Vì sao nguồn thu của Nga không giảm dù ngừng bán khí đốt cho nhiều nước châu Âu?

Minh Hạnh |

Việc Nga yêu cầu các quốc gia "không thân thiện" ở châu Âu phải trả tiền mua khí đốt bằng đồng rúp đang gây ra không ít thiệt hại. Xuất khẩu khí đốt tự nhiên của Nga đã giảm hơn một phần tư kể từ tháng 1. Tuy nhiên việc giá khí đốt tăng cao đã giúp kho bạc Nga duy trì nguồn thu bất chấp việc cắt giảm xuất khẩu.


Theo CNN, xuất khẩu khí đốt từ Nga sang 11 quốc gia ở Trung Á và Đông Âu không thuộc Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) đã giảm gần 28% trong 5 tháng đầu năm 2022, tập đoàn năng lượng nhà nước Nga Gazprom cho biết hôm 1/6.

Đến nay, Gazprom đã cắt ít nhất 20 tỷ mét khối nguồn cung khí đốt hằng năm cho các khách hàng ở 6 quốc gia châu Âu là Ba Lan, Bulgaria, Phần Lan, Đan Mạch, Đức và Hà Lan vì những khách hàng này không thanh toán bằng đồng rúp. Theo số liệu của Cơ quan Năng lượng Quốc tế, con số này chiếm gần 13% tổng lượng khí đốt nhập khẩu hằng năm của Liên minh châu Âu (EU) từ Nga.

Kể từ khi Tổng thống Nga Vladimir Putin ra "tối hậu thư" yêu cầu thanh toán tiền mua khí đốt bằng đồng rúp, tập đoàn Gazprom đã đưa ra cho khách hàng một giải pháp thay thế. Người mua có thể thanh toán bằng đồng euro và đô la vào một tài khoản tại ngân hàng Gazprombank của Nga, sau đó sẽ đổi sang đồng rúp và chuyển tiền sang tài khoản thứ 2 để thanh toán cho Nga.

Nhiều khách hàng lớn đã chấp nhận đề xuất của Gazprom, nhưng một số thì không. Hôm 31/5, công ty Shell Energy (Đức) tuyên bố "không đồng ý với điều khoản thanh toán mới", buộc Gazprom phải ngừng cung cấp khí đốt. Tương tự, GasTerra của Hà Lan cũng cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Hai rằng họ sẽ không tuân thủ "các yêu cầu thanh toán đơn phương" của Gazprom.

Cùng lúc đó, EU đang nhanh chóng giảm bớt phụ thuộc vào Moscow, tăng cường nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) và cam kết cắt giảm tiêu thụ khí đốt của Nga tới 66% trước cuối năm nay.

Các quốc gia cũng đang chạy đua để lấp đầy các cơ sở lưu trữ khí đốt trước mùa đông để tránh những cú sốc nguồn cung thảm khốc. EU đã đặt mục tiêu khí đốt trong kho chứa ngầm của các quốc gia thành viên phải đầy ít nhất 80% vào tháng 11.

Đức, nền kinh tế lớn nhất của khối, đặc biệt phụ thuộc vào khí đốt của Nga để cung cấp năng lượng cho các hộ gia đình và ngành công nghiệp nặng. Nhưng Berlin đã cố gắng giảm thị phần nhập khẩu khí đốt của Mátxcơva từ 55% (trước khi xung đột Ukraine bùng phát) xuống 35%.

Dù vậy, Nga dường như vẫn chưa cảm nhận được tác động từ việc này. Giá dầu và khí đốt tự nhiên tăng cao đã làm tăng doanh thu của Nga, bất chấp việc cắt giảm xuất khẩu.

Theo báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch, nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch của EU từ Nga đã giúp Mátxcơva thu về 47 tỷ USD trong 2 tháng sau khi Nga khai màn chiến dịch ở Ukraine Ukraine, gấp đôi giá trị cùng kỳ năm 2021.

James Huckstepp, chuyên gia phân tích tại S&P Global Commodity Insights cho biết giá khí đốt đã tăng lên mức trung bình 102 USD/megawatt giờ vào năm 2022 so với năm ngoái. Do đó, "không có khả năng Nga sẽ thu về ít hơn đáng kể cho đến khi tiếp tục cắt giảm lượng khí đốt bán ra", Huckstepp nói.

Một số công ty năng lượng lớn nhất châu Âu đã bắt đầu quá trình mở tài khoản mới với ngân hàng Gazprombank để giữ cho khí đốt được lưu thông, bất chấp việc các quan chức EU khăng khăng rằng động thái này sẽ vi phạm các lệnh trừng phạt đối với Nga.

Nhưng khi châu Âu quay lưng với khí đốt của Nga trong những tháng tới, Mátxcơva sẽ khó tìm được người mua thay thế - như cách họ đã làm đối với dầu thô - vì khí đốt xuất khẩu chủ yếu được cung cấp qua đường ống, có thể mất nhiều năm để xây dựng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại