Vì sao nhựa dùng một lần vẫn phổ biến tại nhiều quốc gia?

Nguyễn Mai, Phạm Tuân |

Ô nhiễm nhựa toàn cầu vẫn đang gia tăng, dù nhiều nơi đã ban hành lệnh cấm nhựa dùng một lần.

Mỗi năm, thế giới thải ra khoảng 400 triệu tấn rác thải nhựa, phần lớn chỉ được sử dụng trong vài phút trước khi bị loại bỏ.

Tại Thái Lan, quốc gia này đã ban hành các quy định hạn chế sử dụng nhựa dùng một lần từ trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Trong đó, yêu cầu các nhà bán lẻ lớn ngừng cung cấp túi nilon miễn phí cho khách hàng. Tuy nhiên, các quy định này khó được áp dụng rộng rãi đối với các quầy bán đồ ăn đường phố và người tiêu dùng. Khi phải lựa chọn giữa túi nilon và các loại lá để gói thức ăn, người bán thường ưu tiên túi nilon vì giá rẻ và không cần phải lau chùi như lá gói. Theo Cục Kiểm soát Ô nhiễm Thái Lan, nước này thải ra 2 triệu tấn rác thải nhựa mỗi năm, trong đó 11% không được tái chế hoặc xử lý đúng cách.

Tại Brazil, tình hình cũng đáng lo ngại. Mỗi ngày, các bãi biển ở Rio de Janeiro phải tiếp nhận khoảng 130 tấn rác thải, trong đó nhựa không được phân loại. Chỉ có 3% lượng rác thải ở Brazil được tái chế hàng năm, một con số rất thấp trong bối cảnh ô nhiễm nhựa toàn cầu ngày càng trầm trọng.

Tại khu chợ Obalende, trung tâm thủ đô kinh tế Lagos của Nigeria, cảnh tượng những túi nước đã qua sử dụng vứt rải rác trên mặt đất là điều thường thấy. Bà Lisebeth Ajayi - chủ một cửa hàng tạp hóa tại đây - cho biết mỗi ngày, bà chứng kiến hàng chục khách hàng dùng răng xé những túi nước nhỏ để uống, sau đó vứt bỏ chúng ngay trên đường phố.

Vì sao nhựa dùng một lần vẫn phổ biến tại nhiều quốc gia? - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa: Freepik)

Bà Lisebeth Ajayi - người bán túi nước rong tại Lagos, Nigeria - cho biết: "Chúng tôi có một giếng khoan ở chợ nhưng không thể dùng được vì nước không sạch. Bạn cần phải đun sôi nước thì mới uống được. Nhiều người không có tiền mua nước đóng chai, nên họ hay mua nước đựng trong túi nilon của tôi".

Kể từ khi xuất hiện vào những năm 1990, túi nước đã trở thành nguồn gây ô nhiễm chính ở nhiều khu vực tại châu Phi, nhưng chúng vẫn được người dân ưa chuộng để chứa nước cho các hoạt động ăn uống và giặt giũ. Hiện tại, có khoảng 200 công ty sản xuất túi nilon hoạt động ở Lagos, cùng hàng trăm công ty tái chế nhựa khác, song nguồn cung túi nhựa vẫn vượt xa khả năng xử lý của quốc gia này, nơi thiếu thốn thùng rác công cộng và chưa có chương trình giáo dục môi trường hiệu quả. Mặc dù Lagos đã cấm sử dụng nhựa dùng một lần từ đầu năm nay, biện pháp này chưa đem lại hiệu quả rõ rệt. Liên hợp quốc ước tính mỗi ngày có tới 60 triệu túi nước bị vứt bỏ khắp Nigeria.

Tại nhiều nơi trên thế giới, thói quen sử dụng nhựa dùng một lần vẫn khó thay đổi do tính tiện lợi và giá rẻ của chúng. Nhiều chủ cửa hàng bán rau củ ở Paris, Pháp cho biết dù đã thử chuyển sang sử dụng túi giấy, một số khách hàng, đặc biệt là người cao tuổi, không hài lòng vì cho rằng túi giấy dễ rách và bị mủn khi tiếp xúc với nước.

Pháp đã cấm nhựa dùng một lần từ năm 2016, nhưng túi nilon vẫn còn phổ biến. Dù hầu hết túi nilon hiện nay đều được đóng dấu có thể tái sử dụng và tái chế 100%, hoặc mô tả là phân hủy sinh học, các chuyên gia vẫn hoài nghi về tác động thực sự của chúng đối với môi trường.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại