Vì sao nhiều đàn ông F1 bền vững, Omicron “thích” phụ nữ hơn?

Khánh Chi |

Nhiều gia đình hầu hết cả nhà mắc Covid-19 nhưng “sót” một số mày râu vẫn F1 bền vững, không bị nhiễm Covid-19.

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

Gia đình chị Nguyễn Hải Thanh – Kim Liên, Đống Đa, Hà Nội có 9 thành viên thì 7 người nhiễm Covid-19. Chỉ có em trai và chồng chị Thanh vẫn âm tính bền vững sau hai tuần cả nhà vật lộn lần lượt dương tính.

Chị Thanh cũng nhận thấy đợt Covid-19 này có nhiều thành viên trong gia đình khác mày râu đều “trốn” được Covid-19.

Không riêng gì nhà chị Thanh, gia đình chị Vũ Thanh Hồng, Nam Từ Liêm, Hà Nội cũng chia sẻ 3 mẹ con chị nhiễm Covid-19. Đầu tiên là cháu lớn học lớp 8 đi học và lây từ bạn. Sau đó đến chị Hồng và con gái thứ hai. Ba mẹ con cách ly ở nhà nhưng ai cũng nghĩ sớm muộn thì bố cháu cũng nhiễm Covid-19 nhưng sau 10 ngày ba mẹ con âm tính, bố cháu vẫn chỉ dừng lại ở F1, người đàn ông duy nhất trong nhà vẫn chưa mắc Covid-19.

Chị Hồng kể gia đình chị không cách ly tuyệt đối như hướng dẫn được vì một số khu vực sinh hoạt chung vẫn phải sử dụng. Anh còn hay đùa trước sau thì cũng mắc nhưng vẫn 'thoát'.

Anh Trịnh Quốc Khánh, Thượng Thanh, Long Biên, Hà Nội kể anh là F1 từ trước Tết. Ngày thì liên hoan với bạn hôm sau bạn báo F0, sau đó trong Tết gia đình chị gái anh cũng thành F0, liên tiếp tiếp xúc với F0 nhưng anh tự nhận thấy mình “miễn nhiễm” thậm chí đến khi cả gia đình anh đều là F0 thì riêng anh Khánh vẫn tiếp tục là F1 bền vững, không nâng hạng.

Theo thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Quốc Thái – Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, nói virus SARS-Cov-2 có 'ái lực' với phụ nữ hơn mày râu là không chính xác. Đến nay, một số quốc gia cũng có thống kê số phụ nữ mắc Covid-19 nhiều hơn nam giới nhưng lại có quốc gia khác người ta thấy nam giới mắc nhiều hơn nữ giới. Nên quan điểm virus “thích” phụ nữ hơn là chưa chính xác.

Với bệnh Covid-19 do Virus SARS-Cov-2 gây ra thì phần lớn là liên quan tới hành vi sinh hoạt của mọi người. Nữ giới dễ lây nhiễm hơn nam giới vì tần suất “buôn chuyện” cà kê của chị em nhiều hơn nam giới. BS Thái cho biết các cơ quan, nơi làm việc thì chị em vẫn túm năm tụm ba ăn uống chung, người phụ nữ tiếp xúc xã hội nhiều hơn nam giới.

Trước đó, nam giới thường nhậu nhẹt ngồi trên bàn nhậu mới tám chuyện thì gần đây tần suất ăn nhậu cũng giảm nên khả năng lây nhiễm của họ thấp hơn.

Ngoài ra, do hệ thống miễn dịch của từng cá nhân. Những người có sức đề kháng mạnh sẽ tấn công và tiêu diệt virus, không cho chúng nhân bản ngay khi virus vừa xâm nhập. Họ có thể không nhiễm bệnh, hoặc nhiễm với triệu chứng và mức độ rất nhẹ, nhanh khỏi, khi xét nghiệm thường không thấy virus.

Nhiều trường hợp test nhanh không đúng kỹ thuật thì sẽ không thể cho kết quả chính xác nên khi bạn chưa dương tính thì không nên chủ quan nghĩ rằng mình miễn nhiễm hoặc “bất tử”.

Cùng quan điểm, Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Hồng Hà – nguyên Phó Giám đốc - BV Bệnh Nhiệt đới trung ương có những người không nhiễm bệnh có thể là họ đã mắc trước đó nhưng vì sức đề kháng tốt nên không có triệu chứng, hoặc nồng độ virus trong vùng hầu họng của F0 còn thấp, chưa phát tán hoặc phát tán ít ra ngoài, khi đó test nhanh không lên dương tính.

Nếu nhà ở rộng rãi, thông khí tốt, vệ sinh khử khuẩn thường xuyên, sạch sẽ... cũng làm giảm khả năng lây nhiễm. Ngoài thạc sĩ Hà cũng cho biết có người có cơ địa không cảm nhiễm (không tiếp nhận) virus. Có nhiều người dù họ sống trong vùng đỏ của bệnh truyền nhiễm nhưng họ vẫn miễn nhiễm.

Thực tế, nhiều người mắc Covid-19 nhưng không có triệu chứng hoặc triệu chứng rất nhẹ thường nhầm thành sổ mũi, dị ứng thời tiết theo mùa, hắt hơi mùa lạnh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại