Mới đây, Học viện Tòa án đã đưa ra thông báo về việc sơ tuyển năm 2019, trong đó, nêu ra một số tiêu chuẩn tuyển sinh về cân nặng và chiều cao.
Các thí sinh phải có sức khoẻ để học tập và đáp ứng điều kiện như: Nữ cao từ 1,55m, nặng từ 45 - 60kg; Nam cao từ 1,6m, nặng từ 48 - 80kg... Ngay sau đó, tiêu chuẩn trên đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi bày tỏ không đồng tình của dư luận.
Trao đổi với PV vào sáng 16/3, Tiến sĩ Lê Hữu Du, Trưởng phòng Đào tạo và khảo thí, Học viện (HV) Tòa án cho rằng, các tiêu chuẩn sơ tuyển Học viện đã đặt ra từ 3 - 4 năm nay, kể từ khi thành lập nhưng không hiểu sao năm nay lại gây chú ý cho dư luận xã hội.
Theo TS Du, việc Học viện đưa ra các tiêu chí về sức khỏe, hình thể không hề có quan điểm "phân biệt hay kỳ thị ngoại hình của người học mà vì tính đặc thù của nghề nghiệp".
Vị Trưởng phòng Đào tạo khẳng định, trong thông báo về việc sơ tuyển của nhà trường đưa ra đã rất rõ ràng, cụ thể.
"Chúng tôi cũng muốn đặt lại câu hỏi, những việc nhà trường đưa ra có trái quy định không? Trường có quyền tự chủ của trường và Bộ GD&ĐT đã quy định về sơ tuyển thì phải có tiêu chí. Khi đưa ra tiêu chí phải có con số, số liệu cụ thể", ông Du nêu rõ.
Trước ý kiến của một số luật sư cho rằng, trong quy định của các Luật hiện hành như Luật giáo dục không có quy định cụ thể về chiều cao, cân nặng của thí sinh? TS Du cho rằng, trước đây, Vụ giáo dục Đại học đã từng có trả lời về vấn đề này và đề nghị báo chí nghiên cứu lại.
Lãnh đạo Phòng Đào tạo và Khảo thí của Học viện giải thích thêm, hiện nay có 4 khối cơ quan yêu cầu về sức khỏe, thể lực ngay từ khâu tuyển sinh để đào tạo, gồm: quân đội, công an, kiểm sát, tòa án.
Với quân đội đã rõ ràng còn công an, kiểm sát, tòa án là các cơ quan tham gia vào hoạt động tư pháp, gắn liền với hoạt động phòng chống tội phạm, nên có tính đặc thù trong tuyển sinh và tuyển dụng.
Việc các đơn vị đào tạo của các khối ngành này đưa ra tiêu chuẩn về sức khỏe, hình thể để tuyển sinh nhằm đáp ứng yếu tố đặc thù trên.
Ông Du cho biết thêm, không những yêu cầu về sức khỏe, thể lực, các trường trong 3 khối trên đều yêu cầu sơ tuyển, kèm theo các tiêu chuẩn để căn cứ vào đó mà sơ tuyển.
Với Học viện Tòa án, đưa ra điều kiện chỉ xét thí sinh đăng ký nguyện vọng 1 và 2. Do công việc có tính đặc thù nên yêu cầu số một phải chọn được người phù hợp, giúp sinh viên ra trường được tuyển dụng vào nghề và làm việc có đam mê, tâm huyết, hoàn thành tốt trách nhiệm, đóng góp cho xã hội.
"Ngành tòa án rất áp lực, ngoài đòi hỏi kiến thức chuyên môn còn yêu cầu người học phải có phẩm chất chính trị, đạo đức, tiêu chuẩn về mặt trạng thái sức khỏe thể lực mới đáp ứng được tốt công việc.
Làm án, liên quan tới việc định đoạt sinh mạng chính trị của bao nhiêu con người, nhiều thứ mệt mỏi, không có sức khỏe tốt sẽ khó hoàn thành nhiệm vụ", ông nêu.
Lãnh đạo Học viện nhấn mạnh thêm, số lượng tuyển phục vụ cho ngành tòa án hiện lượng chỉ tiêu rất ít nếu không sơ tuyển kỹ, dẫn tới các em không đam mê, tha thiết với nghề hay bỏ nghề sẽ gây lãng phí tiền của Nhà nước, ảnh hưởng không tốt cho xã hội. Do đó, nên dành suất học cho các sinh viên thực sự yêu thích nghề sẽ tốt hơn.