Vì sao nhiều người kiêng nhặt tiền rơi trong "tháng cô hồn"?

Thành Công (TH) |

Trong số 18 điều kiêng kỵ "tháng cô hồn" (tháng 7 Âm lịch) được lan truyền, nhiều người đặc biệt chú ý đến chuyện kiêng nhặt tiền rơi.

Các chuyên gia nói gì về điều này? Vì sao lại có quan niệm kiêng nhặt tiền rơi trong tháng này, liệu ai đó lỡ nhặt tiền rơi trong "tháng cô hồn" có vướng phải "vận xui" hay không?

Tờ Gia đình và Xã hội dẫn lời ông Nguyễn Cung Hà (Phó Chủ nhiệm bộ môn Cận tâm lý - Viện Nghiên cứu tiềm năng con người) cho hay: "Quan niệm không nhặt tiền rơi vào "tháng cô hồn" xuất phát từ quan niệm dân gian cúng tế cô hồn.

Họ cho rằng, nhưng thứ đã cúng như tiền âm phủ, tiền thật… đều thuộc về thế giới tâm linh nên sợ động chạm. Song khoa học chưa ai chứng minh nếu không kiêng được những điều cấm kỵ trong tháng 7 sẽ gặp họa và ngược lại nếu kiêng được những điều cấm kỵ sẽ gặp an lành".

Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Ngọc Thơ (Trưởng Phòng Quản lý khoa học - Dự án Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. HCM) cũng có cùng quan điểm với ông Nguyễn Cung Hà.

Tuy nhiên, ông nói thêm rằng, không nên nhặt tiền rơi dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, bởi việc đó có thể là cội nguồn của lòng tham.

Theo GS Ngô Đức Thịnh (Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam), sở dĩ có chuyện kiêng nhặt tiền rơi bởi người ta quan niệm đó là tiền của ma quỷ. Thế nhưng, chưa ai chứng minh được điều này.

Theo đó, người nào kiêng được thì kiêng, còn không thì cũng không nên gò bó bản thân mình.

Ở tháng 7 Âm lịch này, do quan niệm là tháng xấu, tháng "mở cửa mả" - ma quỷ hoạt động mạnh nên ngoài chuyện kiêng kể trên, người ta còn kiêng làm nhiều việc hệ trong trong gia đình như xây cất nhà, mua xe, cưới hỏi...

Về điều này, GS, TS Phạm Đức Dương (chuyên gia về Ngôn ngữ dân tộc và Đông Nam Á học) khẳng định rằng quan niệm đó không đúng và không có cơ sở.

"Vì sự hiểu sai nên có không ít người thất bại trong công việc, rất dễ hiểu đó là khi tâm lý họ không cố gắng, ái ngại thì thành công lại khó có thể với tới", tờ Infonet dẫn lời GS,TS Phạm Đức Dương.

Cũng theo nguồn trên, Thượng tọa Thích Thanh Duệ (Phó Trưởng ban Nghi lễ Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam) cho rằng: "Dân gian quan niệm tháng Bảy là tháng ma quỷ hành hoành khắp nơi nên làm việc gì cũng không tốt.

Tuy nhiên, Phật giáo hoàn toàn không có quan niệm này cũng như quan niệm về ngày tháng tốt, xấu. Nếu tâm tốt thì ngày nào cũng là ngày tốt. Kiêng kỵ là phản khoa học".

Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm (Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam): Phong tục người Việt không có "tháng cô hồn"

Phong tục tập quán người Việt nói tháng 7 là tháng xá tội vong nhân, tức là ông bà quan niệm tháng này vong linh nhờ ơn Đức Phật theo tinh thần báo hiếu của tôn giả Mục Kiều Liên mà được về cảnh giới an lành, nhưng bên cạnh đó đã thương tất cả những người chết mà không nơi nương tựa và cũng mong tất cả vong hồn đó được siêu thoát... Đây là tinh thần bình đẳng, yêu thương của người Việt đối với người sống và đối với tất cả những người chết, không phân biệt người thân của mình hay người ngoài. Còn từ "tháng cô hồn" thì phong tục người Việt không có và cũng không có quan niệm tháng nào là tháng xúi an cả. (Lược theo Zing.vn)

18 điều cấm kỵ được lan truyền về "tháng cô hồn"

1. Không treo chuông gió ở đầu giường vì tiếng chuông sẽ thu hút sự chú ý của ma quỷ, khi con người ngủ sẽ dễ bị chúng xâm nhập quấy phá.

2. Người yếu bóng vía không nên đi chơi đêm trong những ngày tháng cô hồn, nếu không sẽ dễ gặp điều không may.

3. Không được nhổ lông chân vào ngày này, vì dân gian cho rằng "một sợi lông chân quản ba con quỷ", người càng có nhiều lông chân thì ma quỷ càng ít dám đến gần.

4. Không tùy tiện đốt giấy, vàng mã vì như vậy sẽ khiến ma quỷ bu đến.

5. Không ăn vụng đồ cúng, vì đó là đồ dành cho ma quỷ, nếu chưa cúng và cầu xin mà lấy ăn sẽ rước tai hoạ vào mình.

6. Không phơi quần áo vào ban đêm, vì ma quỷ trông thấy sẽ "mượn" và để lại "quỷ khí" trong các quần áo ấy.

7. Những người khi đi chơi đêm không được réo gọi tên nhau, nếu không ma quỷ sẽ ghi nhớ tên người được gọi, đó là điềm xấu.

8. Không nên bơi lội, vì ma quỷ sẽ cùng đùa với bạn, nếu không cẩn thận, bạn sẽ bị chúng làm trẹo chân.

9. Không hù doạ người khác khiến họ giật mình "hồn bay phách lạc" dễ bị ma quỷ xâm nhập.

10. Cây đa trước nhà là nơi hội tụ âm khí, ma quỷ rất thích những chỗ như vậy, cho nên kỵ đứng, ngồi, nằm, trốn… ở đó.

11. Không nên thức quá khuya, vì như vậy tinh thần sẽ hao tổn suy nhược, dễ nhiễm "quỷ khí".

12. Nơi góc tường xó tối là những chỗ ma quỷ thường tụ tập nghỉ ngơi, không nên đến gần những chỗ ấy.

13. Không nhặt tiền bạc rơi vãi trên đường, vì có thể đó là tiền người ta cúng mua chuộc bọn quỷ đầu trâu mặt ngựa, nếu người nào phạm kỵ, sẽ gặp tai hoạ không chừng.

14. Khi đi đến qua những nơi vắng vẻ, không ngoái cổ quay đầu nhìn lại phía sau, dù có cảm giác "hình như" có người đang đi theo mình hoặc gọi tên mình. Vì đó có thể do ma quỷ trêu chọc.

15. Khi lên giường ngủ không để mũi dép hướng về phía giường, nếu không ma quỷ nhìn thấy sẽ đoán rằng có người sống đang nằm trên giường và chúng sẽ lên giường ngủ chung với bạn.

16. Không cắm đũa đứng giữa bát cơm, vì đó là hình thức cúng tế, cũng giống như kiểu thắp hương, dễ dẫn dụ ma quỷ vào nhà ăn chung.

17. Không nên ở một mình trong thời gian này, nếu không sẽ dễ bị ma quỷ dẫn dắt hoặc quấy phá.

18. Không chụp ảnh vào ban đêm, bởi ma quỷ luôn lảng vảng chung quanh đó sẽ "vô hình" vào ảnh chung với người sống, đó là điều không tốt.

(Tổng hợp)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại