Vì sao ngay sau khi "trắng án", Tổng thống Trump chủ động điện đàm với Tổng thống Putin?

Đại sứ Nguyễn Quang Khai |

Cuộc đàm thoại này kéo dài gần một tiếng rưỡi đồng hồ. Đây là cuộc nói chuyện lâu nhất của hai ông Trump-Putin kể từ năm 2018.

Ngày 3/5/2019, Thư ký báo chí của Tổng thống Nga Dmitry Peskov cho biết, theo đề nghị của phía Mỹ, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có cuộc nói chuyện qua điện thoại.

Cuộc đàm thoại này kéo dài gần một tiếng rưỡi đồng hồ. Đây là cuộc nói chuyện lâu nhất của hai vị Tổng thống kể từ sau cuộc gặp thượng đỉnh Helsinki 16/7/2018, đề cập một cách toàn diện nhất đến các vấn đề quan trọng nhất của thế giới hiện nay.

Cuộc đàm thoại này diễn ra chỉ ít ngày trước khi diễn ra cuộc gặp giữa hai Ngoại trưởng Nga-Mỹ Sergei Lavrov và Mike Pompeo dự kiến được tổ chức ngày 6-7/5/2019 tại Phần Lan.

Vì sao TT Trump chủ động đề nghị đàm thoại với TT Putin?

Trong suốt hai năm rưỡi nhiệm kỳ Tổng thống của mình, ông Trump đã đối phó thành công với một chiến dịch chính trị khốc liệt nhất nhằm vào ông. Ngày 18/4/2019, Bộ Tư Pháp Mỹ đã công bố báo cáo kết quả điều tra của công tố viên đặc biệt Robert Mueller về nghi án Nga can thiệp vào bầu cử Tổng thống Mỹ.

Sau 22 tháng điều tra, ông Mueller đã đi đến kết luận không có bằng chứng nào cho thấy có sự thông đồng giữa ê-kíp vận động tranh cử của ông Trump với Nga vào năm 2016. Như vậy, ông Trump đã được "cởi trói" và tự do liên hệ với Moskva.

Trong thời gian ngắn ngủi đó, mặc dù có rất nhiều vấn đề nội bộ đeo đuổi, ông Trump đã làm được nhiều việc củng cố được vị thế của mình ở trong nước, tăng thêm cơ hội thắng cử nhiệm kỳ hai vào năm 2020. Tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống còn 3,6%, mức thấp nhất kể từ 50 năm nay. 263 ngàn việc làm được tạo ra, gần gấp rưỡi so với dự báo của các chuyên gia.

Vì sao ngay sau khi trắng án, Tổng thống Trump chủ động điện đàm với Tổng thống Putin? - Ảnh 1.

2 Tổng thống đã có cuộc điện đàm dài nhất kể từ năm 2018. Ảnh: Reuters

Trung tâm nghiên cứu chính trị Havard và Harris Insights & Analytics công bố kết quả thăm dò dư luận cho biết 65% người dân Mỹ phản đối luận tội Trump.

Nước Nga đang khôi phục lại vai trò cường quốc của mình và ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề khu vực và quốc tế. Các vấn đề cắt giảm vũ khí chiến lược, phi hạt nhân hoá bán đảo Triều Tiên, Ucraina, cuộc khủng hoảng Venezuela....không thể giải quyết được nếu không có sự tham gia của Moskva.

Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump đã cam kết nếu thắng cử sẽ cải thiện quan hệ với Nga. Đây là thời điểm tốt nhất để thực hiện lời hứa cuối cùng của ông.

Hai ông Trump-Putin đã đề cập những vấn đề gì trong đàm thoại?

Vấn đề Triều Tiên

Phát ngôn viên Nhà Trắng Sarah Sanders cho biết, hai nhà lãnh đạo đã nói rất nhiều về Triều Tiên. Tổng thống Putin thông báo với ông Trump kết quả cuộc hội đàm với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Vladivostok vào tuần trước.

Ông Putin nhấn mạnh rằng việc Triều Tiên thực hiện các nghĩa vụ của mình phải được đi kèm với các bước đi đối ứng của Mỹ. Washington cần giảm các biện pháp trừng phạt để khuyến khích Triều Tiên có các bước đi trong tiến trình phi hạt nhân hoá.

Về phần mình, ông Trump kêu gọi Tổng thống Putin gây áp lực với Triều Tiên để phi hạt nhân hóa. Hai bên nêu rõ tầm quan trọng của việc tiếp tục các cố gắng tiến tới phi hạt nhân hóa và lập lại ốn định lâu dài trên Bán đảo Triều Tiên.

Vì sao ngay sau khi trắng án, Tổng thống Trump chủ động điện đàm với Tổng thống Putin? - Ảnh 2.

Vấn đề Triều Tiên được thảo luận rất lâu trong cuộc điện đàm giữa hai ông Trump-Putin. Ảnh: AP

Về tình hình ở Venezuela và Ukraine

Đề cập tới tình hình Venezuela, Tổng thống Putin nhấn mạnh rằng sự can thiệp vào công việc nội bộ và các mưu toan dùng sức mạnh nhằm thay đổi chính quyền đang gây tổn hại cho một giải pháp chính trị. Còn ông Trump thì nói rõ "Mỹ ủng hộ người dân Venezuela".

Về Ukraine, ông Putin nhấn mạnh rằng chính quyền mới của Kiev cần phải có các bước đi thực sự để thực hiện các thỏa thuận Minsk.

Thỏa thuận hạt nhân và vũ khí chiến lược và tấn công

Hai tổng thống đã tái khẳng định sự cần thiết tăng cường đối thoại trong các lĩnh vực khác nhau, trong đó các vấn đề ổn định chiến lược. Hai bên đã để cập đến khả năng ký kết một thỏa thuận về các lực lượng hạt nhân tầm trung-Intermediate -Range Nuclear Forces (INF) mới giữa Nga, Mỹ và Trung Quốc, cũng như việc gia hạn thỏa thuận về cắt giảm vũ khí chiến lược và tấn công-Strategic Arms Reduction Treaty (START).

Quan hệ thương mại và báo cáo Mueller

Ông Putin và Trump cũng đã thảo luận ngắn về trao đổi thương mại giữa hai nước. Theo Tổng cục Hải quan Liên bang, năm 2018, kim ngạch thương mại giữa Nga và Mỹ đã lên tới khoảng 25 tỷ USD, tăng 8% so với năm 2017.

Ngoài ra, hai Tổng thống đã trao đổi lướt qua về báo cáo của Mueller khẳng định không có bằng chứng Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016.

Điện Kremlin cho biết, Putin và Trump tỏ hài lòng về nội dung cuộc đàm thoại mang tính xây dựng. Hai bên cũng đồng ý tiếp tục quan hệ ở các cấp khác nhau. Trong khi đó, Nhà Trắng đã gọi cuộc nói chuyện giữa hai Tổng thống vừa qua là tích cực.

Triển vọng quan hệ Nga-Mỹ thời gian tới

Quan hệ Nga-Mỹ đã xuống tới mức thấp nhất kể từ khi chiến tranh lạnh kết thúc. Trước đây Tổng thống Trump đã huỷ hai cuộc gặp với Tổng thống Putin, một dự kiến tổ chức nhân dịp Hội nghị APEC tại Đà Nẵng tháng 11/2017 do tình hình Syria, một bên lề Hội nghị G-20 tại Buenos Aires tháng 11/2018 do sự cố eo biển Kerch Ucraine.

Ngay cả cuộc gặp thưởng đỉnh Nga-Mỹ tại Helsinki tháng 7/2018 diễn ra nhưng không khí bao trùm hết sức căng thẳng. Cuộc đàm thoại mới đây nhất ngày 29/3/2018 cũng chỉ mang tính chất xã giao thông thường khi ông Trump chúc mừng Tổng thống Putin thắng cử.

Vì sao ngay sau khi trắng án, Tổng thống Trump chủ động điện đàm với Tổng thống Putin? - Ảnh 3.

Cải thiện quan hệ giữa Washington và Moskva sẽ góp phần làm dịu tình hình căng thẳng trên thế giới. Ảnh: AFP

Cuộc nói chuyện qua điện thoại giữa Tổng thống Trump và Tổng thống Putin lần này được cả hai bên đánh giá là thiện chí và mang tính chất xây dựng nhất từ trước tới nay. Trong khi tình hình quốc tế căng thẳng và phức tạp thì các cuộc nói chuyện qua điện thoại giữa các nhà lãnh đạo cao nhất của các cường quốc luôn luôn là dấu hiệu tích cực góp phần làm dịu tình hình.

Ngay sau khi kết thúc đàm thoại, Tổng thống Trump đã viết trên trang Twiter của mình: "Đã có một cuộc nói chuyện rất tốt ngày hôm qua với Tổng thống Nga Putin. Có tiềm năng rất lớn về mối quan hệ tuyệt vời với Nga, bất chấp những gì bạn đọc và thấy nhiều tin tức giả trên các phương tiện truyền thông".

Ông Trump nói tiếp với các công dân Mỹ: "Hãy nhìn xem, mọi người đã bị lừa gạt về vấn đề thông đồng với Nga như thế nào. Thế giới có thể trở thành một nơi tốt hơn và an toàn hơn. Tuyệt vời!".

Vì sao ngay sau khi trắng án, Tổng thống Trump chủ động điện đàm với Tổng thống Putin? - Ảnh 4.

Phía Nga cho biết hai tổng thống đã khẳng định mong muốn chung về "tăng cường đối thoại trong nhiều lĩnh vực, tập trung vào việc khắc phục các vấn đề tích tụ lâu nay trong quan hệ Nga-Mỹ, bao gồm cả các vấn đề ổn định chiến lược". Cả hai bên đề mong muốn tiếp tục đối thoại.

Cuộc đàm thoại Trump-Putin lần này có ý nghĩa quan trọng, ảnh hưởng to lớn đến quan hệ quốc tế. Nhiều nhà quan sát chính trị lạc quan cho rằng một giai đoạn mới trong quan hệ Nga-Mỹ đang được mở ra.

Mỹ sẽ hợp tác với Nga để giải quyết các cuộc xung đột khu vực cũng như các vấn đề mang tính chất toàn cầu. Dưới ánh sáng kết quả đàm thoại Trump-Putin, cuộc gặp Pompeo-Lavrov tại Phần Lan ngày 6-7/5/2019 sẽ đi vào thực chất hơn.

Thế giới chờ đợi gì sau cuộc đàm thoại Trump-Putin?

Cuộc đàm thoại Trump-Putin ngày 3/5/2019 mới chỉ là dấu hiệu ban đầu về sự cần thiết hợp tác Nga-Mỹ nhằm giải quyết các vấn đề trong quan hệ quốc tế. Những bất đồng giữa hai bên còn hết sức phức tạp, không thể giải quyết một sớm một chiều.

Việc đàm phán để đạt được một Hiệp ước mới về các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) bao gồm cả Trung Quốc là vấn đề lớn nhất không chỉ trong quan hệ Nga-Mỹ mà còn mang ý nghĩa toàn cầu. Đây là vấn đề khó khăn và phức tạp nhất.

Khi ký kết INF (1987) và START (1991) giữa Liên Xô và Mỹ, lực lượng hạt nhân của Trung Quốc còn chưa mạnh. Nay Trung Quốc đã trở thành một trong các cường quốc hạt nhân. Việc đưa Trung Quốc tham gia vào INF là cần thiết.

Tuy nhiên, trong tình hình quan hệ căng thẳng Trung-Mỹ hiện nay, có lẽ Bắc Kinh không quan tâm tới việc tham gia hai Hiệp ước này. Hơn nữa, nếu Trung Quốc tham gia mà Ấn Độ và Pakistan cũng là hai cường quốc hạt nhân không tham gia thì INF và START mới sẽ không đầy đủ.

Cuộc khủng hoảng Venezuela cũng là vấn đề khó thoả hiệp. Mỹ coi các nước Nam Mỹ là sân sau của mình nên không chấp nhận ảnh hưởng của Nga ở khu vực này. Ngay từ khi Hogo Chavez lên cầm quyền năm 1999, Mỹ đã thi hành chính sách chống Venezuela.

Việc Tổng thống Trump ủng hộ Tổng thống tự xưng Juan Guaido và tìm cách lật đổ Tổng thống Nicolas Maduro là nằm trong chính sách lâu nay của Washington. Mỹ khó có thể nhượng bộ với Nga trong vấn đề này.

Vấn đề hạt nhân Triều Tiên, Ucraine mặc dù có nhiều khó khăn, nhưng hy vọng có thể đạt được thoả thuận dễ dàng hơn trên cơ sở Tuyên bố Trump-Kim (12/6/2018) tại Singapore và Thoả thuận Minsk ký kết giữa Ucraina, Nga, Đức, Pháp (12/2/2015).

Chưa thể nói gì nhiều về tương lai của mối quan hệ Nga-Mỹ, nhưng cuộc nói chuyện qua điện thoại giữa Tổng thống Trump và Tổng thống Putin vừa qua đang thổi một luồng gió mới vào quan hệ giữa hai cường quốc.

Cải thiện quan hệ giữa Washington và Moskva sẽ góp phần làm dịu tình hình căng thẳng trên thế giới. Thế giới đang chờ đợi các bước đi cụ thể của Nga và Mỹ sau cuộc điện đàm này.

Tiêu đề do tòa soạn đặt lại

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại