Khách và chủ đều “thủ thế”
Trưa 19/2 (mùng 8 Tết), con phố Tô Hiệu - con phố ẩm thực sầm uất của Hà Nội với đầy đủ các món ngon, tập trung rất nhiều dân nhậu, dân văn phòng giờ đây đìu hiu, vắng khách.
Thậm chí, nhiều hàng quán, nhà hàng có không gian rộng, không thuộc diện cấm hoạt động vẫn đóng cửa im ỉm. Tình trạng này cũng diễn ra tại các con phố lớn, nhiều hàng ăn tại Hà Nội như Trần Duy Hưng, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo…
Chị Nguyễn Thị Tâm (nhân viên văn phòng tại quận Cầu Giấy) cho biết, trước đây, sau Tết mấy chị em cùng cơ quan vẫn thường rủ nhau đi lễ chùa, rồi lang thang cà phê, ăn uống. Nhưng Tết năm nay, các cửa hàng cà phê, quán ăn gần như đóng cửa hoặc gắn biển “bán mang về” nên các chị không thể “tụ tập”.
“Việc đặt Grabfood và Now (các ứng dụng gọi đồ ăn trực tuyến - PV) bây giờ cũng khó khăn hơn trước. Thậm chí, đặt 5,6 cuộc đều không có tài xế nhận ship. Nói chung việc đi ra ngoài ăn và đặt đồ ăn về khá bất tiện. Chị em văn phòng chúng tôi chủ động mang đồ ăn từ nhà đi”, chị Tâm nói.
Chủ một chuỗi nhà hàng trên đường Tô Hiệu chia sẻ, đáng lẽ nhà hàng mở cửa vào sáng 17/2 (tức mùng 6 Tết). Tuy nhiên, ngay khi có yêu cầu thành phố Hà Nội về việc phòng, chống dịch COVID - 19 (ngày 15/2), thì anh quyết định dừng mở cửa và chưa biết khi nào có thể mở cửa bán hàng.
“Quán mở ra không có khách, thực phẩm thì phải nhập, chi phí mặt bằng nhân công chạy một ngày không đủ doanh thu để bù lỗ. Những nhà hàng có mô hình nhỏ thì có thể bớt nhân viên được chứ những nhà hàng mô hình lớn thì hệ thống không cắt bớt được vì đều có hợp đồng lao động.
Ngoài ra, nhà hàng có mở thì cũng phải giãn bàn, chia tầng, xây dựng vách ngăn, nếu thực hiện không đúng thì lực lượng chức năng họ vào phạt ngay. Vì thế, tôi tạm đóng cửa cho an toàn, dù sao cũng lỗ rồi”, chủ chuỗi nhà hàng này nói.
Mục tiêu kép - khó nhưng vẫn phải làm
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, nhiều chủ nhà hàng, quán ăn tại Hà Nội cho biết sẽ dành thời gian chưa mở cửa hàng để sửa sang cửa hàng để chờ cơ hội kinh doanh. Khảo sát tại một số quán ăn tại quận Hoàng Mai cho thấy, không ít chủ hàng tự tay làm các vách ngăn giọt bắn đặt trên bàn để bán hàng cho khách.
Tuy nhiên, một số chủ quán cà phê, quán ăn đường phố, hàng trà đá tại Hà Nội vẫn lén lút hoạt động. Chẳng hạn, quán cà phê Góc (ở phố Tô Hiệu), quán cà phê CiGány (số 8 Phan Kế Bính), Trà Chanh Bụi Phố (114 Đào Tấn)… vẫn đóng cửa hờ, mở cửa dẫn khách vào trong, lên tầng 2.
Tại các góc phố, con hẻm tại Hà Nội những ngày này cũng không khó tìm ra các quán ăn vỉa hè, quán trà đá vẫn cố thủ hoạt động mà không bị các cơ quan chức năng xử lý.
Trao đổi với PV báo Tiền Phong, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho biết, trong điều kiện hiện nay, trước hết phải kiểm soát được dịch COVID-19 mới có thể phát triển được kinh tế lâu dài.
Theo chuyên gia này, Chính phủ đặt ra nhiệm vụ kép là vừa chống dịch, vừa duy trì, phát triển kinh tế là hướng đi đúng nhưng cũng đầy khó khăn.
Để thực hiện nhiệm vụ này, các cơ quan chức năng ngoài việc chống dịch quyết liệt, cần bám sát tình hình dịch bệnh để không cách ly toàn diện, đóng cửa toàn diện để giảm tải áp lực lên hoạt động sản xuất kinh doanh vốn đã chịu nhiều tổn thất vì dịch COVID-19 trong năm qua.
Cùng quan điểm, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nói: Việc ngăn cấm, hạn chế kinh doanh cần dựa theo diễn biến của dịch bệnh.
“Nếu buông lỏng, dịch bệnh phát triển rộng, sẽ nguy hiểm đến sức khỏe của người dân và cả nền kinh tế”, ông Phong nói và mong muốn các cơ quan liên quan đưa được vắc xin về nước, triển khai tiêm đúng kế hoạch để giảm áp lực về sức khỏe, tâm lý và cả kinh tế cho người dân.