Vì sao Nga kêu gọi mở rộng liên minh kinh tế Á - Âu?

Đức Dũng |

Theo các chuyên gia phân tích, động thái trên của Tổng thống Nga được xem như một nỗ lực nhằm phá vỡ thế bị cô lập của Nga bởi các lệnh trừng phạt do các nước phương Tây đứng đầu là Mỹ áp đặt liên quan tới cuộc khủng hoảng Ukraine.....

Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Quốc tế thường niên lần thứ 20 tại St. Petersburg, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã kêu gọi thành lập một liên minh đối tác Âu-Á mở rộng hơn.

Theo Tổng thống Putin, liên minh sẽ bao gồm Ấn Độ, Trung Quốc, các nước trong Liên minh Kinh tế Âu-Á và Cộng đồng các Quốc gia Độc lập cũng như các nước và các tổ chức khác.

Theo các chuyên gia phân tích, động thái trên của Tổng thống Nga được xem như một nỗ lực nhằm phá vỡ thế bị cô lập của Nga bởi các lệnh trừng phạt do các nước phương Tây đứng đầu là Mỹ áp đặt liên quan tới cuộc khủng hoảng Ukraine và tăng cường hợp tác đa phương, đặc biệt với Liên minh châu Âu (EU).

Cũng theo Tổng thống Putin, so với quý I/2015, lượng đầu tư nước ngoài gần đây đang bị rút khỏi nước Nga thấp hơn đáng kể. Hơn nữa, Nga có nguồn dự trữ dồi dào, có thể giảm tỷ lệ lạm phát hiện nay xuống 4-5%, tất cả cho thấy Nga sẽ lại đạt được mức tăng trưởng kinh tế tích cực trong thời gian ngắn.

Mối quan hệ giữa Nga và EU đã bị xấu đi sau khi EU cùng Mỹ áp đặt các lệnh trừng phạt Nga do sáp nhập Crimea và can thiệp vào cuộc khủng hoảng Ukraine từ năm 2014. Các lệnh trừng phạt đã gây ra những khó khăn đáng kể đối với sự tăng trưởng kinh tế Nga, song không thể làm cho đất nước này suy sụp.

“Chúng tôi không tức giận, và chúng tôi sẵn sàng thỏa hiệp với các đối tác châu Âu”, Tổng thống Putin nhấn mạnh.

Giới phân tích cho rằng Moscow đã gửi tới EU một thông điệp rõ ràng nhằm dẹp đi những bất đồng và cùng chung tay củng cố quan hệ hợp tác đa phương.

Nga là đối tác thương mại lớn thứ ba của EU còn EU là đối tác thương mại lớn nhất của Nga. Do các lệnh trừng phạt áp đặt lẫn nhau giữa Nga và EU, kim ngạch thương mại hai bên đã giảm mạnh tới 37% trong 2 năm qua.

Các nước EU không thống nhất trong vấn đề trừng phạt Nga. Tại diễn đàn, cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy phát biểu rằng quan hệ giữa EU và Nga không nên để cho Mỹ dẫn dắt, trong khi các lệnh trừng phạt giữa Nga và EU nên được gỡ bỏ.

Thực tế, nhiều công ty châu Âu bị ảnh hưởng kinh doanh bởi các lệnh trừng phạt rất nóng lòng muốn bình thường hóa quan hệ kinh tế và thương mại với Moscow.

Nga từ lâu đã nghĩ tới việc thúc đẩy hội nhập giữa các nền kinh tế Âu và Á. Ngay từ đầu năm 2010, ông Putin đã đưa ra ý tưởng về “Hệ thống Kinh tế châu Âu mới”, theo đó sẽ xây dựng nên một cộng đồng kinh tế hòa hợp trên khắp lục địa châu Âu từ Lisbon của Bồ Đào Nha tới Vladivostok của Nga.

Sau đó, Nga tập trung nỗ lực và xây dựng Liên minh Kinh tế Âu-Á bao gồm Nga, Belarus, Kazakhstan, Armenia và Kyrgyzstan với tổng dân số là 170 triệu người.

Giới phân tích cho rằng Liên minh Kinh tế Âu-Á đã đặt nền móng cho việc thực hiện một liên minh đối tác Âu-Á rộng hơn. “Dự án này chắc chắn sẽ mở cửa ra với châu Âu.

Và tôi tin rằng sự tương tác như vậy có thể đem lại lợi ích cho nhau”, Tổng thống Putin nói đồng thời nhấn mạnh rằng một trong những bước đầu tiên để thực hiện dự án này là phải chính thức khởi động đàm phán về việc tạo lập quan hệ đối tác thương mại và kinh tế toàn diện ở Âu-Á giữa Liên minh Kinh tế Âu-Á và Trung Quốc.

Theo hướng đó, Trung Quốc và Nga đã đạt được sự đồng thuận hợp tác thúc đẩy Liên minh Kinh tế Âu-Á và sáng kiến “Một vành đai, Một con đường” của Trung Quốc.

Sáng kiến “Một vành đai, Một con đường”, được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nêu ra năm 2013, đề cập tới Vành đai Kinh tế Con đường Tơ lụa kết nối Trung Quốc với châu Âu qua khu vực Trung và Tây Á bằng những tuyến đường nội địa, và Con đường Tơ lụa trên biển thế kỷ 21 nối Trung Quốc với Đông Nam Á, châu Phi và châu Âu bằng đường biển.

Đề cập tới mối quan hệ của Moscow với phương Tây, hiện đang ở mức thấp nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh, Tổng thống Putin cho rằng đối đầu toàn cầu không thể là nền tảng cho sự phát triển quan hệ quốc tế.

Theo giới phân tích, liên minh đối tác Âu-Á rộng hơn chắc chắn sẽ đối mặt với những thách thức, song một khi các bên có thái độ cởi mở và bao trùm, từ bỏ tâm lý “được ăn cả, ngã về không”, chắc chắn sẽ có cơ hội để biến nó thành một nền tảng hợp tác vì lợi ích lẫn nhau trên mọi phương diện.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại