Vì sao nhiều bệnh viện lớn thiếu thiết bị y tế, hóa chất?

Hà Minh |

Nhiều bệnh viện đang gặp khó khăn khi không thể đấu thầu, mua sắm thiết bị, vật tư y tế do vướng mắc tại các quy định hiện hành dẫn tới tình trạng thiếu vật tư y tế, hóa chất, thuốc điều trị.

Trong báo cáo của Bệnh viện Việt Đức gửi Bộ Y tế nêu: “Hiện tại hóa chất khí máu chỉ còn đủ dùng 1 tuần, hóa chất ghép tạng đủ dùng cho 2 tuần. Việc thiếu hụt các hóa chất, vật tư này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến khám chữa bệnh”. Về việc mua sắm hóa chất xét nghiệm sử dụng cho các hệ thống xét nghiệm, Bệnh viện Việt Đức cho biết, hiện nay trên thị trường hệ thống máy xét nghiệm chủ yếu là hệ thống máy đóng. Do đó bệnh viện đang gặp một số khó khăn như: mua máy hoặc thuê máy xét nghiệm thì đồng nghĩa với việc bệnh viện phụ thuộc vào hóa chất sử dụng cho máy đó trong suốt dòng đời của máy hay trong thời gian thuê. Điều này dẫn đến không có tính cạnh tranh trong mua sắm hóa chất sinh phẩm sử dụng trong xét nghiệm.

Vì sao nhiều bệnh viện lớn thiếu thiết bị y tế, hóa chất - Ảnh 1.

BV Việt Đức chỉ còn đủ hóa chất cho ghép tạng trong 2 tuần

Trong báo cáo gửi Bộ Y tế, Bệnh viện Việt Đức cũng chỉ ra tình huống: “Hiện nay tại tất cả các bệnh viện đấu thầu hóa chất chạy máy, đơn vị trúng thầu sẽ cung cấp các giải pháp để triển khai xét nghiệm bao gồm phần mềm kết nối với mạng LIS, máy xét nghiệm, chuyển giao kĩ thuật, bảo hành, bảo trì... Tuy nhiên, hiện chưa có các văn bản quy phạm pháp luật quy định, hướng dẫn cho hoạt động này. Bên cạnh đó, danh mục các mặt hàng hóa chất xét nghiệm, vật tư y tế tiêu hao thông thường chưa được chuẩn hóa nên khi tra cứu và so sánh giá vô cùng khó khăn, dẫn tới phát sinh nguy cơ sai sót trong quá trình thực hiện đấu thầu...”.

Nghị định 98 quy định: “Không được mua bán trang thiết bị y tế khi chưa có giá kê khai và không được mua bán cao hơn giá kê khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế tại thời điểm mua bán”. Tuy nhiên, nghị định này cũng chưa quy định thời điểm nào là thời điểm mua. Đây là một trong những nguyên nhân gây khó khăn cho các bệnh viện trong việc xây dựng dự toán, đánh giá hồ sơ dự thầu, thực hiện hợp đồng.

Trao đổi với báo chí, một lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai cho hay, bệnh viện đang thiếu các máy phục vụ điều trị, đặc biệt là máy chẩn đoán hình ảnh, thiết bị chẩn đoán, điều trị trong y học hạt nhân và ung bướu. Lãnh đạo bệnh viện này kể, 3 tuần trước vì thiếu 3 báo giá cho bóng đèn thay thế mà máy Xquang chụp tuyến vú phải bỏ không. Sự thiếu thốn này ảnh hướng đến chất lượng điều trị hàng nghìn bệnh nhân mỗi ngày tại đây. Nguyên nhân được lãnh đạo bệnh viện chỉ ra là do đơn vị không xác định được giá phù hợp.

Cách nào quản lí giá trang thiết bị

Ông Nguyễn Minh Lợi, Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế (Bộ Y tế), cho biết việc đấu thầu mua sắm công phải thực hiện theo Luật Đấu thầu và hướng dẫn của Bộ Kế hoạch - Đầu tư và Bộ Tài chính.

Nếu các đơn vị có khó khăn vướng mắc tổng hợp lại, để Bộ Y tế sẽ đề xuất, sửa đổi. “Hiện tại, trong nước chưa có quy định về mức lợi nhuận, chênh lệch của giá gốc với giá bán ra thị trường, không có quy định giá trần. Thời gian tới khi làm luật về thiết bị y tế, cơ quan quản lí sẽ nghiên cứu, tìm hiểu quy định của các nước về vấn đề này như thế nào để có những sửa đổi phù hợp”, ông Lợi thông tin.

Lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai đề xuất: “Nhà nước nên có quy định về mức độ chênh lệch giá bán ra so với giá gốc bởi hiện nay bệnh viện không biết mua giá nào là hợp lí, vì giá các thiết bị, vật tư do các đơn vị cung cấp tự quyết định, còn bệnh viện không đủ khả năng thẩm định giá”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại