Chương trình Sữa học đường: Thí điểm 3 huyện nhưng... 17 huyện tham gia
Tháng 10/2015, UBND tỉnh Nghệ An ban hành quyết định về đề án "Thí điểm chương trình sữa học đường trên địa bàn tỉnh Nghệ An năm học 2015-2016".
Chương trình ban đầu thí điểm trên 3 huyện, thị là TP. Vinh, huyện Quỳnh Lưu và huyện Kỳ Sơn. Thế nhưng kết thúc năm học, chương trình đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của phụ huynh và đã có 17 huyện, thị tham gia.
Theo nội dung đề án, tất cả học sinh mẫu giáo và tiểu học tỉnh Nghệ An được sử dụng 1 hộp sữa tươi sạch (180ml) mỗi ngày, 5 ngày/1 tuần trong suốt năm học.
Chương trình miễn phí 100% chi phí sữa cho học sinh thuộc diện hộ nghèo, con thương binh, con liệt sỹ, người có công với cách mạng.
Học sinh hộ cận nghèo được tài trợ 50% chi phí sản phẩm. Các học sinh còn lại được tài trợ 30% chi phí sữa.
Với cơ chế trên, tuỳ từng gia đình sẽ phải đóng góp từ 50-70% chi phí sản phẩm sữa. Được biết, phần hỗ trợ sẽ được trích 15% từ ngân sách nhà nước, 10% từ Tập đoàn TH, còn lại sẽ huy động nguồn lực từ các Mạnh Thường Quân.
Chương trình Sữa học đường Nghệ An có sự vào cuộc mạnh mẽ của ngành Y tế, Giáo dục. Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Xuân Hồng - PGĐ Sở Y tế Nghệ An, người trực tiếp trèo đèo lội suối triển khai chương trình, khẳng định đây là chương trình rất tốt và mang tính nhân văn, hướng tới lợi ích cho trẻ em nghèo, vùng sâu vùng xa.
"Năm học trước, tỉnh đề ra thí điểm 3 huyện, thành thị và khuyến khích các huyện khác nhưng đã đạt sự đồng thuận cao, đến 17 huyện thị tham gia.
Phải nói rằng chương trình rất tốt, đạt được nhiều lợi ích nên mọi người rất đồng tình hưởng ứng", ông Hồng nói.
Theo ông Hồng, chỉ năm đầu thực hiện, đã có hơn 215.000 học sinh tiểu học và mầm non, đạt 50% tổng số học sinh trên toàn tỉnh được uống sữa của chương trình.
Ông Nguyễn Xuân Hồng - PGĐ Sở Y tế Nghệ An
Trên nền kết quả đạt được, năm học 2016-2017 này tỉnh Nghệ An đã tiếp tục ban hành Đề án "Thí điểm mở rộng Chương trình Sữa học đường trên địa bàn tỉnh năm học 2016 - 2017".
Về cơ bản, chương trình được thực hiện với cơ chế như năm đầu thí điểm. Nhưng năm nay, chương trình mở rộng thí điểm trên địa bàn toàn tỉnh với 21 huyện, thành thị, phấn đấu 100% số học sinh trong lứa tuổi được uống sữa học đường.
Nói về thành công của chương trình dù chỉ mới là thí điểm, ông Hồng cho rằng đó là kết quả sự đồng thuận của cả 1 hệ thống, sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh cùng các Sở, ban ngành và sự vào cuộc của các địa phương.
Ngoài ra, vai trò quan trọng chính là sự đóng góp của tập đoàn TH, tâm huyết với trẻ em và với Chương trình Sữa học đường của bà Thái Hương- lãnh đạo tập đoàn.
Bà Thái Hương – Chủ tịch tập đoàn TH – Người có đóng góp rất lớn trong Chương trình Sữa học đường
"Năm trước thí điểm nhưng tại sao năm nay vẫn dùng từ thí điểm là vì năm trước thí điểm 3 huyện, còn năm nay thí điểm mở rộng ra toàn tỉnh.
Chương trình tốt thì tốt thật nhưng cần kinh phí để đảm bảo, để bền vững chứ không phải năm một năm hai.
Hiện Đề án đã được ban hành với tổng nguồn lực của toàn xã hội, nếu như thực hiện đủ 100% thì số kinh phí huy động sẽ rất lớn. Và như thế, phúc lợi cho các cháu được hưởng cũng là rất lớn.
Để chương trình triển khai toàn tỉnh, vai trò của người dân rất quan trọng. Diện hộ nghèo được miễn thì rất là mừng rồi. Nhưng hộ cận nghèo đóng 50% chi phí thì họ phải rất cố gắng.
Cơm ăn đôi khi còn chưa đủ, vì thế vận động họ tham gia và đóng 50% là rất nỗ lực", ông Hồng chia sẻ.
Về chi phí uống sữa cho trẻ em thuộc diện hộ nghèo, ông Hồng băn khoăn: Nghệ An chưa có nhiều kinh nghiệm huy động các nguồn lực hỗ trợ cho trẻ, nên để duy trì lâu dài, cần có sự nỗ lực lớn.
Ồng Hồng mong các tầng lớp nhân dân, Mạnh Thường Quân sẽ tiếp tục đồng hành cùng chương trình để mang lại lợi ích dinh dưỡng, phát triển thể lực, tầm vóc cho trẻ em nhất là trẻ em nghèo vùng sâu, vùng xa.
"Mong chương trình tiếp tục"
Có lẽ, người thích thú và sung sướng nhất khi tham gia Chương trình Sữa học đường chính là những học sinh nghèo, khó khăn - những đứa trẻ coi sữa là một món quà xa xỉ.
Em Nguyễn Văn Thành (học sinh lớp 4 trường tiểu học xã Hưng Lộc, TP. Vinh, Nghệ An) là một trong những trường hợp đặc biệt: Học sinh nghèo được uống sữa miễn phí từ Chương trình.
Gia đình Thành là hộ nghèo đặc biệt khó khăn ở xã cả chục năm nay. Từ khi sinh ra Thành đã rơi vào hoàn cảnh éo le, Thành phải sống cùng người bà tàn tật trong ngôi nhà nhỏ.
Nhà nghèo nên cuộc sống của gia đình Thành cũng thiếu thốn đủ bề. Cũng vì thế nên được uống sữa đối với Thành là ước mơ.
"Tôi tật từ nhỏ không làm được gì nên bán cốc nước, vài gói bánh kiếm tiền ăn hàng ngày mà chẳng đủ. Ngày xưa thì chắc là 1 vài tháng mới cho thằng Thành được 1 hộp sữa uống vì tiền ăn còn không đủ lấy đâu ra sữa cho cháu uống.
Năm ngoái trường có chương trình cho các cháu uống sữa, cháu nhà tôi thuộc diện hộ nghèo nên được miễn phí, cũng đỡ tội cho cháu. Đi học được uống sữa nên nó thích lắm. Giờ trông nhỏ thế thôi nhưng được uống sữa nên nó mới được như thế đó. Trước nó còn còi xương, thấp lắm" bà Lê Thị Hoa (59 tuổi- bà ngoại Thành) chia sẻ.
Bà Hoa chia sẻ, bà rất mong muốn Chương trình sữa học đường tiếp tục được thực hiện để cháu bà và những học sinh nghèo khác có cơ hội được uống sữa.
Khi được hỏi uống sữa có thích không, Thành chạy đến ôm cổ bà đùa nghịch rồi ngây thơ nói: "Cháu thích. Đi học thì được uống sữa chứ bữa hè không được uống. Ngày nào cũng được đi học để uống sữa thì sướng".
TH true Milk trao tặng 200 tỉ đồng bằng sữa
Tại Cầu truyền hình trực tiếp "Sữa học đường – Vì tầm vóc Việt" ngày 28/10/2016, doanh nhân Thái Hương cùng tập đoàn TH đã trao tặng tài khoản Sữa học đường – Vì tầm vóc Việt 25 triệu ly sữa tương đương 200 tỷ đồng để hỗ trợ các em học sinh trong 5 năm tới.