Vì sao NSƯT Xuân Bắc rút hồ sơ phong tặng NSND?

Thành Nam |

Mới đây, ông Phùng Huy Cẩn - Vụ trưởng Vụ Thi đua khen thưởng (Bộ VH-TT&DL) đã xác nhận, Nhà hát Kịch Việt Nam gửi công văn xin rút hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NSND với trường hợp của NSƯT Xuân Bắc. Tình huống này dấy lên nhiều thắc mắc của công chúng khi trước đó NSƯT Xuân Bắc đã được Hội đồng cấp cơ sở là Nhà hát Kịch Việt Nam gửi hồ sơ lên Hội đồng cấp Bộ đề nghị xét tặng danh hiệu NSND.

Xin rút là quyền của nghệ sĩ!

Thông tin Nhà hát Kịch Việt Nam có công văn gửi Vụ Thi đua khen thưởng xin rút hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NSND của NSƯT Xuân Bắc kèm đơn đề nghị xin rút hồ sơ xét tặng của NSƯT Xuân Bắc được công khai từ ngày 10/4.

Chia sẻ với PV Báo Gia đình & Xã hội, ông Phùng Huy Cẩn - Vụ trưởng Vụ Thi đua khen thưởng (Bộ VH-TT&DL) cho biết, căn cứ vào tính đầy đủ về mặt hồ sơ pháp lý gồm công văn đề nghị xin rút hồ sơ của Nhà hát Kịch Việt Nam kèm đơn của cá nhân NSƯT Xuân Bắc thì hội đồng đã quyết định bỏ hồ sơ này khỏi cuộc họp của Hội đồng xét tặng lĩnh vực sân khấu diễn ra vào ngày 12/4 vừa qua.

Ông Phùng Huy Cẩn chia sẻ, bản thân ông chưa tiếp cận với hồ sơ của NSƯT Xuân Bắc nên không thể khẳng định nam nghệ sĩ này thiếu tiêu chí nào như câu hỏi mà dư luận đang đặt ra.

Trước đó, chia sẻ với báo giới, NSND Anh Tú - quyền Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam cho biết, trường hợp của NSƯT Xuân Bắc khi xem xét ở Hội đồng cấp cơ sở, dù hồ sơ thiếu về mặt thời gian theo quy định của Nhà nước nhưng 100% thành viên Hội đồng vẫn bỏ phiếu đồng ý đưa hồ sơ này lên Hội đồng cấp Bộ.

Tuy nhiên, đến phút chót, NSƯT Xuân Bắc có đơn gửi Nhà hát Kịch Việt Nam xin rút hồ sơ của mình.

Xét theo nguyện vọng của cá nhân nghệ sĩ cũng như quy định về pháp luật, cơ quan NSƯT Xuân Bắc đang công tác đã thống nhất gửi công văn báo cáo với Hội đồng cấp Bộ.

Xác nhận với báo chí, NSƯT Xuân Bắc khẳng định, anh đã xin rút hồ sơ xét tặng danh hiệu NSND nhưng từ chối chia sẻ lý do.

NSND Anh Tú với cương vị là Chủ tịch Hội đồng cấp cơ sở của Nhà hát Kịch Việt Nam cho biết, các nghệ sĩ nhà hát mong muốn NSƯT Xuân Bắc nhận danh hiệu NSND.

Về câu hỏi: “Hồ sơ của NSƯT Xuân Bắc có thiếu sót hoặc không đáp ứng điều kiện gì không?”, NSND Anh Tú xác nhận, theo quy định xét tặng NSND, nghệ sĩ phải có 20 năm trong nghề, NSƯT Xuân Bắc “thiếu một chút” nhưng sau khi cân đối các điều kiện khác thì cơ quan nơi anh công tác vẫn ủng hộ, Hội đồng cấp cơ sở nhất trí cao.

Vì thế, hồ sơ của NSƯT Xuân Bắc được gửi lên Hội đồng cấp Bộ. Trước đó, Nhà hát Kịch Việt Nam đã gửi danh sách đề xuất phong tặng danh hiệu NSND cho 4 NSƯT là: Trung Anh, Xuân Bắc, Việt Thắng, Lê Sơn.

Tiêu chí “20 năm trong nghề” có cứng nhắc?

NSƯT Xuân Bắc là gương mặt quen thuộc với khán giả truyền hình qua vai diễn Nam Tào trong chương trình “Táo quân - Gặp nhau cuối năm” và các bộ phim truyền hình, chương trình Gặp nhau cuối tuần, truyền hình thực tế, người dẫn chương trình…

năm 2016 đến nay, anh đảm nhiệm chức vụ Phó Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam.

“Mùa” xét tặng danh hiệu cho nghệ sĩ năm nay, ngoài trường hợp của NSƯT Xuân Bắc thì những tên tuổi nghệ sĩ có tuổi đời còn khá trẻ như: NSƯT Công Lý, NSƯT Thu Huyền… cũng nhận được sự quan tâm của công chúng.

Thực tế, không phải những năm gần đây mới có trường hợp nghệ sĩ trẻ được đề nghị xét danh hiệu NSND. Năm 1984, nghệ sĩ piano Đặng Thái Sơn được phong danh hiệu NSND khi mới 26 tuổi.

Năm 2001, NSƯT Lê Khanh (38 tuổi) cũng đã vinh dự được nhận danh hiệu cao quý này. Dù nhận danh hiệu NSND khi tuổi đời còn trẻ nhưng cả hai trường hợp nêu trên đều nhận được sự đồng tình của công chúng lẫn người trong nghề.

Như vậy để thấy rằng, cốt lõi vấn đề không hẳn ở chuyện tuổi tác mà là tính thuyết phục cao về tài năng, cống hiến của nghệ sĩ.

Năm nay, cụm từ “xét đặc cách” là chủ đề được quan tâm, bình luận nhiều nhất trong “mùa” xét tặng danh hiệu cho nghệ sĩ.

Nếu tiếp cận theo tính đặc thù của các loại hình nghệ thuật thì việc chỉ dựa trên tiêu chuẩn huy chương, giải thưởng, số năm công tác… có thể dễ bỏ sót những nghệ sĩ tài năng mà vì lý do khách quan nào đó có thể chưa đáp ứng một trong số các yêu cầu.

Xét đặc cách chính là để bảo đảm quyền lợi, sự công bằng cho nghệ sĩ.

Tuy nhiên, để vấn đề này được minh bạch, công bằng thì cần xây dựng thêm một bộ quy chuẩn chặt chẽ, thuyết phục như: Chất lượng tác phẩm, tiếng vang trong dư luận, đóng góp về văn hóa xã hội… do một hội đồng chuyên môn có uy tín đánh giá.

Dù đã có cơ chế cởi mở hơn song xung quanh vấn đề xét tặng danh hiệu cho nghệ sĩ hiện nay vẫn tồn tại nhiều vấn đề đáng suy ngẫm, trong đó có việc làm sao để đánh giá thành tích, cống hiến một cách công bằng giữa các loại hình nghệ thuật và giữa các nghệ sĩ…

Việc phong tặng danh hiệu cho một nghệ sĩ trẻ đáp ứng đủ điều kiện về thời gian công tác, thành tích, thể hiện trong hồ sơ rõ ràng, đầy đủ liệu có khiến những nghệ sĩ cao tuổi cũng nhiều thành tích, cống hiến nhưng gặp khó khăn trong khâu làm hồ sơ, thấy chạnh lòng.

Đơn cử như trường hợp của NSƯT Trần Hạnh sau nhiều lần “lỡ hẹn” với các đợt xét tặng danh hiệu NSND, năm nay ông đã có tên trong danh sách được đề nghị nhờ NSND Trung Hiếu (Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội, nơi nghệ sĩ Trần Hạnh từng công tác) nhiệt tình “giục giã”, có hướng dẫn bổ sung thêm.

Cuối tháng 9/2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 89/2014/NĐ-CP, hướng dẫn việc xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT.

Nghị định này đã có những thay đổi đáng kể so với quy định cũ. Ví dụ, danh hiệu NSND, NSƯT sẽ được xét tặng ba năm một lần, thay cho quy định hai năm một lần như trước năm 2014.

Bỏ tiêu chuẩn người được xét tặng danh hiệu NSND phải được phong tặng NSƯT ít nhất 5 năm (nay chỉ yêu cầu đã được phong tặng NSƯT).

Yêu cầu người được xét tặng danh hiệu NSND đã có hai giải vàng quốc gia, thì các giải vàng trong nước và quốc tế khác sẽ được quy đổi thành giải vàng quốc gia.

Người được xét tặng NSƯT cần có ít nhất hai giải vàng hoặc một giải vàng quốc gia và hai giải bạc quốc gia (trước đây yêu cầu phải có hai giải vàng quốc gia).

Nghĩa là, dù có thay đổi thì việc yêu cầu nghệ sĩ phải có giải, có huy chương vẫn thuộc một trong những yếu tố tiên quyết bên cạnh các yếu tố khác.

Cũng theo văn bản hướng dẫn này, thành tích các hội thi do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam... tổ chức đều được tính để xét phong tặng danh hiệu NSND, NSƯT.

Huy chương tại các cuộc thi do hội chuyên ngành cấp Trung ương tổ chức cũng được quy đổi.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại