Vì sao Nhật Bản huỷ lệnh đánh chặn tên lửa Triều Tiên?

Ngày 11.5, Nhật Bản cho biết nước này đã hủy bỏ mệnh lệnh, được đưa ra hồi tháng 3 vừa qua, đối với Lực lượng Phòng vệ (SDF) nhằm đánh chặn các tên lửa của Triều Tiên đang bay tới.

Theo các nguồn tin, SDF đã bắt đầu rút một số thiết bị đánh chặn, trong đó có các tên lửa đánh chặn đất đối không Patriot PAC-3 được triển khai ở khu vực trụ sở Bộ Quốc phòng tại trung tâm thủ đô Tokyo.

Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Gen Nakatani ngày 16.3 đã ban bố lệnh sẵn sàng đánh chặn các tên lửa của Triều Tiên đang bay tới.

Việc huỷ bỏ lệnh này được cho là Tokyo nhận thấy không còn mối nguy hiểm trực tiếp từ các tên lửa của Triều Tiên, sau khi tiến hành tham vấn với Mỹ và Hàn Quốc.

Nhật Bản đã cảnh giác vì những lo ngại rằng Triều Tiên có thể làm điều gì đó khiêu khích để phản ứng cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn kết thúc vào cuối tháng Tư, hoặc trong các đại hội đảng cầm quyền Triều Tiên đã kết thúc hôm thứ Hai vừa qua.

Bất chấp các nghị quyết trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Bình Nhưỡng đã tiến hành một vụ thử hạt nhân thứ tư trong tháng Một và phóng tên lửa tầm xa sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo vào tháng Hai.

Trước đó, tờ "The New York Times" của đưa tin, cả Washington và Seoul đều tin rằng Triều Tiên hiện có khả năng lắp đầu đạn hạt nhân nhỏ vào tên lửa có thể tấn công Nhật Bản, Hàn Quốc.

Theo nguồn tin trên, "các quan chức tình báo của Mỹ và Hàn Quốc cho biết họ đã kết luận rằng Triều Tiên hiện có thể lắp một đầu đạn hạt nhân nhỏ vào các tên lửa tầm ngắn và tầm trung có khả năng tấn công nhiều khu vực của Nhật Bản và Hàn Quốc".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại