Với Nhà máy Điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu thuộc Trung tâm Nhiệt điện LNG Bạc Liêu (Singapore) có vốn đầu tư 4 tỷ USD, Singapore tiếp tục là quốc gia "rót" vốn đầu tư lớn nhất vào Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2020.
Ông Kenneth Atkinson, Nhà sáng lập, Tư vấn cấp cao Hội đồng quản trị Grant Thornton Vietnam từng cho biết, thực tế dòng vốn của Singapore đến từ các nước Mỹ và châu Âu.
Dưới đây là những ý kiến đến từ Tiến sĩ Burkhard Schrage - Chủ nhiệm bộ môn Quản trị tại khoa Kinh doanh và Quản trị, Đại học RMIT về lý do các nhà đầu tư Mỹ chọn rót vốn qua một nước thứ 3.
Ông Burkhard Schrage có bằng Tiến sĩ Kinh doanh quốc tế và bằng Thạc sĩ của Trường Luật và Ngoại giao Fletcher, Đại học Tufts, Hoa Kỳ. Trước đây ông từng giảng dạy tại Đại học Quản lý Singapore và Đại học Pennsylvania. Các lĩnh vực nghiên cứu của ông bao gồm quản lý chiến lược, chiến lược thị trường mới nổi, các khía cạnh thực nghiệm của tư nhân hóa và bãi bỏ quy định.
9 tháng đầu năm 2020 chứng kiến sự sụt giảm của dòng vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) vào Việt Nam, bao gồm cả số dự án cấp mới, vốn đầu tư đăng ký và vốn thực hiện. Ông đánh giá thế nào về điều này?
Tiến sĩ Burkhard Schrage: Chín tháng đầu năm 2020 đã có nhiều diễn biến bất thường. Đại dịch đã làm xáo trộn hoạt động kinh tế trên toàn thế giới, khiến nhiều chỉ số bị sai lệch, từ GDP đến dòng chảy thương mại và mô hình FDI.
Một nghiên cứu gần đây của OECD cho thấy hoạt động FDI trên toàn thế giới ước tính sẽ giảm khoảng 30% trong năm nay. Sự sụt giảm này đặc biệt thể hiện rõ trong lĩnh vực nông nghiệp và sản xuất so với lĩnh vực dịch vụ hoặc trong các hoạt động chuyên sâu về nghiên cứu và phát triển (R&D).
Việt Nam là quốc gia nhận được nhiều đầu tư nước ngoài trong chính hai lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề, điều đó lý giải sự sụt giảm khoảng 19% nguồn vốn FDI đăng ký mới trong suốt 9 tháng đầu năm 2020. Mặc dù vậy, so với xu hướng FDI giảm trên toàn cầu, Việt Nam vẫn đang làm tốt hơn nhiều.
Điều thú vị là hầu hết các cam kết đầu tư FDI trước đây vào Việt Nam đều đã được các nhà đầu tư thanh toán ngay từ đầu năm. Điều này cho thấy việc sụt giảm tổng thể nguồn vốn FDI không phải vì tình hình ở Việt Nam mà chủ yếu là do các doanh nghiệp trên thế giới cần tái đánh giá tổng thể và thận trọng hơn trong các hoạt động đầu tư nước ngoài.
Cùng với việc đánh giá lại hoạt động FDI từ các doanh nghiệp nước ngoài, dữ liệu cũng cho thấy mối quan hệ chặt chẽ giữa mức độ nghiêm trọng của đại dịch tại nước sở tại và FDI tại Việt Nam. Ví dụ, mức tăng trưởng GDP ở các nước châu Á nhìn chung ít bị ảnh hưởng hơn (-2,3%) so với các nước châu Âu (-7,2%) và Mỹ (-4,3%).
- Theo số liệu từ Cục đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 9 tháng đầu năm 2020, Singapore tiếp tục là nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam, sau đó là Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc... Ông có nhận xét gì về việc dòng vốn FDI thiếu bóng dáng của các ông lớn Mỹ, châu Âu?
Do chịu ảnh hưởng lớn hơn từ hậu quả kinh tế của đại dịch, các nhà đầu tư từ Châu Âu và Mỹ có vẻ đặc biệt thận trọng hơn trong 9 tháng đầu năm. Thay vì theo đuổi các khoản đầu tư mới trên toàn cầu, các công ty đang chú trọng việc bảo toàn dự trữ tiền mặt - một phản ứng đúng đắn trong thời kỳ khủng hoảng.
Ngoài ra, các công ty châu Âu có thể đã do dự trong việc đầu tư vào Việt Nam trước khi hiệp định EVFTA kết thúc đàm phán vào đầu năm nay và đặc biệt là Hiệp định Bảo hộ Đầu tư đi kèm vẫn đang chờ cả hai bên phê duyệt. Một khi Hiệp định Bảo hộ Đầu tư có hiệu lực, Việt Nam có thể mong đợi nguồn vốn FDI từ châu Âu sẽ tăng lên.
Có thể nói, Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản luôn là những nhà đầu tư nước ngoài mạnh mẽ nhất tại Việt Nam trong những năm gần đây. Do đó, đại dịch đã không làm thay đổi danh sách các nhà đầu tư hàng đầu và các mô hình FDI đã được thiết lập. Việc các quốc gia châu Á tiếp tục dẫn đầu hoạt động FDI tại Việt Nam khẳng định sự gần gũi về địa lý và văn hóa làm gia tăng sức hấp dẫn và thành công của đầu tư nước ngoài.
- Chuyên gia kinh tế từng đề cập đến việc thực tế dòng vốn từ Mỹ đầu tư vào Việt Nam là từ Singapore và các quốc gia thứ 3, nghĩa là họ đầu tư vào một tổ chức ở một quốc gia khác, sau đó tổ chức/công ty này đầu tư vào Việt Nam. Ông nhận định gì về chuyện này?
- Thật sự, trong các cuộc trò chuyện với các nhà đầu tư đang có ý định vào Việt Nam, tôi thường xuyên thấy họ cân nhắc đầu tư thông qua một công ty mẹ đặt tại Singapore.
Lý do chính để làm điều này có liên quan đến hiệu quả pháp lý và hoạt động. Từ góc độ pháp lý hoặc quy định, các giao dịch như thay đổi hoặc thêm cổ đông ở Singapore đơn giản và nhanh chóng hơn ở Việt Nam.
Ví dụ, việc một công ty bán cổ phần cho các nhà đầu tư mới có thể được thực hiện trong vài giờ ở Singapore, trong khi quy trình đó sẽ kéo dài hàng tuần ở Việt Nam. Do có hiệp định chống đánh thuế hai lần giữa hai nước nên không có gánh nặng thuế bổ sung nào phát sinh, nhưng chắc chắn Singapore không phải là “thiên đường thuế” giống như một số địa điểm khác thường xuất hiện nổi bật trong bảng danh sách đầu tư nước ngoài.
Có lẽ quan trọng hơn là những nguyên nhân về vận hành đã khiến Việt Nam thu hút nhiều vốn đầu tư từ Singapore. Các công ty có thể chọn đặt “trụ sở khu vực” tại Singapore, sau đó đưa ra quyết định đầu tư và lựa chọn địa điểm đầu tư khắp châu Á.
Trụ sở Singapore đóng vai trò “phân bổ tài sản” trên khắp các nước trong khu vực, chứ không phải là trụ sở toàn cầu. Ngoài chức năng này, trụ sở khu vực tại Singapore cũng có thể đóng vai trò là văn phòng hỗ trợ hoặc nền tảng dịch vụ cho tất cả các hoạt động FDI trong khu vực.
Đây là nơi khởi nguồn cho các sáng kiến marketing toàn khu vực, xây dựng các nguyên tắc kỹ thuật hoặc các chính sách tài chính. Từ góc độ tổ chức, thay vì hoạt động FDI đến từ Cupertino ở California chẳng hạn, quyết định điều hành các khoản đầu tư trong khu vực sẽ do trụ sở chính trong khu vực chịu trách nhiệm, phù hợp với cơ cấu tổ chức toàn cầu thường thấy.
Việt Nam có nhiều khả năng vẫn là “điểm đến” của các hoạt động FDI chứ không phải là “trung tâm” như Singapore. Việt Nam cần thực hiện một số cải cách cơ cấu cần thiết về hiệu quả hành chính, quy tắc quản trị doanh nghiệp, quy trình pháp lý và cả một đội ngũ lao động trình độ cao trong nhiều lĩnh vực khác nhau trước khi có thể sánh ngang với Singapore như là một trung tâm FDI.
- Theo ông, Việt Nam cần làm gì để thu hút thêm nguồn vốn FDI chất lượng cao?
Việt Nam là địa điểm hấp dẫn thu hút các hoạt động FDI vì đã có lực lượng lao động bán lành nghề với mức lương cạnh tranh so với các nhà sản xuất trên thế giới. Và Việt Nam là một lựa chọn khả thi thay thế Trung Quốc, trở thành địa điểm tập trung sản xuất trong thời gian gần đây.
Thật không may, các dự án đầu tư nhằm vào tìm kiếm lao động giá rẻ chỉ có rất ít tác động lan tỏa tích cực đối với xã hội và nền kinh tế. Ngoài ra, là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới, Việt Nam sẽ thiếu hụt lao động trẻ và năng suất cao trong trung hạn. Điều cần thiết đối với Việt Nam là thu hút các khoản đầu tư tạo nhiều giá trị gia tăng.
Hãy nhìn vào ngành dệt may, một trong những ngành có mức tuyển dụng cao nhất tại Việt Nam. Ngành này có chuỗi giá trị toàn cầu phức tạp bao gồm các khâu từ R&D, thiết kế, hậu cần, sản xuất, marketing, phân phối và bán lẻ. Thực tế cho thấy Việt Nam có lẽ đang đảm nhiệm phần có giá trị gia tăng thấp nhất trong chuỗi giá trị toàn cầu, đó là lắp ráp và may sản phẩm.
Việt Nam phải nghiêm túc xem lại năng lực quốc gia trong lĩnh vực R&D, hậu cần hay marketing chẳng hạn. Điều này đòi hỏi phải rà soát lại hệ thống giáo dục ở nhiều cấp độ.
Việt Nam cũng cần đưa ra các biện pháp khuyến khích có hệ thống hơn để thu hút nhân tài nước ngoài vào Việt Nam, hoặc có các ưu đãi có mục tiêu để thu hút đầu tư vào các hoạt động cụ thể.
Các cơ quan chức năng của Việt Nam cũng có thể tích cực theo đuổi chính sách xây dựng các cụm công nghiệp. Một thành công tương tự gần đây là cụm công nghiệp lắp ráp tai nghe của Apple tại tỉnh Bắc Giang. Các công ty lắp ráp đã thu hút các nhà cung cấp linh kiện khác đặt trụ sở sản xuất gần nhà máy của họ. Cuối cùng, cụm công nghiệp mới chớm nở này có thể thu hút các nhà sản xuất tai nghe khác đến đây vì có sẵn nguồn nhân lực có tay nghề cao về các bộ phận âm thanh.
Có lẽ quan trọng nhất, việc chuyển sang các hoạt động tạo ra giá trị nhiều hơn ở Việt Nam đòi hỏi sự thay đổi trong tư duy của các doanh nhân và doanh nghiệp. Mọi người hiện tập trung quá nhiều vào các "tài sản hữu hình" như nhà máy, nhưng lại không tập trung đủ vào "tài sản vô hình" như R&D, xây dựng danh tiếng, kiến thức hoặc kỹ năng thiết kế. Việc củng cố năng lực kinh doanh trong các hạng mục này là thách thức thực sự đối với thế hệ lãnh đạo doanh nghiệp hiện tại và tương lai.
Cảm ơn các chia sẻ của ông!