Xử phạt vi phạm khi tham gia giao thông.
Như vậy là “đến hẹn lại lên”, bộ chủ quản lại phải chỉ đạo ngành chức năng dẹp nạn “xe dù, bến cóc” gây bất an cho hành khách.
Thanh tra Bộ GTVT đặc biệt yêu cầu các đơn vị tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý tình trạng “xe dù, bến cóc”. Cùng đó là các vi phạm chạy sai hành trình, chở quá tải, quá số người quy định. Tình trạng chèn ép, sang nhượng hành khách, tăng giá vé trái quy định, không đảm bảo điều kiện, tiêu chuẩn của phương tiện, người điều khiển phương tiện theo quy định.
Việc thực hiện quy trình đảm ATGT khi giải quyết thủ tục cho xe ra vào bến xe ô tô khách và hoạt động cung cấp, sử dụng phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải.
Với tình trạng xe dù, bến cóc dư luận đặt đâu hỏi, tại sao vấn nạn này đã nhức nhối từ nhiều năm qua nhưng đến nay vẫn tồn tại dai dẳng chưa giải quyết dứt điểm?
Riêng Hà Nội, nơi xe dù bến cóc trở thành vấn nạn giao thông, thời điểm này tình trạng xe chạy “rùa bò” đón khách trên vẫn diễn ra công khai tại các vị trí trên đường Phạm Hùng, hoăc tại cổng ra Bến xe Mỹ Đình, quảng trường bến xe và đường gom Đại lộ Thăng Long.
Trên các tuyến đường giao thông trọng điểm như Giải Phóng, Phạm Hùng, Khuất Duy Tiến, Phạm Văn Đồng,... bất kỳ điểm nào trong ngày cũng dễ dàng bắt gặp tình trạng người dân đứng chờ bắt xe, nhà xe thì vội vàng tấp vào lề đường đón khách bất chấp nguy hiểm. Các nhà xe thường xuyên có người theo dõi. Có thể thấy vắng bóng lực lượng là họ dừng rồi thả người xuống luôn rồi đi ngay.
Thống kê trong 7 tháng đầu năm 2020, Thanh tra Sở GTVT Hà Nội đã kiểm tra, lập biên bản vi phạm hành chính 3.685 trường hợp vi phạm quy định trong hoạt động vận tải khách. Tổng số tiền phạt lên đến gần 5,6 tỷ đồng; tạm giữ 43 phương tiện, tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe có thời hạn 462 trường hợp.
Ở góc độ quản lý, Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT Hà Nội Cao Văn Hiệp lý giải, nguyên nhân dẫn đến việc các nhà xe ngang nhiên vi phạm là hiện các văn bản pháp luật trong lĩnh vực quản lý vận tải còn có những điểm chưa phù hợp với thực tiễn. Còn có kẽ hở để doanh nghiệp, chủ phương tiện và lái xe lợi dụng.
Như hiện nay chưa có quy định rõ về hành vi vi phạm của các phương tiện “trá hình” vận chuyển hành khách như tuyến cố định nên việc xử lý gặp nhiều khó khăn.
Mặt khác, theo ông Hiệp, một bộ phận không nhỏ hành khách không nắm rõ Luật Giao thông đường bộ, không vào bến xe, các điểm đón trả khách theo quy định để mua vé đi xe mà bắt xe dọc đường vì...tiện. Việc này là tiếp tay cho các lái xe khách vi phạm dừng đón khách trái quy định.
Nhìn nhận vấn nạn xe dù, bến cóc cũng có thể thấy “lỗ hổng” chế tài xử lý hiện nay vẫn chưa đủ sức răn đe, nhiều quy định chưa chi tiết và kín kẽ đối với vi phạm của các nhà xe và đặc biệt là xe hợp đồng, dẫn đến khó khăn xử lý, và cả tình trạng vì doanh thu mà các nhà xe cố tình vi phạm.
Tuy nhiên, giới chuyên gia giao thông quả quyết, nếu các lực lượng được giao nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm làm đúng chức trách thì rất khó để “xe dù, bến cóc” có thể lộng hành, chạy nghênh ngang trên đường phố từ nhiều năm qua. Phải chăng, vấn nạn “xe dù bến cóc” cần một đột phá như nội dung Nghị định 100 về xử phạt vi phạm nồng độ cồn?
Chuyên gia giao thông Phan Lê Bình đề xuất, cần có thêm các bến đỗ, chỗ dừng đỗ riêng, không ảnh hưởng tới lưu thông các phương tiện khác. Còn giải pháp trước mắt, vẫn là phải xử lý kiên quyết, nếu không chỉ là “bắt cóc bỏ đĩa”.
Và với vấn nạn xe dù, bến cóc tồn tại dai dẳng từ nhiều năm qua khiến dư luận không thể không đặt câu hỏi liệu có sự “bảo kê”, dung túng từ phía lực lượng chức năng?
Trong 11/2020, Thanh tra Sở GTVT Hà Nội đã tiến hành kiểm tra, lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính 360 trường hợp, phạt tiền gần 1,7 tỷ đồng đối với các điểm trông giữ phương tiện vi phạm trên địa bàn thành phố.
Trong đó, có 121 trường hợp chiếm dụng trái phép lòng đường, phố; 143 trường hợp chiếm dụng trái phép hè phố để trông giữ phương tiện và 96 trường hợp tổ chức hoạt động khai thác bãi đỗ xe khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép theo quy định.