Thiếu tá Nguyễn Ninh Dương (cán bộ của Đội CSGT số 6 - Công an TP. Hà Nội) nhờ người dân quay clip lại trước khi giúp người phụ nữ bị tai nạn giao thông.
Chắc nhiều người vẫn còn nhớ chuyện anh Nguyễn Hải Sơn (35 tuổi, ở xã Trạm Lộ, Thuận Thành, Bắc Ninh) cứu cô gái bị tai nạn bất tỉnh, máu me đầy người nằm trên đường cách đây mấy năm. Sau khi anh Sơn thuê taxi đưa nạn nhân đến Bệnh viện huyện Thuận Thành cách chỗ nạn nhân gặp nạn khoảng 2 km để cấp cứu, sau đó gọi điện cho người nhà của họ thông báo. Nhưng thật bất ngờ, sau đó có 2 thanh niên đến nhận là người nhà và biết anh Sơn là người gọi điện, họ đã dùng dao, ghế tấn công khiến anh Sơn bị đâm ở mạn sườn, bất kể cô gái bị nạn hét lên rằng anh Sơn là người cứu cô.
Rồi còn rất nhiều vụ khác khi đưa nạn nhân đi cấp cứu, người đáng lẽ ra được gọi là “ân nhân” thì trở thành thủ phạm, bị người nhà tấn công, có trường hợp đã tử vong oan ức. Mới đây không lâu là trường hợp chị Vân Anh, trú tại huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh khi giúp đưa một phụ nữ bị tai nạn giao thông vào bệnh viện, nhưng lại bị người nhà của người phụ nữ này tố chị chính là người gây ra tai nạn.
Có rất nhiều lý do khiến nhiều người đắn đo, thậm chí “né” khi thấy người gặp nạn như đã kể trên, song có nguyên nhân là sự vô cảm ở nhiều người. Bệnh vô cảm đã trở nên phổ biến trong xã hội. Người ta vô cảm, thờ ơ trước nỗi đau của người khác.
Nhiều người khi thấy người gặp nạn thì dửng dưng bỏ đi, hoặc đứng lại xem cũng chỉ vì tò mò, hiếu kỳ mà không có bất kể hành động nào cứu giúp nạn nhân. Nhẫn tâm hơn, có người còn đem điện thoại ra livestream đưa lên mạng, lợi dụng cơ hội để lấy tiền, tài sản của nạn nhân.
Minh chứng rõ nhất mới đây là vụ cháy quán karaoke ở Bình Dương làm chết hàng chục người, nhiều người dân tại Bình Dương và các tỉnh lân cận đã hiếu kỳ tập trung theo dõi cảnh sát khám nghiệm hiện trường rồi livestream lên mạng xã hội. Nhiều vụ đánh ghen, học sinh làm nhục, đánh hội đồng dã man ở đường khiến nạn nhân phải nhập viện… nhưng cũng ít ai đứng ra can ngăn mà chủ yếu chỉ là đứng xem, cổ vũ và livestream… Mới đây là vụ cháu bé 8 tuổi sống ở một chung cư TP.HCM bị mẹ kế hành hạ đến chết, nhưng chỉ khi xảy ra sự việc thì mọi người mới biết. Còn bao nhiêu lần trước đó cháu bị hành hạ, hàng xóm kể lại có nghe cháu khóc thét, van xin nhưng dường như cháu bé phải đơn độc chịu đựng nỗi đau, mà không có bất cứ sự giúp đỡ, hỗ trợ nào từ những người sống cạnh nhà.
Khi một bộ phận trong xã hội trở nên vô cảm, lại nhan nhản chuyện “làm ơn mắc oán” cũng khiến nhiều người trở nên e ngại khi cứu giúp người bị nạn.
Có lẽ vì thế, nên mới đây trước khi đưa một phụ nữ bị nạn ở Hà Nội đến bệnh viện, Thiếu tá Nguyễn Ninh Dương đã phải nhờ người dân quay giúp video để "chứng minh mình không phải là người gây ra tai nạn giao thông".
Thế mới thấy, làm “người tốt” bây giờ thật khó. Nhưng cũng phải vì thế mà không ai dám làm việc tốt, không chỉ việc mới đây Thiếu tá Nguyễn Ninh Dương vừa cứu giúp người bị nạn mà chúng ta vẫn gặp nhiều việc tốt, việc thiện hàng ngày ở trên đường và trong cuộc sống. Mỗi việc hay, điều thiện đều khiến trái tim mọi người thấy ấm áp, được xoa dịu giữa cuộc sống bộn bề khó khăn và không ít sự vô cảm.
Nhưng để điều nhân, việc thiện được nhân lên thì những người làm việc tốt cũng cần được bảo vệ. Trước hết là họ được “bảo vệ” trước ánh mắt nghi ngại và e dè của cộng đồng, trong đó có người nhà nạn nhân. Cộng đồng bảo vệ họ bằng cách chung tay cùng họ giúp đỡ nạn nhân. Thay vì livestream đưa lên mạng những hình ảnh ghê sợ, phản cảm thì chụp ảnh hiện trường, quay lại những clip để bảo vệ những người đã cứu giúp người gặp nạn để phòng trường hợp hiểu nhầm xảy ra.
Còn với người nhà bệnh nhân, trong lúc lo lắng cho người thân cũng nên bình tĩnh để nghe thông tin nhiều chiều, tránh xảy ra những chuyện như vừa qua cứ thấy ai đưa người gặp nạn đi cấp cứu thì đều nghĩ rằng đó là người gây tai nạn. Có như vậy mới tránh được những hậu quả đáng tiếc và sự dằn vặt lương tâm khi biết rõ đầu đuôi sự việc, khi mình biến ân nhân thành kẻ tội đồ.
Và thêm nữa, cũng rất cần sự bảo vệ của cơ quan chức năng đối với những người tham gia cứu người gặp nạn, tránh trường hợp để “nhân chứng” và “thủ phạm” gặp gỡ nhau gây tâm lý lo sợ, bất an cho người cứu nạn, khiến họ e dè việc có tiếp tục dừng lại khi thấy người gặp nạn.
Có như vậy, những điều tốt, việc thiện mới tiếp tục được nhân để hạn chế sự vô cảm đang ngày càng trở nên phổ biến./.