấp cao đã thay đổi quan điểm luận tội, đề nghị HĐXX xem xét giảm một phần hình phạt và hủy toàn bộ quyết định kê biên tài sản là các căn hộ chung cư, nhà đất của cựu Chủ tịch Hà Nội cùng đồng phạm.

Được nói lời sau cùng trước khi tuyên án, ông Nguyễn Đức Chung đề nghị HĐXX ghi nhận tình tiết gia đình ông và gia đình 2 bị cáo Giang, Hùng đã nộp toàn bộ số tiền 36 tỷ đồng bị quy kết là hậu quả của vụ án, từ đó đề nghị HĐXX xem xét giảm án cho hai đồng phạm.

Ông Chung cũng gửi lời cảm ơn HĐXX tạo điều kiện cho ông được tranh luận tại tòa, cảm ơn các cán bộ trại tạm giam tạo điều kiện cho ông thi hành án và được thuận lợi chữa bệnh hiểm nghèo.

“Tôi có thời gian công tác hơn 30 năm, quá trình này tôi có công lao được nhà nước ghi nhận, tôi mong HĐXX xem xét yếu tố gia đình khắc phục hậu quả và công lao của tôi để giảm nhẹ án”, ông Chung nói.

HĐXX phúc thẩm khi tuyên án nhận thấy bị cáo Nguyễn Đức Chung chuyển từ kêu oan sang nhận hành vi sai phạm với trách nhiệm người đứng đầu thành phố, đồng ý cho người thân nộp thêm tiền khắc phục hậu quả vụ án. Điều này thể hiện rõ sự ăn năn, hối lỗi.

Xét thấy tình trạng sức khỏe bị cáo hiện đang suy yếu khi mắc nhiều bệnh hiểm nghèo, liên tục phải điều trị. Khi còn công tác có nhiều đóng góp thành tích, được tặng nhiều huân, huy chương, đặc biệt 2004 được tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân nên HĐXX cho rằng cần giảm nhẹ hình phạt.

Từ nhận định trên, HĐXX cấp phúc thẩm đã giảm cho ông Chung 3 năm tù so với bản án sơ thẩm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại