Vì sao người dân đổ xô mua vàng lúc giá cao, thờ ơ khi bình ổn?

THÀNH LÂM/VTC News |

Trái với việc đổ xô đi mua vàng miếng SJC khi giá lập đỉnh cao nhất lịch sử, khi giá vàng được bình ổn thì người dân lại thờ ơ khiến sức mua giảm mạnh.

Lý giải nguyên nhân của nghịch lý này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, cho rằng đó hoàn toàn là do tâm lý của người tiêu dùng. “Khi giá vàng tăng cao, dù đã ở mức đỉnh, người dân lại có tâm lý nếu hôm nay không mua thì ngày mai giá sẽ tăng tiếp, mua sẽ bị đắt. Đồng thời, việc nhiều dự báo cho rằng giá vàng thế giới sẽ lên tới 3.000 USD/ouce càng khiến nhiều người tin vàng trong nước tiếp tục tăng theo và càng đổ xô mua”, ông Lâm phân tích.

Ngoài ra, theo ông Lâm, ở thị trường trong nước, thời điểm người dân đổ xô đi mua vàng cũng là lúc các kênh đầu tư như gửi tiết kiệm ngân hàng, tín phiếu, trái phiếu, bất động sản…đang không có sức hút mạnh với nguồn tiền nhàn rỗi, khiến ngoài vàng, người dân không còn kênh đầu tư nào khác để lựa chọn.

“Thời điểm đó, lãi suất huy động ở mức thấp nhất trong vòng 20 năm qua, chỉ khoảng 4%/năm. Nhiều người dân vì thế đã tìm đến vàng như một kênh giữ tiền trong bối cảnh giá liên tục phi mã. Hiện tượng này chính là kết quả của hiệu ứng đám đông cũng như tác động của các thông tin dự đoán chưa có độ xác thực” , ông Lâm nói.

Vì sao người dân đổ xô mua vàng lúc giá cao, thờ ơ khi bình ổn?- Ảnh 1.

Người dân xếp hàng chờ mua vàng miếng, bất chấp giá vượt 90 triệu đồng/lượng, cao nhất lịch sử. (Ảnh minh họa: Minh Đức)

Còn lý giải về việc người dân thờ ơ khi giá vàng miếng SJC đã giảm sâu và tiến gần với giá thế giới, chuyên gia Nguyễn Bích Lâm nhận định nguyên nhân là do giá vàng trong nước không còn biến động mạnh, khiến tâm lý người dân cũng ổn định hơn, không còn quá hứng thú mua để giữ tài sản như trước nữa. Cùng với đó, một số kênh đầu tư khác có dấu hiệu phục hồi nên người dân cũng có nhiều lựa chọn hơn. Ví dụ hiện tại lãi suất huy động của ngân hàng đã đồng loạt tăng, lên mức 6%/năm.

Ở góc nhìn khác, ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, cho rằng một nguyên nhân không nhỏ khiến người dân không còn hào hứng với việc mua vàng là do hoạt động mua vàng qua hình thức trực tuyến gặp nhiều khó khăn khiến nhiều người muốn mua cũng không được. Trong khi đó, trên thị trường thì các cửa hàng hiện đang khan hiếm nên dừng bán vàng miếng, ngay cả vàng nhẫn cũng chỉ được bán "nhỏ giọt".

"Hiện nay, rất nhiều người nản khi mua vàng trực tuyến từ các ngân hàng. Không chỉ thao tác khó thực hiện mà còn phải chờ đợi quá lâu và bị hạn chế số lượng với mỗi lần mua. Những điều này khiến họ không muốn mua nữa", ông Hùng nói.

Cũng theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng, trước đó có thời điểm người dân xếp hàng mua vàng giá bình ổn nhưng không hẳn đến từ nhu cầu thực tế mà có tình trạng các đầu nậu kinh doanh thấy vàng miếng bình ổn bán thấp hơn nên thuê người đi xếp hàng mua để về bán chênh lệch kiếm lời. Nhưng hiện nay, khi vàng bình ổn được bán trực tuyến, mọi thứ minh bạch hơn thì tình trạng này cũng chấm dứt.

Ngoài ra, giá vàng miếng SJC đã được NHNN niêm yết công khai và ổn định trên thị trường giao dịch bên ngoài nhiều ngày qua. Do đó, việc giá vàng miếng tăng hay giảm cũng không còn tác động nhiều đến tâm lý người dân, họ không sốt ruột theo dõi và đổ xô đi mua nữa.

Ông Hùng cho rằng, để giải quyết nhu cầu thực của những người muốn mua vàng miếng SJC, Hiệp hội Kinh doanh vàng đã có văn bản gửi Thủ tướng và NHNN đề nghị ngoài việc mua bán vàng trực tuyến qua các ngân hàng thương mại, có thể cho phép những doanh nghiệp kinh doanh vàng trên thị trường được tham gia bán vàng bình ổn theo quy định và giá bán của Nhà nước.

"K hi đó, kênh phân phối vàng rộng hơn, người dân cũng có thể tiếp cận với việc mua bán vàng miếng SJC dễ dàng hơn. Nguồn cầu lúc đó có thể tăng trở lại ", ông Hùng nêu.

Vì sao người dân đổ xô mua vàng lúc giá cao, thờ ơ khi bình ổn?- Ảnh 3.

Cửa hàng vắng bóng người mua khi giá vàng được bình ổn. (Ảnh minh họa: Minh Đức)

Nhận định về sức hấp dẫn của vàng đối với thị trường đầu tư trong thời gian tới, ông Tạ Thanh Tùng, Trưởng phòng Nghiên cứu & Tư vấn Bất động sản Công ty FIDT, cho rằng trong ngắn hạn, vàng vẫn còn dư địa tăng trưởng ở 6 tháng cuối năm nhưng không còn quá nhiều, không còn hấp dẫn để đổ vốn đầu tư nữa.

Do vậy, nửa thời gian còn lại của năm 2024, vàng vẫn nên có trong danh mục đầu tư, nhưng nên coi đây là tài sản phòng thủ, tỷ trọng nắm giữ không nên vượt mức 5%. Trong dài hạn, khi kinh tế thế giới tốt hơn thì giá vàng sẽ ổn định hơn, nhà đầu tư hãy nắm giữ các tài sản khác sẽ hấp dẫn hơn.

Chung quan điểm, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Vietnam, nhận định vàng là tài sản nhà đầu tư trú ẩn khi có những dấu hiệu bất ổn về kinh tế, chính trị. Nhưng hiện chúng ta đã đi qua những giai đoạn bất ổn, nên kênh đầu tư này sẽ không còn được tìm kiếm nữa.

“Dù sự bất ổn ở thời điểm này không phải đã kết thúc nhưng vàng chỉ tăng mạnh khi những bất ổn bùng phát mạnh. Trong giai đoạn tới, vàng chỉ nên là kênh phòng thủ, phòng trường hợp có những cuộc khủng hoảng khác, không nên chôn vốn quá nhiều vào vàng. Mùa xuân đẹp nhất của vàng đã đi qua, có thể chỉ còn vài làn gió thỉnh thoảng thổi”, ông Minh nói.

Ngày 7/8, giá vàng miếng SJC do 4 ngân hàng thương mại nhà nước gồm Agribank, BIDV, Vietcombank và VietinBank công bố tiếp tục giữ mức cũ là 76,98 triệu đồng/lượng. Đây là phiên thứ 22 liên tiếp giá vàng miếng SJC được các ngân hàng bán ra ổn định ở mức này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại