Ảnh minh họa
Ngày 20/7 vừa qua, Chính phủ Ấn Độ đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo non-basmati (một loại gạo phổ biến trong ẩm thực Ấn Độ và khu vực Nam Á) và có hiệu lực ngay thời điểm ban hành. Động thái này của quốc gia châu Á diễn ra nhằm đối phó với tình trạng giá gạo tăng cùng tình trạng giảm gieo sạ diễn ra tại một số bang sản xuất gạo chính do gió mùa thất thường. Theo dữ liệu của Bộ thực phẩm Ấn Độ, giá bán lẻ gạo đã tăng khoảng 15% ở Delhi trong khi giá trung bình trên toàn quốc tăng hơn 8%.
Thông báo trên cũng cho biết các lô hàng cho các quốc gia khác nhằm đảm bảo an ninh lương thực của họ sẽ được Chính phủ cấp phép và dựa trên yêu cầu của quốc gia đó.
Động thái mới nhất của Chính phủ Ấn Độ kết hợp với lệnh hạn chế xuất khẩu lúa mì và đường trước đó sẽ ảnh hưởng đến một phần lớn thương mại trên toàn cầu. Gạo là lương thực chính của khoảng một nửa dân số thế giới, trong đó tiêu thụ của châu Á chiếm đến 90% nguồn cung toàn cầu.
Vậy Ấn Độ quan trọng đối với thương mại gạo trên toàn cầu như thế nào?
Theo số liệu tổng hợp từ Mint, Ấn Độ chiếm hơn 40% lượng gạo xuất khẩu toàn cầu, đạt 55,4 triệu tấn vào năm 2022. Xuất khẩu gạo của Ấn Độ năm 2022 nhiều hơn tổng xuất khẩu của Thái Lan, Việt Nam, Pakistan và Mỹ, bốn nhà xuất khẩu gạo lớn tiếp theo cộng lại.
Lượng khách hàng của Ấn Độ vô cùng hùng hậu với hơn 140 quốc gia nhập khẩu ròng gạo non-basmati của Ấn Độ, trong đó các quốc gia như Benin, Bangladesh, Angola, Cameroon, Djibouti, Guinea, Bờ Biển Ngà, Kenya và Nepal coi gạo là lương thực chính và là những khách “ruột” của gạo Ấn Độ.
Ấn Độ đã xuất khẩu 17,86 triệu tấn gạo non-basmati vào năm 2022. Vào tháng 9 năm 2022, chính phủ Ấn Độ đã cấm xuất khẩu gạo tấm và áp thuế 20% đối với xuất khẩu các loại gạo do nước này đang phải vật lộn với giá lương thực tăng cao.
Chính phủ Ấn Độ không đưa ra bất kỳ hạn chế nào đối với việc xuất khẩu gạo basmati đạt 4,4 triệu tấn vào năm 2022. Iran, Iraq và Saudi Arabia chủ yếu mua gạo basmati cao cấp từ Ấn Độ.
Nông dân Ấn Độ trồng lúa hai vụ trong một năm. Trồng vụ hè bắt đầu từ tháng 6 chiếm hơn 80% tổng sản lượng với dự kiến đạt 135,5 triệu tấn trong niên vụ 2022/23. Vào những tháng mùa đông, lúa nước chủ yếu được trồng ở các bang miền trung và miền nam.
Xuất khẩu gạo Việt Nam bị ảnh hưởng ra sao?
Đối với Việt Nam, giá gạo xuất khẩu đã liên tục tăng trong thời gian gần đây. Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 6/2023 cả nước xuất khẩu 617.998 tấn gạo, tương đương 340,77 triệu USD, giảm 14,7% về lượng và giảm 12,8% về kim ngạch. Giá xuất khẩu trung bình đạt 551,4 USD/tấn, nhưng tăng nhẹ 2,3% về giá so với tháng 5/2023.
Tính chung cả 6 tháng năm 2023 lượng gạo xuất khẩu của cả nước đạt gần 4,24 triệu tấn, tương đương gần 2,26 tỷ USD, tăng 21,3% về khối lượng, tăng 32,2% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2022, giá trung bình đạt 532,6 USD/tấn, tăng 9%.
Trước tình hình Ấn Độ hạn chế xuất khẩu gạo, các quốc gia sẽ có xu hướng chuyển sang tăng nhập khẩu từ Việt Nam. Tuy nhiên theo đại diện Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), nguồn cung gạo của Việt Nam không thể đáp ứng nhu cầu của các nước. Ngược lại, dù là cường quốc XK gạo trên thế giới nhưng hằng năm, Việt Nam vẫn nhập khẩu khoảng 1 triệu tấn gạo (phần lớn là từ Ấn Độ) để phục vụ các nhu cầu trong nước như sản xuất bánh, bún, thức ăn chăn nuôi...
Ngay sau khi lệnh cấm xuất khẩu của Ấn Độ được ban hành, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đã có văn bản hoả tốc gửi các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo và nhấn mạnh việc Ấn Độ ban hành chính sách hạn chế hoạt động xuất khẩu gạo sẽ tác động đến thị trường thương mại gạo toàn cầu.
Cục Xuất nhập khẩu đề nghị các thương nhân thực hiện nghiêm túc các quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo, việc thu mua thóc, gạo hàng hóa nhằm đảm bảo cân đối xuất khẩu và tiêu dùng nội địa; duy trì mức dự trữ lưu thông theo quy định, góp phần bình ổn giá thóc, gạo tại thị trường trong nước và đảm bảo an ninh lương thực.