Vì sao máy bay ATR bị rơi ở Nepal dù không gặp thời tiết xấu?

Hoàng Phạm |

Các phi công nói rằng, lái máy bay ở Nepal có thể là một thách thức. Tuy nhiên điều kiện thời tiết lúc xảy ra vụ tai nạn khá tốt, gió nhẹ, trời quang mây và nhiệt độ cao hơn nhiều so với mức đóng băng.

Chuyến bay mang số hiệu 691 của Yeti Airline gặp nạn ngay trước khi hạ cánh xuống thành phố du lịch Pokhara của Nepal, cửa ngõ dẫn tới khu leo núi nổi tiếng trên dãy Himalaya, sau hành trình 27 phút từ Kathmandu.

Toàn bộ 72 người trên chiếc máy bay xấu số đều đã thiệt mạng.

Các phi công nói rằng, lái máy bay ở Nepal có thể là một thách thức. Tuy nhiên điều kiện thời tiết lúc xảy ra vụ tai nạn khá tốt, gió nhẹ, trời quang mây và nhiệt độ cao hơn nhiều so với mức đóng băng. Vậy điều gì có thể là nguyên nhân dẫn tới vụ tai nạn của chiếc máy bay ATR-72?

Vì sao máy bay ATR bị rơi ở Nepal dù không gặp thời tiết xấu? - Ảnh 1.

Các nhân viên cứu hộ làm việc tại hiện trường vụ rơi máy bay ở Pokhara, Nepal ngày 16/1. Ảnh: AP

Máy bay bị thất tốc?

Một đoạn video được quay lại bằng điện thoại thông minh từ mặt đất cho thấy khoảnh khắc cuối cùng trước khi chiếc máy bay rơi xuống hẻm núi cách Sân bay Quốc tế Pokhara mới mở 1,6km. Phần mũi máy bay chếch cao một cách đáng chú ý trước khi phần cánh trái đột ngột hạ xuống và chiếc máy bay rơi khỏi tầm nhìn trong đoạn video. Điều này cho thấy có khả năng nó bị thất tốc, ông Amit Singh, một phi công giàu kinh nghiệm đồng thời là nhà sáng lập Quỹ Các vấn đề An toàn của Ấn Độ cho biết.

“Nếu nhìn vào hướng bay của chiếc máy bay, có thể thấy phần mũi của nó chếch lên. Phần mũi máy bay chếch lên liên quan tới sự cố thất tốc. Khi máy bay bị thất tốc, thường 1 bên cánh sẽ hạ xuống và hai bên cánh về cơ bản tạo ra lực nâng. Vì vậy, khi luồng không khí giảm, lực nâng được tạo ra không đủ để duy trì chiếc máy bay ở trên không và cánh sẽ hạ xuống, chiếc máy bay sẽ bị chúi mũi xuống”, ông Singh nói với AP.

Giáo sư Ron Bartsch, một chuyên gia an toàn hàng không và người sáng lập Công ty Tư vấn Hàng không Avlaw của Australia cũng nhận định chiếc máy bay dường như đã bị thất tốc.

“Tôi cho rằng chiếc máy bay đã bị thất tốc. Có thể là lỗi của phi công”, ông phát biểu với Kênh 9 của Sydney sau khi xem đoạn video về khoảnh khắc cuối cùng của máy bay trước khi rơi.

Những câu hỏi về chiếc máy bay ATR-72

ATR-72 do Pháp và Italy phát triển và sản xuất, được đưa vào sử dụng từ cuối những năm 1980. Dù dòng mày bay này liên quan đến một số vụ tai nạn thảm khốc trong những năm qua, trong đó một vài vụ do sự cố đóng băng, nhưng nó vẫn được “đánh giá tốt”, ông Bartsch cho biết.

Các nhà nghiên cứu đã tìm được hộp đen ghi dữ liệu chuyến bay và hộp đen ghi âm buồng lái hôm 16/1 tại hiện trường vụ tai nạn. Tuy nhiên, phải sau khi phân tích kỹ lưỡng các hộp đen, các nhà điều tra mới có thể biết chắc chắn điều gì đã xảy ra.

“Con người sẽ là một yếu tố cần điều tra để xem họ có được đào tạo phù hợp hay không. Nhưng thông thường máy bay không tự nhiên bị rơi, đặc biệt là máy bay hiện đại”, ông Bartsch nói.

Ông Singh cho biết, có thể do một số lỗi kỹ thuật, các thiết bị của máy bay đã cung cấp dữ liệu sai cho phi công, nhưng cho dù như vậy, máy bay vẫn có thể khôi phục sau khi bị thất tốc.

“Các phi công đều được đào tạo để xử lý các lỗi kỹ thuật”, ông nói.

Ông Singh nhấn mạnh, ngành hàng không của Nepal tương đối yếu kém về vấn đề an toàn và đào tạo, mặc dù gặp nhiều thách thức về sân bay và điều kiện thời tiết. Dù Nepal đang cố gắng cải thiện nhưng các máy bay của nước này vẫn bị cấm bay vào không phận châu Âu.

Một phi công thường xuyên lái máy bay ATR-72-500 từ Ấn Độ đến Nepal cho biết địa hình của khu vực, với những đỉnh núi cao và thung lũng hẹp, làm tăng nguy cơ xảy ra tai nạn và đôi khi đòi hỏi phi công phải bay bằng tầm nhìn trực quan thay vì dựa vào thiết bị.

Phi công giấu tên đã gọi ATR-72-500 là “máy bay vô cùng thách thức” nếu phi công không có tay nghề cao và quen thuộc với địa hình và tốc độ gió của khu vực này

ATR ngày 15/1 cho biết trên Twitter rằng, các chuyên gia của hãng “cam kết hỗ trợ điều tra cũng như hỗ trợ khách hàng” và “những gì họ nghĩ đến đầu tiên là những cá nhân bị ảnh hưởng bởi vụ tai nạn”.

Quan ngại về sân bay mới

Là nơi có 8 trong số 14 dãy núi cao nhất thế giới, Nepal là nơi xảy ra nhiều vụ tai nạn hàng không. Theo dữ liệu của Quỹ Các vấn đề An toàn Ấn Độ, có 42 vụ tai nạn máy bay chết người xảy ra ở Nepal kể từ năm 1946.

Theo một báo cáo an toàn năm 2019 từ Cơ quan Hàng không Dân dụng Nepal, “địa hình khắc nghiệt” và “kiểu thời tiết đa dạng” của Nepal là những thách thức lớn, đã dẫn đến “một số vụ tai nạn” đối với máy bay nhỏ. Báo cáo cho biết, những vụ tai nạn như vậy xảy ra tại các sân bay có đường băng cất cánh và hạ cánh ngắn và hầu hết là do lỗi của phi công.

Sân bay ở Pokhara, một địa điểm du lịch nổi tiếng là cửa ngõ của dãy núi Annapurna, nằm ở độ cao khoảng 820 mét.

Trước khi sân bay chính thức mở cửa cách đây 2 tuần, một số người đã bày tỏ lo ngại rằng số lượng chim trong khu vực làm tăng mức độ rủi ro cho máy bay. Khu vực này là môi trường sống thuận lợi vì gần 2 con sống và có 1 bãi rác gần sân bay.

Ông Singh cho biết, nếu máy bay bị chim va phải khi đang chuẩn bị hạ cánh, điều này có thể khiến các phi công bị gián đoạn và phải thao tác lại, điều này cũng có thể dẫn đến sự cố thất tốc./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại